Lễ hội Phủ Dầy truyền thống có quy mô lớn, được tổ chức vào thượng tuần của tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ đến công ơn của Bà Chúa Liễu Hạnh - người Mẹ linh thiêng của dân tộc Việt Nam.
Tục thờ Đức Thánh mẫu có ở khá nhiều nơi như Phố Cát (Thanh Hóa), Đền Sòng (Nghệ An)... Nhưng có lẽ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nơi Mẫu sinh) là thu hút khách thập phương hơn cả. Du khách trảy hội Phủ Dầy vừa để dự ngày giỗ Mẹ, vừa để thỏa nguyện tâm linh và được ngắm nhìn một quần thể kiến trúc lăng chùa truyền thống vô cùng độc đáo.
Tưng bừng khai mạc Lễ hội Phủ Dầy |
Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy bao gồm gần 20 đền phủ, chùa trải rộng gần 10km² nằm trong không gian đẹp, với cảnh quan thiên nhiên phong phú.
Trong quần thể di tích Phủ Dầy đã có 3 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và gắn liền với sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh đã và đang được các nhà khoa học, viện nghiên cứu xã hội và nhân văn, các cơ quan chuyên môn làm sáng tỏ, khẳng định tục thờ Mẫu là tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam".
Lễ hội Phủ Dầy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nổi tiếng với nghi lễ chầu văn - hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của đạo Mẫu.
Múa Rồng mừng ngày khai mạc Lễ hội Phủ Dầy |
Lễ hội diễn ra với đầy đủ cả phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ có các nghi thức như: rước kiệu, rước thỉnh kinh, dâng hương, hát chèo,...; phần Hội gồm các hoạt động như: thi hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, kéo co, múa rồng, múa sư tử...
Du khách khắp nơi trảy hội Phủ Dầy dự ngày Giỗ Mẫu |
Trong dịp lễ hội, hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đã nườm nượp đổ về Quần thể Di tích văn hóa Phủ Dầy để tham quan, thắp hương cầu may mắn, cầu tài, cầu lộc cho gia đình mình.