Cũng như các dân tộc khác người Thái đen ở Sơn La có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, có phong tục thờ cúng thần đất, thần sông, thần núi, thần rừng, thờ cúng tổ tiên trong dịp tết Nguyên đán, Lễ hội Xên bản, Xên lẩu nó, Hạn khuống, Mừng cơm mới…
Mo một làm lễ cúng.
Cùng với các vùng miền trên cả nước cứ khi mùa xuân về, khi măng mới nhú, khi cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa ban cùng muôn hoa đua nở khắp núi rừng, vạn vật sinh sôi sau mùa đông lạnh giá bà con người Thái đen bản Nà Mè, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn ở Sơn La lại tổ chức lễ Xên lẩu nó tại nhà mo một (thầy cúng).
Lễ hội Xên lẩu nó là lễ hội truyền thống, rất đặc sắc diễn ra trong 3 ngày 3 đêm với hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần sông, thần núi, thần thổ địa, lễ cảm tạ của các con nuôi được mo một chữa khỏi bệnh. Phần hội có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng mọi người cùng vui múa điệu xòe truyền thống trong tiếng chiêng, tiếng trống đầu xuân. Đây cũng là dịp bà con gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Đến nay mặc dù một số nét đã bị mai một theo thời gian, năm tháng song vẫn không thể mất đi những nét đậm bản sắc dân tộc Thái.
Theo mo một Lường Văn Ân 57 tuổi, ở bản Nà Mè lễ hội được tổ chức vào một ngày đẹp đầu xuân, các con nuôi của mo một sẽ mang lễ vật đến nhà chuẩn bị lễ hội. Trong lễ hội Xến lẩu nó phải có rượu khoảng 100 - 200 lít, phụ thuộc vào lượng con nuôi, cùng với gạo, rượu cần… để cúng tổ tiên, mời các thần linh và thổ công thổ địa.
Một thứ không thể thiếu trong lễ hội là cây xăng bók (cây nêu). Lễ hội Xên lẩu nó của người Thái ở bản Nà Mè có 2 cây xăng bók do mo một trực tiếp chỉ đạo anh em, con cháu dựng ở 2 cột nhà song song. Mỗi cây gồm: Cây chuối, cành hoa ban, măng đắng, chum rượu cần, …
Một nhóm đàn ông được phân công đi chặt tre làm "Bẳng nặm póng" (ống nước) khoảng từ 10 đến 15 ống để nhảy múa quanh cây xăng bók. Làm 01 cái sàn bằng tre trên trần nhà gọi là "hảng" để các con nuôi đặt các mâm lễ. Nếu chật không hết thì họ sẽ đặt xuống dưới, mâm của người nào thì viết tên người đó để thầy cúng lần lượt cúng cầu xin những điều tốt đẹp.
Sau khi dựng cây xăng bók đàn ông đi mổ trâu để làm lễ. Đầu, đuôi, 4 chân và đùi trước là để cúng, còn lại để chế biến thức ăn trong những ngày lễ hội. Phụ nữ và những người khác thì tiếp tục những công việc còn dang dở để chuẩn bị cho lễ cúng.
Trong ba ngày lễ có nhiều phần cúng như lễ "pông phí một" (cúng mời các thần linh), lễ "an pan" (giới thiệu các mâm lễ để mời các thần linh đến ngồi đúng vị trí), lễ "tam phí hươn" (lễ cúng tổ tiên)… Trong các phần cúng quan trọng nhất là cúng cho các con nuôi.
Mo một cúng cho các con nuôi xong, mỗi gia đình con nuôi sắm cỗ cảm tạ mo một đã chữa khỏi bệnh và cầu bình an cho gia đình. Chuẩn bị xong các con nuôi tự mang cỗ bày lên trên lá chuối. Cỗ gồm có 01 con gà để ngửa hoặc 01 con lợn con để úp, 01 nải chuối, 01 gói xôi, 01 cặp bánh chưng, 02 sợi dây, 02 đoạn mía, 03 cái măng đắng, 01 bát gạo, 02 chén rượu, 03 con cá, 03m vải, 01 chai rượu. Mâm được phủ một tấm vải ở trên. Sau đó các con nuôi xếp hàng lần lượt chuẩn bị vào dâng lễ. Trên mâm lễ nếu mâm có lợn là đã nhận con nuôi, mâm có 1 con gà là cúng bình thường, bệnh nhẹ.
Sau khi chuẩn bị lễ xong thứ tự các con nuôi dâng lễ. Thầy cúng xem lễ cúng, bẻ đôi con gà, lấy một ít thịt ăn thử rồi nếm mỗi thứ một ít. Sau đó ông sẽ cho một số lời khuyên với con nuôi về bệnh tật, khu ăn ở và xử lý các hoạt động trong cuộc sống. Khi kết thúc, ông nhận 1/2 lễ đưa lên cho thần linh, 1/2 lễ trả lại con nuôi.
Sau khi xong việc, người giúp việc rót 3 chén rượu cùng uống cảm ơn (cứ như vậy cho đến hết lượt các con nuôi). Thời gian làm lễ phụ thuộc vào số lượng con nuôi nhiều hay ít vì mỗi con nuôi làm lễ hết khoảng 15 - 20 phút. Trong lễ hội mo một hướng dẫn mọi người cách làm bùa bình an, làm phép cho vòng tay, vòng cổ của các con nuôi, đọc thần chú rồi đeo vào tay mọi người.
Các con nuôi cùng bà con dân bản không phân biệt tuổi tác khi xong việc cùng nhau xoè vui, có thể múa xoè, cười nói trao đổi theo nhịp trống chiêng kéo dài đến 1 - 2h sáng.
Trong lễ hội có phần mo một trong trang phục lễ hội giả làm con khỉ chèo lên cây xăng bók diễn trò bứt chuối ném xuống cho mọi người ăn, ông phá phách, giật tung mọi thứ trên cây xăng bók, rồi ông nhảy xuống sàn nhà múa say sưa theo điệu ngửa 2 bàn tay tung lên biểu hiện tiễn đưa các thần linh về trời. Cứ như thế được khoảng 20 - 30 phút rồi ông giật lấy khăn quận mấy vòng vào cây xăng bók buộc lại báo hiệu kết thúc lễ hội lúc này mọi người đều bỏ khăn và đạo cụ khác vào gốc cây "xăng bók" rồi vỗ tay nhảy múa quanh cây.
Kết thúc lễ hội là lễ "xống một" (Lễ tiễn đưa các thần linh về). Mo một cúng xin phép kết thúc lễ hội và cúng tiễn đưa các thần linh về, các thần linh phù hộ cho ông, các con nuôi, dòng họ, dân bản mọi người ai cũng đều gặp điều may mắn, tốt lành, có sức khoẻ, trồng cấy được mùa, chăn nuôi phát triển, bản làng đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Sau ba ngày lễ hội mọi người lại trở về với cuộc sống hàng ngày chăm chỉ lao động với niềm tin một năm mới mùa vụ mới may mắn, thuận lợi. Lễ hội Xên lẩu no đã có trong đời sống người dân tộc Thái từ ngày xưa có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần. Với nhiều hoạt động và các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống... được đúc kết từ trong lao động đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng. Lễ hội tổ chức với sự tham gia hoàn toàn tự nguyện của các con nuôi mo một.
Theo ông Mè Hoàng Thanh - Trưởng phòng nghiệp vụ văn nghệ quần chúng Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La chia sẻ "Xên lẩu nó có từ xa xưa có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái. Vì vậy cần nghiên cứu phục dựng, hoàn chỉnh, phát huy những mặt tích cực, lược bỏ những phần không còn phù hợp với điều kiện cuộc sống hiện nay, để duy trì, phát triển góp phần lưu giữ, giới những giá trị văn hóa của người Thái trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Góp phần xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc Dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân".
Theo Diệp Hương - sonla.gov.vn