Ngắm dòng thác tung bọt trắng xóa, đổ ầm ầm về phía hạ nguồn cùng với đó là những câu chuyện truyền thuyết về tiên giáng trần đã tạo cho du khách những lôi cuốn và cảm nhận thú vị.
Cách TP HCM chừng 150 km về hướng đông bắc, VQG Nam Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước). Nơi đây nằm tách biệt với dân cư và ngăn cách bởi con sông Đồng Nai.
Nam Cát Tiên không chỉ là nơi dành cho các tín đồ yêu thiên nhiên, thích khám phá mà còn là địa chỉ vàng cho các bạn trẻ, gia đình tổ chức các buổi cắm trại, picnic. Đặc biệt, hãy đến các khu vực thác để chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của nó và lắng nghe những giai thoại truyền thuyết về vùng đất “tiên” này.
Khung cảnh thơ mộng giữa chốn rừng sâu Nam Cát Tiên.
Ngắm thác trong rừng
Thác ở Nam Cát Tiên không cao và trong vắt như ở Tây Nguyên, tuy nhiên lại có nhiều ghềnh thác. Không gian xung quanh rừng cây um tùm và có mây mù bồng bềnh bao phủ khắp khu vực thác đổ, tạo nên khung cảnh huyền bí và âm u.
Nếu du khách đến vào mùa khô, thác trông như những ngọn suối nhỏ, để lộ ra những bãi đá lổm chổm khắp một vùng rộng lớn. Mùa mưa, những dòng suối ấy phút chốc trở nên hùng mạnh, tạo nên những dòng thác dữ, tung bọt trắng xóa chảy ầm ầm qua các phiến đá. Một số đoạn quanh co tạo nên những bãi cát vàng tự nhiên, thích hợp để tắm tiên.
Mùa mưa, những dòng thác dữ, tung bọt trắng xóa chảy ầm ầm qua các phiến đá.
Thác Mỏ Vẹt, thác Trời và thác Dựng là ba địa chỉ gợi ý cho du khách để chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của những dòng thác ẩn mình chốn rừng sâu nước hiểm: ngồi trên tảng đá, lắng nghe tiếng thác chảy, những dòng suối róc rách qua từng phiến đá, ngắm nhìn những đám mây lượn lờ trôi gần mặt đất và dõi theo cánh chim trời tung bay.
Trong giây phút thẫn thờ người hòa theo cảnh vật, một cơn nước dữ đập vào thành đá văng tung tóe cả nước vào mặt, khiến ai nấy đều hoảng hồn và tỉnh giấc.
Truyền thuyết về tên gọi “Cát Tiên”
Truyền thuyết về danh thắng “Cát Tiên” vẫn được người Mạ lưu truyền cho đến ngày nay. Tương truyền, ngày xưa tại vùng đất phía tây nam tỉnh Lâm Đồng, trong lúc đi săn bắn, chàng thợ săn người Châu Mạ tìm thấy một khối trụ đầy màu sắc, trông rất đẹp.
Với tính tình hiếu kỳ và tò mò, chàng liền vung tên bắn vào khối trụ này, bỗng dưng một dòng nước tuôn trào dữ dội như thác và nhanh chóng đuổi theo chàng. Chàng hoảng sợ chạy vun vút như bay, dòng nước dữ kia như cơn thịnh nộ đang cuồn cuộn đuổi rượt chàng thợ săn.
Chàng chạy càng nhanh, dòng nước cũng chạy nhanh theo, để lại phía sau những vùng nước, ghềnh thác ở nhiều nơi. Khi chạy chậm, dòng nước đọng lại thành những bầu nước sâu còn khi dừng lại, dòng nước tạo nên những hồ nước lớn.
Trong lúc màn rượt đuổi gây cấn, chàng thợ săn Châu Mạ bỗng dừng lại, dòng nước cũng ngừng hẳn. Chàng nhìn thấy nhiều tiên nữ đang vui đùa trên bãi cát rộng mịn màng bên dòng suối, cùng với những đàn hươu, nai nhởn nhơ gặm cỏ, xa xa là những đàn công đang xòe đuôi khoe sắc, những đàn chim, bướm đang nhảy múa,… như những ngày hội, tạo nên khung cảnh thật đẹp và thơ mộng, tựa như cảnh tiên giới dưới trần gian. Từ đó địa danh “Cát Tiên” được hình thành.
Thác Bến Cự, nơi gắn liền với câu chuyện tình ly kỳ
Thác Bến Cự nằm cách trung tâm vườn khoảng 5 km và mất khoảng 60 phút để đi tản bộ đến đây. Trên đường đi, bạn có thể ngắm đàn bướm ngũ sắc đang chao lượn ở các nẻo đường mòn, có nơi chúng đậu lại thành từng cụm, có xe hoặc người chạy qua, đàn bướm bay vụt lên không phương hướng, khiến cho khung cảnh hoang vắng phút chốc trở nên khác lạ và thú vị.
Những dòng thác dữ chảy xiết qua từng ghềnh đá, hòa trong sương bù bảng lảng nơi dòng nước, ven cánh rừng già, ánh hoàng hôn dần khuất sau những rặng núi, khiến khung cảnh vừa thơ mộng lại pha chút huyền bí.
Khung cảnh huyền bí ở thác Bến Cự.
Bên cạnh vẻ đẹp quyến rũ của thác, Bến Cự còn lưu giữ câu chuyện tình hết sức cảm động và lãng mạn, giữa một bên là người trần gian chàng K’Du và thế giới thần tiên nàng Ka Mài.
Tiên nữ Ka Mài thầm yêu chàng K’Du, người dân làng Mạ và mồ côi cha mẹ, trốn thượng giới xuống trần gian để kết duyên vợ chồng. Họ đã sinh sống hạnh phúc một thời gian nhưng vì phạm vào luật trời, tiên nữ Ka Mài bị bắt về trời. Chàng K’Du vì nhớ nhung vợ đến chết, còn ở nơi thượng giới tiên nữ xin nguyện chết để hóa kiếp loài hoa để vợ chồng được bên nhau.
Qua biết bao thử thách, khó khăn và sự hy sinh cho nhau, tình yêu của họ cuối cùng đã được đền đáp, dù không còn trong dáng dấp của con người. Chàng K’Du hóa thân gốc cây rừng, còn nàng tiên nữ Ka Mai biến thành bụi lan, cả hai gắn kết và sống hạnh phúc bên nhau.
Khám phá cây Tung cổ thụ gần thác Bến Cự được xem là một trải nghiệm đáng nhớ.
Ngoài ra, người dân làng Mạ tin rằng, thác Bến Cự là nơi che chở bảo vệ dân làng khỏi chiến tranh và giết chết giặc thù.
Bên cạnh đó, đi xe jeep xem thú hoạt động vào ban đêm trong rừng và ngắm sắc bướm chao lượn trên các nẻo đường mòn cũng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách không kém.
Theo Bảo Ninh - Xuân Lộc - Báo Lao Động