Lâu nay đi săn mây luồn trên vùng núi cao Sa Pa, Ý Tý (tỉnh Lào Cai) là điều mong ước của không ít các nhiếp ảnh gia chụp ảnh phong cảnh nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc.
Mùa mây luồn xuất hiện vào dịp cuối năm và đầu xuân nên bận thế nào đi nữa nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh vẫn có mặt trên đỉnh núi Hàm Rồng, bản Hang Đá Hầu Thào, đèo Ô Quý Hồ, đỉnh núi Fansipan (Sa Pa), vùng cao Ý Tý (Bát Xát) ... săn mây.
Các nghệ sỹ chụp ảnh chuyên nghiệp và cả những tay máy ảnh nghiệp dư coi mây luồn là "đặc sản" của Sa Pa, Ý Tý vì chỉ có loại mây đặc biệt này mới tạo nên những bức ảnh phong cảnh mây núi của "thành phố trong sương" đẹp như tranh thủy mạc.
Huyền ảo Sa Pa. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng.
Theo kinh nghiệm chụp ảnh của "ông vua ảnh phong cảnh Việt Nam" - nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm- người đã hơn 30 lần từ thành phố Sài Gòn bay ra thủ đô Hà Nội để lên vùng núi Sa Pa sáng tác ảnh nghệ thuật, mây luồn chỉ xuất hiện ở vùng núi cao Sa Pa và Y Tý của tỉnh Lào Cai mỗi khi Tết đến, xuân về.
Ngoài thời gian kể trên mây luồn hầu như không mấy khi xuất hiện, do đó dù mất công di chuyển thế nào đi nữa, nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh vẫn dành vài ngày đi săn mây luồn Sa Pa.
Bởi họ cho rằng chụp ảnh vùng du lịch Sa Pa nổi tiếng thế giới mà không có hình ảnh mây núi giao duyên với đồng ruộng, phố phường, rừng cây, bản làng… khó có những bức ảnh tuyệt mỹ về "thành phố trong sương".
Khi nghe tin mây luồn tuyệt đẹp xuất hiện các nghệ sỹ nhiếp ảnh và những du khách thích khám phá vẻ đẹp kỳ thú thiên nhiên lại kéo nhau lên Sa Pa, Ý Tý chụp ảnh mây đẹp.
Ở vùng du lịch Sa Pa có 4 nơi chụp ảnh mây luồn đẹp nhất. Đó là điểm sân Mây của khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển nằm phía sau nhà thờ cổ Sa Pa, đèo Ô Quý Hồ vắt qua dãy Hoàng Liên hùng vỹ, bản Hang Đá Hầu Thào của người dân tộc Mông và đỉnh núi Fansipan cao 3.143m được mệnh danh "nóc nhà Việt Nam".
Mây luồn tuyệt đẹp chỉ xuất hiện ở vùng núi Sa pa, Ý Tý ( tỉnh Lào Cai) .
Mây luồn xuất hiện rất bất ngờ và "biến mất" rất nhanh nên để có những bức ảnh chụp được khoảnh khắc ấn tượng này phải dành nhiều ngày bỏ công sức lăn lộn và chờ đợi.
Chụp ảnh mây luồn ngoài kinh nghiệm, tài năng còn có sự may mắn như người đi câu cá.
Từ đầu tháng 11/2020 tới nay ngày nào cũng có những nghệ sỹ nhiếp ảnh và khách du lịch từ nhiều nơi lên Sa Pa và Y Tý của tỉnh Lào Cai đi săn ảnh mây luồn tuyệt mỹ thường xuất hiện sau những trận mưa rét.