Trong 5 ngày (từ 18 đến 23-3), UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ III năm 2016. Với sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, Liên hoan gồm nhiều hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên.
Lễ hội đường phố-điểm nhấn của liên hoan. Ảnh: Nguyễn Tú
Trong 2 ngày đầu Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên đã có nhiều hoạt động đặc sắc và sôi nổi. Bảo tàng tỉnh Kon Tum trưng bày, triển lãm văn hóa Tây Nguyên và sản phẩm của Kon Tum với chủ đề “Không gian văn hóa Tây Nguyên”. Triển lãm gồm 120 tác phẩm nghệ thuật, 40 ảnh tư liệu và 342 hiện vật giới thiệu về Tây Nguyên từ quá khứ cho đến hiện tại. Trong khuôn khổ liên hoan, Bảo tàng tỉnh Kon Tum tái hiện không gian lễ hội của người Sê Đăng với cổng làng độc đáo, hoa văn trang trí và không gian thờ cúng của người Sê Đăng mỗi dịp lễ hội; tái hiện lại một số nét sinh hoạt cộng đồng: dệt thổ cẩm, đan lát, hát kể sử thi, nghề làm gốm.
Theo quan sát của chúng tôi, triển lãm thu hút hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. “Tôi rất ấn tượng với hoạt động của liên hoan. Qua liên hoan, tôi có thêm nhiều hiểu biết về đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên”-ông Cornely Jean Pauf (du khách người Pháp) nói.
Cũng tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã diễn ra buổi trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng. Hoạt động này có 14 đoàn thuộc 5 tỉnh tham gia. Các nghệ nhân tham gia thi tài chỉnh chiêng. Gia Lai có nghệ nhân Rơ Châm Hmút (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) tham gia hoạt động này.
Song hành cùng triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum, tại nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum) diễn ra Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian và chế tác nhạc cụ dân tộc. Liên hoan có sự tham gia của 58 nghệ nhân gồm: 36 nghệ nhân tạc tượng và 22 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc. | Ông Đào Xuân Quí-Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Liên hoan lần này là ngày hội gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh sự sáng tạo, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên”. |
Nghệ nhân Ksor (dân tộc sê Đăng, huyện Đak Glei, Kon Tum) cho biết: “Chúng tôi tạc tượng về một người đàn ông cầm ly đan bằng mây để uống rượu. Cái này có thông điệp là trong lễ mừng lúa mới, chúng tôi cùng uống rượu chúc sức khỏe, chúc vụ mùa bội thu”.
Điểm nhấn của liên hoan là Lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa Tây Nguyên”. Đây là hoạt động được trông đợi nhất với cuộc trình diễn của trên 600 nghệ nhân đã để lại ấn tượng tốt đẹp với người yêu mến văn hóa Tây Nguyên. Trong tiếng cồng chiêng rộn rã cùng âm thanh của các loại nhạc cụ dân tộc hòa tấu bài ca hội ngộ, đoàn kết, các đoàn nghệ nhân khoác trên mình trang phục bản địa cùng những điệu xoang, điệu trống và các trò chơi dân gian đã tạo nên một bữa tiệc của âm thanh và màu sắc. Trên quãng đường dài 1,5 km mà các đoàn nghệ nhân di chuyển qua có hàng ngàn lượt người dân Kon Tum và du khách theo dõi và ngợi khen.
Theo bà Đặng Thị Bích Liên-Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì liên hoan không chỉ là dịp để gặp gỡ, tôn vinh giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên, mà còn để các tỉnh, đơn vị liên quan đánh giá lại công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sau 10 năm kể từ khi UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại”. Từ đây có biện pháp cụ thể hơn để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc nhất vô nhị này. Đồng thời quảng bá, phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế-xã hội 5 tỉnh Tây Nguyên.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết thêm: “Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch 5 tỉnh Tây nguyên và sẽ có văn bản gửi UBND các tỉnh yêu cầu chú trọng thực hiện đầy đủ các nội dung trong 4 cam kết với UNESCO, Thủ tướng Chính phủ trong việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và truyền dạy, phục hồi, biểu diễn và quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; tiếp tục triển khai đề án bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tại địa bàn hoặc có những điều chỉnh để triển khai thực hiện. Cùng với đó, các tỉnh cần chọn 5-7 buôn, làng xây dựng không gian văn hóa cồng chiêng và duy trì các hoạt động quảng bá trong nước và quốc tế trên cơ sở những nội dung cam kết”.
Nguyễn Tú / GLO