Lợi nhuận kinh tế mang lại từ cây cao su thực sự không còn hấp dẫn các nhà trồng cây công nghiệp nữa. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho hay sẽ chuyển hướng từ trồng cao su sang trồng các loại cây ăn trái như chuối, mít, bưởi da xanh… phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, tập đoàn này đã có hai khu nông nghiệp công nghệ cao, 13 dự án trên tổng diện tích hơn 4.370ha được phê duyệt.
Đất cao su nhưng thu lợi nhờ... chuối
Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (sau đây gọi tắt là Cao su Dầu Tiếng) – có trụ sở ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương – là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) thực hiện việc chuyển đổi từ trồng cao su công nghiệp sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, từ năm 2016, Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I trồng chuối cấy mô trên diện tích 117ha ở Nông trường Thanh An (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Dự án này sau đó được mở rộng diện tích nay được hơn 1.331ha.
Chuối thành phẩm thu hoạch sau khi được sơ chế và đóng gói sẽ đem xuất khẩu vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… dưới thương hiệu Dole, một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới của Mỹ về các sản phẩm nông nghiệp như chuối, khóm…
Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Cao su Dầu Tiếng, cho hay hiện nay công ty đang quản lý khoảng 29.000ha cao su nhưng đến năm 2030, diện tích này sẽ được thu hẹp còn khoảng 15.000ha hoặc ít hơn để dành đất cho phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu dân cư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Chuối thu hoạch ở nông trường Thanh An (Bình Dương) đang được sơ chế trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Nam Bình.
Từ năm 2016, doanh nghiệp này đã đề xuất chủ trương và được cho phép thử nghiệm mô hình chuyển từ cây cao su sang các mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác, chủ yếu là trồng và sơ chế, chế biến xuất khẩu cây ăn trái như bưởi, chuối, mít… Trong những năm tới, Cao su Dầu Tiếng sẽ chuyển khoảng 3.000ha đất cao su sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Cũng theo ông Việt, khi triển khai mô hình trồng chuối trên đất cao su, doanh nghiệp này kỳ vọng đạt mức lợi nhuận khoản 50 - 60 triệu đồng/ha thì hiện nay đã đạt được. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng sẽ đạt mức lợi nhuận cao hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo của dự án.
Thử nghiệm mô hình đan xen cây trồng trong vườn cao su
Trong khi đó, dù kỹ thuật trồng, cạo mủ… để đạt năng suất cao của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp cao su ở Dầu Tiếng nói riêng đã thuộc hàng đầu thế giới, năng suất mủ cao su hiện nay đạt 2 tấn/ha/năm.
Với giá mủ như hiện nay, lợi nhuận kinh tế từ cây cao su chỉ khoảng 2 triệu đồng/ha/năm. Do đó, thu nhập mang lại cho người nông dân, công nhân lao động trên các nông trường cao su cũng không còn đủ sức hấp dẫn. Việc chuyển sang trồng chuối cấy mô giúp mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với cây cao su.
Ông Lê Văn Vui, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (Bình Phước), cũng cho biết, khi giá mủ cao su giảm, doanh nghiệp này đã thử mô hình trồng xen nhiều loại cây trồng khác trong vườn cao su.
Kết quả, chỉ có mô hình trồng xen canh chuối già Nam Mỹ giữa các lô cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản là hiệu quả nhất. Theo đó, mô hình trồng chuối xen cao su đem lại lợi nhuận từ 3,5-4 triệu đồng/ha. Nếu trồng tốt có thể đạt 5 triệu đồng/ha. Riêng đối với các dự án trồng chuối chuyên canh, lợi nhuận cố định hàng năm khoảng 40 triệu/ha, cao hơn nhiều lần so với cây cao su.
Công nhân chăm sóc cây chuối già Nam Mỹ trồng xen trong vườn cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản ở nông trường Minh Hưng (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Nam Bình.
Theo ông Vui, nguồn lợi từ mô hình xen canh chuối già Nam Mỹ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu để đầu tư vào vườn cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Định hướng trong 10 năm tới, Cao su Bình Long đặt kế hoạch phát triển diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 1.000-2.000ha. Riêng từ nay đến 2025, doanh nghiệp sẽ phát triển khoảng 500ha diện tích trồng chuối, kể cả trồng xen canh lẫn trồng chuyên canh.
Giá cao su giảm trên nhiều sàn giao dịch Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nửa đầu tháng 3-2021, giá cao su tại Nhật Bản và Thái Lan phục hồi, trong khi giá tại Trung Quốc tiếp tục giảm. Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá giảm trong hai phiên đầu tháng, sau đó có xu hướng tăng trở lại, nhưng so với cuối tháng 2-2021 giá vẫn giảm. Ngày 8-3, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 4-2021 ở mức 270,9 yen/kg (tương đương 2,49 đô la Mỹ/kg), giảm 0,4% so với cuối tháng 2-2021, nhưng tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2020. RSS – rubber smoke sheet – là cao su tự nhiên ở dạng sơ chế, có dạng tấm, được làm khô bằng công nghệ xông khói. Chất lượng của RSS được phân loại giảm dần từ RSS1 đến RSS5. Còn tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 8-3-2021 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 4-2021 ở mức 15.140 nhân dân tệ/tấn (tương đương 2,32 đô la Mỹ/kg), giảm 6,5% so với cuối tháng 2-2021, nhưng tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2020. |