Theo Global Finance, trong những nước Đông Nam Á, Việt Nam đang sở hữu vô vàn yếu tố để trở thành điểm đến đầu tư yêu thích của dòng vốn FDI.
"Nam châm" hút FDI
Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ với số người ở độ tuổi dưới 25 chiếm khoảng 40% dân số. Do đó, nhân khẩu học tại Việt Nam trở thành một lợi thế trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng già hóa.
Bên cạnh đó, chi phí lao động ở Việt Nam khá thấp, lực lượng lao động đông đảo và có trình độ học vấn cao. Với vị trí địa lý nằm cạnh Trung Quốc, Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường 1,2 tỷ người tiêu dùng của nước này.
Đồng thời, vì nằm trong nhóm ASEAN, Việt Nam còn có lợi thế tiếp cận thị trường phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu của khu vực Đông Nam Á với khoảng 800 triệu dân. Vị thế này có được cũng nhờ Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam còn có lợi thế tiếp cận thị trường phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu của khu vực Đông Nam Á với khoảng 800 triệu dân (Ảnh: Hoàng Giám).
Trao đổi với Global Finance, ông Thierry Mermet, Giám đốc điều hành của Source Of Asia - tổ chức tư vấn cho các công ty đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và ASEAN - nhận định, triển vọng năm 2023 về môi trường kinh doanh tại Việt Nam cho thấy các dấu hiệu cải thiện đầy hứa hẹn.
Nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 10 tỷ USD trong quý đầu năm nay, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Vị lãnh đạo Source Of Asia dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn: "Dự báo của chúng tôi cho các quý tiếp theo cũng rất khả quan. Các công ty thực sự đang mong đợi trong thời gian tới sẽ đón nhận những mức đầu tư trực tiếp nước ngoài tương tự đổ vào Việt Nam".
"Về dài hạn, Việt Nam thực sự ngày càng củng cố vị thế của mình là một trong 3 nơi hàng đầu mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư", chuyên gia này nhấn mạnh.
Điểm đến hấp dẫn
Theo báo cáo về chỉ số niềm tin kinh doanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện, có thêm 3% các lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là một trong 3 điểm đến đầu tư hàng đầu.
Nửa đầu năm nay, có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Trong đó 5 nước đầu tư nhiều nhất là các nước châu Á, với Hàn Quốc đang dẫn đầu tổng vốn FDI là 81 tỷ USD. Tiếp sau đó là Singapore và Nhật Bản, với tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam lần lượt là 72 tỷ USD và 70 tỷ USD.
Đáng chú ý, dù Mỹ đứng thứ 7 nhưng lại là đối tác xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại đạt 110 tỷ USD trong năm 2022.
Ông Thierry Mermet dẫn chứng Tập đoàn y tế Thomson - một trong số những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất của Singapore - đã chi ra số tiền 381,4 triệu USD để mua lại Bệnh viện FV tại TPHCM.
"Thương vụ này không chỉ đánh dấu sự hiện diện của Thomson tại thị trường Việt Nam mà còn giúp quốc gia này tận dụng những cơ hội dịch vụ y tế đang phát triển từ những nước láng giềng", vị chuyên gia nhận định.
Nửa đầu năm nay, có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam (Ảnh: Nam Anh).
Một dấu hiệu khác thể hiện sức hút của Việt Nam là việc nhà sản xuất xe điện VinFast gần đây đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới tính theo vốn hóa thị trường, chỉ đứng sau các "gã khổng lồ" như Tesla hay Toyota.
Phó chủ tịch Tomkins Ventures Barry Elliott - chuyên gia về chuỗi cung ứng hoạt động lâu năm tại Việt Nam - cho rằng điều này không chỉ báo hiệu về tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp xe điện tại Đông Nam Á nói chung mà còn thể hiện năng lực sản xuất mới nổi của Việt Nam.
Không những vậy, các chuyên gia còn cho rằng Việt Nam cũng hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Mỹ có động thái áp thuế cao hơn với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều dây chuyền hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang các trung tâm thay thế tại châu Á.
"Xu hướng này càng được củng cố bởi đại dịch Covid-19, khi sự gián đoạn kéo dài đã tạo ra tình trạng hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả ô tô và điện tử", ông Barry Elliott nhấn mạnh.
Chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy xu hướng này vào năm 2020 bằng cách đưa ra chương trình trợ cấp cho các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, quay trở lại Nhật Bản hoặc đến một số quốc gia khác.
Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư
"Kể từ năm 2020, Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của các công ty Nhật Bản khi họ chọn chuyển sản xuất sang khu vực ASEAN và xu hướng này vẫn sẽ còn tiếp diễn", phó chủ tịch Tomkins Ventures nhận định với Global Finance.
Mới đây, bà Jacqueline Poh, giám đốc điều hành Ban phát triển kinh tế Singapore, đã gặp gỡ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, robot và năng lượng tái tạo. Bà cho rằng các doanh nghiệp Việt đều can đảm và có tinh thần hỗ trợ lẫn nhau.
"Sự kết hợp mạnh mẽ này đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương thuận lợi. 14 khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP) hiện đã thu hút được 18,7 tỷ USD đầu tư và đã tạo ra 300.000 việc làm tại Việt Nam", bà chia sẻ.
Theo Carsten Ley, giám đốc điều hành công ty tư vấn Asia PMO, không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản mà nhiều công ty Hàn Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào Việt Nam. Không những vậy, Apple cũng chuyển dây chuyền sản xuất AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam và Lego cũng vừa khởi công một nhà máy khổng lồ ở Bình Dương.
Theo vị lãnh đạo Asia PMO, Việt Nam đang nâng cao chuỗi giá trị từ giày dép và hàng may mặc sang lĩnh vực công nghệ cao. Các công ty fintech của Việt Nam đang phát triển mạnh như Momo, ZaloPay, VNPay hay các công ty khởi nghiệp nước ngoài.
Việt Nam đang nâng cao chuỗi giá trị từ giày dép và hàng may mặc sang lĩnh vực công nghệ cao (Ảnh: Tiến Tuấn).
"Dự kiến chi tiêu vốn sẽ tăng trưởng nhanh chóng, phản ánh đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia cũng như chi tiêu cơ sở hạ tầng trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ", Carsten Ley chia sẻ với Global Finance.
Ông cũng cho rằng Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và không có gì ngạc nhiên khi những quỹ đầu tư mạo hiểm hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam.
Bà My, Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures cho rằng những quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam có nguồn gốc đến từ khắp nơi trên thế giới, với sự quan tâm ngày càng tăng từ phương Tây, bao gồm cả Mỹ.
Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra nhiều thách thức trong việc đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể, theo bà, khung pháp lý, đặc biệt là đối với các dịch vụ tài chính, rất phức tạp. Còn nhiều giới hạn về sở hữu nước ngoài, chẳng hạn như với lĩnh vực bảo hiểm. Bên cạnh đó, ngôn ngữ và giao tiếp vẫn được xem là một rào cản.
Tuy nhiên, bất chấp hàng loạt thách thức trên, Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures vẫn tự tin và khẳng định: "Điều tốt nhất vẫn chưa đến".