Từ ngày dòng họ Phạm gốc Mạc đào hồ tìm thấy thanh long đao của tiên đế, gò đất không còn tự dưng bốc cháy. Câu chuyện về hành trình lưu lạc hơn 500 năm của binh khí đặc biệt này cũng dần được hé lộ
Định Nam Đao của vua Mạc Đăng Dung đang được bảo quản trong nhà Thái Miếu của khu tưởng niệm Vương triều Mạc.
Tại nhà Thái Miếu ở khu tưởng niệm Vương triều Mạc (làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) có một bảo vật tên là Định Nam Đao được bảo quản trong tủ kính đặt ngay ban thờ vua Mạc Đăng Dung (1483-1541), người lập nên nhà Mạc.
Thanh đại long đao này được xác định là binh khí của vua Mạc Đăng Dung đã bị han gỉ, nặng 25,6kg, dài 2,55m, trong đó phần lưỡi đao dài 0,95m, cán đao bằng sắt rỗng. Một hình đầu rồng bằng đồng thau đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao, che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao, nhìn khá đặc biệt. Chỗ hình đầu rồng có "cá" chốt chặt lưỡi đao vào cán đao.
Cận cảnh Định Nam Đao của vua Mạc Đăng Dung
Định Nam Đao được phát hiện tại tỉnh Nam Định và được rước về khu di tích này vào ngày 22/9/2010, đúng dịp kỷ niệm Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ đây, câu chuyện về số phận thanh long đao theo con cháu nhà Mạc lưu lạc, trốn chạy khỏi sự truy đuổi của kẻ thù hơn 500 năm trước được giải mã.
Tương truyền, năm xưa một người thợ rèn thấy tướng mạo khác thường của chàng trai Mạc Đăng Dung, làm nên nghiệp lớn bằng con đường võ thuật. Chính vì vậy, người thợ đã rèn thanh đại long đao kèm với một bài kệ đại ý cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn, như một lời nhắn ngầm binh khí này sẽ giúp Mạc Đăng Dung lên làm vua.
Sau này, Mạc Đăng Dung đã trúng Võ Trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long, dưới triều vua Lê Uy Mục, được sung quân Túc vệ. Định Nam Đao trở thành trợ thủ đắc lực giúp ông chiến thắng trong các cuộc dẹp loạn phe phái, bảo vệ triều đình. Mạc Đăng Dung được phong tới chức Thái sư, tước An Hưng vương, đức trí bậc nhất triều đình.
Triều Lê sơ suy tàn, Thái sư Mạc Đăng Dung lập nên triều Mạc. Ở ngôi đến năm 1529, học theo nhà Trần ông nhường ngôi cho con trai trưởng là Mạc Đăng Doanh, lui về làm Thái thượng hoàng. Khi Mạc Thái Tổ băng hà vào năm 1541, thanh đại long đao này được đem về quê hương ông và thờ ở lăng miếu làng Cổ Trai.
Ban thờ vua Mạc Đăng Dung trong nhà Thái Miếu., khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.
Năm 1592, khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, cháu 4 đời của Mạc Thái tổ là Mạc Đăng Thuận coi giữ lăng miếu đã giả làm nhà buôn, mang theo long đao của tiên đế xuống thuyền rời Đồ Sơn. Đoàn thuyền tiến về phía Nam, vào vùng cửa sông Hồng, đến cửa Lạn Môn thì dừng lại và định cư ở vùng đất Kiên Lao (Nam Định).
Nghe lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đăng Thuận đổi sang họ Phạm để tránh bị nhà Trịnh truy sát diệt vong nhưng vẫn giữ lại bộ thảo đầu của chữ "Mạc" để làm tín hiệu cho con cháu đời sau nhận ra nhau. Trải qua bốn đời ở vùng Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi.
Ông Phạm Công Úc được giao mang đại long đao về định cư ở vùng Ngọc Tỉnh và thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc. Theo gia phả dòng họ, dưới thời vua Lê Dụ Tông, hai người con trai Phạm Công Úc là Phạm Công Dục và Phạm Công Dắt lên kinh đô thi võ.
Hai ông đã xin cha được làm lễ rước thanh long đao để cầu xin anh linh tiên đế và linh khí bảo đao phù trợ. Khoa thi ấy, cả hai ông đều đỗ võ quan và được triều đình trọng dụng. Kể từ đó, con cháu đều hiển vinh.
Một hình đầu rồng bằng đồng thau đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao, nhìn khá đặc biệt.
Đến triều vua Minh Mạng (1821) nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình. Ông muốn dùng đại long đao của Mạc Thái Tổ làm binh khí trên chiến trường. Biết ý muốn đó, dòng họ Phạm gốc Mạc ở Ngọc Tỉnh đã chôn giấu Định Nam Đao xuống đất, quyết không để mất. Tuy nhiên, về sau dòng họ này bị mất dấu tích nơi chôn giấu bảo đao.
Ở phía Đông Nam nhà thờ họ Phạm gốc Mạc có một gò đất thường hay có hiện tượng lửa tự nhiên bốc cháy rồi lại tắt nên người dân trong làng gọi gò đất này là gò Con Hỏa. Vào năm 1938, con cháu họ Phạm gốc Mạc đã được tìm thấy khi đào hồ bán nguyệt, tôn tạo nhà thờ. Kể từ đó, gò Con Hỏa không còn phát hỏa nữa.
Định Nam Đao khi được thờ tại nhà thờ dòng họ Phạm gốc Mạc ở huyện Xuân Trường, Nam Định.
Con cháu họ Phạm gốc Mạc đã rước bảo đao về thờ, quét lớp mỡ bò để tránh sự ăn mòn, thậm chí phải ngụy trang và bảo vệ trước sự rình mò của những kẻ trộm cổ vật. Sau này, Định Nam Đao đã được đưa về nơi phát tích triều Mạc.
Định Nam Đao của vua Mạc Đăng Dung đã được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt xét duyệt năm 2019.
Một số chuyên gia về binh khí cổ ở Việt Nam cho rằng, thanh đại long đao lúc ban đầu có thể nặng hơn 30kg. Còn nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ ở Việt Nam khẳng định đây là một trong hai thanh long đao của quân vương ở châu Á còn tồn tại đến nay, cùng với thanh long đao của Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dẫn), vị vua sáng lập ra nhà Bắc Tống (Trung Quốc).