Nghiên cứu của Fitch Solutions dự báo vào năm 2025, một người Việt sẽ sử dụng gấp đôi lượng thịt và gấp ba lượng sữa so với trước đó 20 năm.
Bất chấp những biến động kinh tế và giá cả suốt 20 năm qua, ngân sách chi cho thực phẩm của các gia đình Việt vẫn duy trì khá ổn định. Theo thống kê của Fitch Solutions, trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam đã chi 20,1% ngân sách gia đình vào thực phẩm vào năm 2005, và sẽ chỉ tăng nhẹ lên mức 20,8% vào năm 2025.
Thay vào đó, sự thay đổi chính chủ yếu diễn ra trên bàn ăn. Khi các hộ gia đình Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể về thu nhập, khẩu vị và lựa chọn thực phẩm đã được đa dạng hóa hơn trước.
Người Việt đang có xu hướng ăn nhiều thịt hơn, đặc biệt là gia cầm và thịt lợn. Mức giá cao và hay biến động khiến thịt bò ít được người tiêu dùng chú ý hơn. Tổng tiêu thụ thịt (bò, lợn và gia cầm) bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp đôi từ 24,8kg năm 2005 lên 50,0kg vào năm 2025. Thịt lợn sẽ vẫn được tiêu thụ nhiều nhất trong suốt giai đoạn này (chiếm 61,1%), trong khi gia cầm sẽ tăng từ 3,8kg (2005) lên 15,7kg vào năm 2025 theo bình quân đầu người.
Thống kê và dự báo mức tiêu thụ thịt của người Việt trong 20 năm (Ảnh: Fitch Solutions)
Trái cây nhập khẩu ngày càng trở thành lựa chọn chính của người tiêu dùng trong nước, dù Việt Nam là quê hương của những trái cây nhiệt đới được ưa chuộng trên khắp thế giới. Vấn đề an toàn thực phẩm và nguồn gốc là những lo ngại chính đối với trái cây nội địa.
Tiêu thụ sữa tiếp tục tăng trưởng hơn nữa khi người tiêu dùng Việt Nam quan tâm hơn đến xu hướng ăn uống lành mạnh. Tiêu thụ sữa sẽ tăng lên 10,7 kg/người năm 2025 so với mức 3,2kg bình quân đầu người năm 2005. Các sản phẩm sữa tiện lợi, chẳng hạn như sữa chua, sẽ tăng trung bình 14,9% hàng năm trong giai đoạn 2022-2026.
Fitch Solutions dự báo ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong giai đoạn từ nay đến 2026. Chi tiêu cho thực phẩm tại Việt Nam cả năm 2022 được dự báo sẽ tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 39,6 tỉ USD. Tăng trưởng dự kiến sẽ lên hai con số vào năm 2023, ở mức 11,9%.
Dự báo này được hỗ trợ bởi triển vọng kinh tế sáng sủa và sự phục hồi của thị trường lao động việc làm của Việt Nam. Mở cửa du lịch quốc tế cũng được coi là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy ngành F&B trong giai đoạn tới. Nhờ du lịch, chi tiêu cho đồ uống có cồn tại Việt Nam được Fitch Solutions dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2022, sau cú sốc Covid-19 kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, khi xu hướng ăn uống lành mạnh lên ngôi, doanh số đồ uống không cồn và có lợi cho sức khỏe cũng được dự báo tăng mạnh nhờ các sản phẩm trà và cà phê.
Dù vậy, nguy cơ lớn nhất đối với ngành F&B tại Việt Nam hiện nay là lạm phát giá tiêu dùng. Quá trình tăng lãi suất mạnh của FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới, ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine đẩy giá hàng hóa thế giới tăng phi mã, chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu bị đứt gãy… là những nhân tố có thể khiến giá thực phẩm bất ổn trong thời gian tới