Thị trường mạng di động ảo Việt Nam đón nhận thêm thành viên mới và ra mắt mạng mới.
MVNO vẫn còn khá mới ở Việt Nam nên vẫn phải hoàn thiện chính sách quản lý để tạo thị trường thúc đẩy cạnh tranh.
Tân binh gia nhập thị trường
Thành viên mới nhất của mạng di động ảo (MVNO- Mobile Virtual Network Operator) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép là Công ty cổ phần Bán lẻ FPT (FPT Retail-FRT). Trước đó, Việt Nam đã có 4 mạng MVNO được cấp phép gồm iTel (Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom, Wintel (Tập đoàn Masan), Local (Công ty CP Viễn thông Asim) và VNSky (của Công ty Digilife thuộc Tập đoàn VNPay).
Hé lộ thông tin về việc tại sao đơn vị chuyên kinh doanh viễn thông của FPT là FPT Telecom lại không đầu tư dự án, mà là FPT Retail, đại diện FPT Retail cho biết, FRT là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn FPTvà đang là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông (SIM, thẻ) cho các nhà mạng MVNO từ nhiều năm nay, nên là đơn vị chủ trì và đại diện xin giấy phép MVNO trong các đơn vị thành viên thuộc FPT.
Chia sẻ những lợi thế của FPT Retail khi tham gia thị trường MVNO, đại diện FPT Retail cho biết, FPT Retail có 3 lợi thế lớn.
Thứ nhất là kênh phân phối, FRT sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với trên 800 cửa hàng FPT Shop và hơn 1.000 cửa hàng dược phẩm FPT Long Châu.
Thứ hai là lợi thế kỹ thuật, công nghệ, FPT Retail thừa hưởng thế mạnh của Tập đoàn FPT là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thứ ba là lợi thế về hệ sinh thái dịch vụ, FRT có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh như dịch vụ viễn thông cố định (FPT Telecom), hệ thống nội dung (truyền hình OTT FPT Play, báo điện tử VNExpress…), hệ thống thương mại điện tử (Sendo, fptshop.com.vn), giáo dục (FPT Education)…
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, FRT đã đạt được thỏa thuận với MobiFone hợp tác cung cấp hạ tầng mạng lưới.
Việc tân binh FTR tham gia thị trường MVNO được đánh giá sẽ có tác động tích cực tới thị trường viễn thông, dù mạng mới của FTR được cho là phục vụ hệ sinh thái và khách hàng của FPT.
Các tay chơi mới “chào sân”
Trong một diễn biến khác, sau hơn 1 năm cấp phép, Digilife (Tập đoàn VNPay) cũng chính thức ra mắt mạng di động VNSKY. Mạng di động này cung cấp đầu số 077 với sự hợp tác của MobiFone là một sản phẩm kết hợp giữa công nghệ và viễn thông đi kèm với những tiện ích đặc biệt. Hay chính xác hơn là “sản phẩm kết hợp giữa viễn thông và fintech”, giúp VNPay hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái đa dịch vụ tiện ích. VNSKY dù chưa truyền thông rộng rãi, nhưng cũng đã tung gói cước hấp dẫn như SKY59, SKY69 và SKY89, từ 59.000 - 89.000 đồng, khách hàng được sở hữu 3GB data/ngày, miễn phí data khi sử dụng Ví VNpay, TikTok, YouTube cùng nhiều tiện ích khác. Ngoài SIM vật lý thông thường, VNSKY cũng cung cấp thêm eSIM, giúp người dùng có thể sử dụng nhiều SIM trên cùng thiết bị mà không cần tháo lắp thẻ SIM.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc VNSKY, VNSKY sẽ trở thành tấm hộ chiếu vạn năng để mỗi người dễ dàng tiếp cận những tiện ích số, cùng những dịch vụ viễn thông chất lượng, từ đó khai mở vũ trụ số vô tận.
“VNSKY đặt mục tiêu kết nối 5 triệu người dùng vào năm 2025 và trở thành 1 trong 5 mạng di động lớn nhất tại Việt Nam”, ông Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, mạng Reddi sau khi được Masan chi gần 300 tỷ đồng mua lại vào tháng 9/2021, đầu năm 2023 đã chính thức ra mắt thị trường với thương hiệu Wintel. Tháng 3/2023, Wintel chính thức ra thị trường và có tốc độ bán hàng khá tốt trong bối cảnh viễn thông bão hòa. Theo đó, quý I/2023, Wintel phát triển được 122.569 thuê bao, đạt doanh thu 16,48 tỷ đồng tăng 457% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhưng đến tháng 5/2023, Wintel bất ngờ thay tướng. Ông Trần Nam Trung, CEO và cũng là nhà sáng lập Mobicast rời khỏi vị trí CEO và người thay thế là bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh trở thành Tổng giám đốc Mobicast. Có vẻ như chiến lược của Wintel đang có sự thay đổi. Trước đây, Wintel được xác định sẽ phục vụ hệ sinh thái của Masan với hàng chục triệu khách hàng, đặc biệt là nhóm bán lẻ. Nhưng với việc thay tướng và kinh doanh hướng tới người dùng phổ cập, Wintel có thể sẽ điều chỉnh chiến lược.
Một nhà mạng khác là iTel cũng có bước phát triển thuê bao khá ấn tượng. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 3 năm gia nhập thị trường, iTel đã có khoảng 1 triệu thuê bao di động phát sinh cước thường xuyên tính và đã có lãi hàng chục tỷ đồng.
Cú huých cạnh tranh mới
Theo số liệu mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), số lượng thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam là gần 130 triệu, trong đó thuê bao của các MVNO là 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường.
Có thể thấy, việc xuất hiện MVNO là luồng gió mới, giúp thị trường có thêm nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ và gia tăng tính cạnh tranh hơn.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, mô hình MVNO là mô hình mới tại Việt Nam. Mô hình này có thể triển khai nhanh các dịch vụ trên toàn quốc, tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên, đồng thời sẽ mang lại giá trị mới cho khách hàng.
Nếu xét về lợi thế, các mạng di động ảo không phải đầu tư hạ tầng, mà chỉ mua buôn lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng. Như vậy, mạng di động ảo chỉ tập trung kinh doanh để thiết kế sản phẩm phù hợp với khách hàng và sẽ nhắm đến thị trường ngách, chứ không đại trà như các nhà mạng.
Tuy nhiên, các mạng di động ảo lại bị phụ thuộc vào nhà mạng rất nhiều, khi nhà mạng có hạ tầng luôn ở thế “cửa trên”. Nếu thị trường vẫn ở thế “cửa trên, cửa dưới” rất có thể sẽ phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực này. Mô hình MVNO vẫn còn khá mới ở Việt Nam và vẫn phải hoàn thiện chính sách quản lý để tạo thị trường thúc đẩy cạnh tranh.
Doanh thu của thị trường MVNO trên thế giới năm 2022 cũng đạt con số lý tưởng 78,15 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua mốc 124,81 tỷ USD vào năm 2028. Trung Quốc có trên 60 mạng với khoảng 75 triệu thuê bao, Đức có trên 130 mạng với 54 triệu thuê bao, Mỹ có trên 30 mạng với hơn 50 triệu thuê bao... |