Dù có nhiều trải nghiệm đẹp, gia đình Jenny khó chịu khi hàng ngày phải mặc cả và bị những người bán hàng rong làm phiền.
Dưới đây là chia sẻ của Jenny, blogger đến từ New Zealand đăng trên Weltwunderer của Đức về những trải nghiệm của cô và gia đình tại Việt Nam, mà cô gọi là "Việt Nam - ánh sáng và bóng tối". Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Hành trình khám phá Việt Nam của gia đình tôi mệt mỏi hơn, nhưng cũng giàu trải nghiệm hơn nhiều so với một chuyến du lịch tại New Zealand. Thay vì tìm thấy bình yên và thời gian cho riêng mình, chúng tôi lại liên tục biết thêm những điều mới và truyền đạt lại cho bọn trẻ.
Suốt chuyến đi những điều khó chịu lặp đi lặp lại, chúng tôi phàn nàn và thở dài không ngớt. Chúng tôi luôn phải mỉm cười, không bao giờ từ chối thẳng thừng, ít có không gian riêng tư và một khái niệm khác biệt về thời gian - bạn phải chấp nhận nó dù đó là cuộc sống thường ngày.
Tuy nhiên, điều bực bội nhất là hàng ngày chúng tôi phải mặc cả và bị những người bán hàng rong làm phiền - điều cũng tồn tại ở nhiều quốc gia khác. Đôi khi, chúng tôi bị mất tiền trước những mánh khóe lừa lọc. Dù cố gắng cởi mở với đất nước mình đang khám phá và tỏ ra tôn trọng người địa phương nhiều nhất, nhưng nhiều khi chúng tôi bị đối xử như những chiếc ATM biết đi.
Biển cấm bán hàng rong ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Weltwunderer.
Chúng tôi cũng bắt gặp những cảnh tượng khiến trái tim đau nhói, khi thấy quá nhiều bãi biển ngập rác bên cạnh các tổ hợp khách sạn sang trọng cao lớn trải dài hàng kilomet. Khung cảnh tuyệt vời bị chặn bởi những tháp bê tông xấu xí có "view ra biển". Trong những chuyến đi lặn tại những vùng biển được bảo vệ, chúng tôi không thể nhìn thấy gì dưới làn nước đục, và chỉ có vài mảnh san hô dạt vào bờ biển. Còn tới các khu vườn quốc gia, chúng tôi không thể thấy bất kỳ loài động vật hoang dã to lớn nào.
Tôi có thể viết thêm không ít những điều đáng buồn, nhưng không làm vậy. Bởi chúng tôi cũng có nhiều trải nghiệm tuyệt vời hàng ngày, gặp gỡ những con người thân thiện và ấm áp chạm đến trái tim mình. Chúng tôi phải liên tục trông chừng người lạ xoa đầu hay bắt tay cậu con trai tóc vàng của mình, dù thằng bé cũng khó chịu. Nhưng cả nhà không thể trách cứ ai vì mọi người đều có ý tốt. Chúng tôi đã ăn thử mọi loại bún phở, và uống những ly cà phê ngon nhất trên đời. Chúng tôi cũng gặp những người bạn tốt, mà tôi không thể tưởng tượng chuyến phượt Việt Nam sẽ ra sao nếu không có họ.
Những trải nghiệm đáng nhớ nhất phải kể đến: mỗi lần băng qua một con đường ở Sài Gòn hoặc Hà Nội - đó là cảm giác tuyệt vời nếu bạn dám để dòng xe cộ trôi quanh mình; lái xe trong thành phố Hội An hay những con đường giữa đồi núi Sa Pa; tắm biển An Bàng. Những điểm đến ấn tượng nhất là đền chùa và nhà cổ ở Hội An; các hang động của Ngũ Hành Sơn - đặc biệt là động Huyền Không; núi non và thác nước của Sa Pa, những đụn cát đỏ, cát trắng của Mũi Né. Cả nhà tôi không thể quên bữa ăn cao lầu trong phố cổ Hội An; ngồi uống cà phê ngắm đường phố Sài Gòn; và đặc biệt là món cà phê sữa đá.
Trẻ em Việt Nam. Ảnh: Weltwunderer.
Phản hồi dưới bài viết của Jenny, nhiều khách du lịch khác cũng chia sẻ lại trải nghiệm và nhìn nhận của mình về chuyến du lịch Việt Nam của họ.
Reinold Boning đồng tình với tác giả về tình trạng chèo kéo, cho rằng một cuộc đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm có thể là trải nghiệm không mấy dễ chịu với những khách nước ngoài du lịch tự túc. "Khi đến Việt Nam lần đầu tiên, tôi thường thấy những du khách phớt lờ người bán hàng rong, và lúc đó tôi cho rằng họ thật thô lỗ. Nhưng giờ tôi biết họ đã đến đó nhiều lần và tôi cũng làm điều tương tự. Im lặng cũng có thể là cách lịch sự duy nhất để thoát khỏi những người bán rong", Reinold bày tỏ.
Tom Wild, độc giả, đã phượt từ bắc chí nam, qua Hà Nội, Sa Pa, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Phú Quốc. Ông cho rằng đây là một trong những hành trình ấn tượng, nhiều điều để khám phá song cũng mệt mỏi nhất mình từng trải nghiệm.
Theo ông, mỗi vùng đất đều có những đặc thù riêng, nhưng mọi người xung quanh luôn thân thiện, chân thành và lịch sự, một số trường hợp đặc biệt còn thân thiết đến mức khó chịu. Nếu du khách không biết phải làm gì, ai đó sẽ đến giúp. Nhưng nhập gia tùy tục. Anh phát hiện ra người Việt Nam đôi khi quá thẳng tính và cũng không quen với thói quen ăn uống của người địa phương. Nhưng anh coi đấy là khác biệt về văn hóa và lối sống - đó là một điều tốt, lý do để du khách nước ngoài đến đây và khám phá một nền văn hóa khác.
"Chúng tôi ngủ ở mọi nơi từ khách sạn, doanh trại, cầm dao rựa phạt rừng, bắt gà hay mổ heo. Dĩ nhiên, đôi khi chúng ta có thể thấy những cảnh tượng không đẹp đẽ như rác, rác thải nhựa, mùi hôi thối... Nhưng bạn không thể hy vọng mọi thứ đều sạch sẽ và quy củ như ở nhà mình. Tất cả sẽ thay đổi trong 10 đến 20 năm tới, vì quốc gia này đang vươn lên nhanh chóng", Tom viết.
Một trong những trải nghiệm đáng nhớ của tác giả là vượt qua dòng xe cộ đông đúc này. Ảnh: Weltwunderer.
Trong khi đó, Gregor, một độc giả khác, hiểu hoàn cảnh của Jenny song không đồng tình với những kết luận của cô về Việt Nam. "Nếu đi cùng trẻ em dưới 13 tuổi, tôi sẽ không ghé thăm một quốc gia châu Á nào hết. Bố mẹ từng đưa tôi đến Hong Kong và Bangkok khi tôi 10 tuổi, lúc ấy tôi chỉ thấy mọi thứ thật khó hiểu. Vì tính phiêu lưu của chuyến đi, khi đến Việt Nam, cứ 2 - 3 ngày chúng tôi lại nghĩ xem phải đi đâu - và hoàn toàn kiệt sức sau mỗi ngày khám phá. Bạn không thể làm thế nếu đi cùng trẻ con", Gregor nhận định.