Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam sẽ thất thu 23 tỉ đô la Mỹ, một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp du lịch có thể tạm thời tồn tại được nhờ thị trường nội địa. Thực tế, khai thác thị trường này vào thời điểm khó khăn như hiện nay không hề dễ dàng.
Khách du lịch vui chơi tại một resort ở Phan Thiết: Ảnh: Đào Loan
Chỉ còn hy vọng tạm thời tồn tại
Hồi đầu dịch, nhiều người đã rất sốc khi cơ quan quản lý du lịch ước tính, nếu đại dịch Covid-19 kéo dài đến đầu hè, ngành du lịch Việt Nam có thể thiệt hại từ 5,9 – 7,7 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, con số ước tính về thiệt hại còn sốc hơn nữa, là 23 tỉ đô la Mỹ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, vào năm ngoái, ngành du lịch đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch đạt 35 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch sẽ thất thu 23 tỉ đô la Mỹ.
"Khách quốc tế sẽ giảm hơn 80%, khách nội địa giảm trên 50%. Đây là một năm vô cùng khó khăn đối với du lịch", ông nói trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội vào tuần trước.
Hơn 50% tổng thu của ngành du lịch Việt Nam đến từ mảng du lịch quốc tế. Vì thế, với thiệt hại này và diễn tiến dịch hiện tại của thế giới không ai còn nghĩ là có thể phục hồi du lịch trong năm nay hoặc năm tới.
"Ngành du lịch và liên quan đến du lịch, đặc biệt là ngành hàng không phải mất nhiều năm để khôi phục", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại hội nghị du lịch tại Phú Thọ vào ngày hôm qua (14-11).
Phó thủ tướng là người phụ trách du lịch từ nhiều năm nay, trong phát biểu tại hội nghị lần này, ông không đề cập đến quan điểm phục hồi, thay bằng "tạm thời tồn tại". Theo đó, Việt Nam may mắn là dân số đông, đất nước dài cho nên nếu kiểm soát được tình hình dịch bệnh như hiện tại thì ngành du lịch có thể tạm thời tồn tại được.
Trong lần trao đổi gần đây với TBKTSG Online, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng nhận định tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới càng khó khăn hơn. Dù ngành du lịch cấp tập thực hiện chương trình kích cầu nội địa lần hai từ đây đến cuối năm nhưng đây lại là thời điểm thấp điểm của mảng du lịch này nên lượng khách khó có thể tăng cao như cao điểm du lịch hè.
Thêm vào đó, lượng khách du lịch tiềm năng cũng ít hơn trước vì sau hơn 9 tháng chống chọi với dịch bệnh, nguồn lực của doanh nghiệp và người dân đã bị ảnh hưởng rất lớn.
Thực tế tại nhiều công ty, tuy số khách khởi hành bắt đầu tăng từ tháng 9 nhưng lượng khách hiện tại vẫn chưa đủ để doanh nghiệp có thể cho nhân viên đi làm đầy đủ ngày công trở lại. Tháng 11, 12 là thời điểm thấp điểm của mùa du lịch nội địa cho nên tình hình cũng sẽ không sáng sủa hơn.
"Thị trường đã sôi động hơn một chút nhờ nhiều doanh nghiệp bắt đầu tổ chức các chương trình nghỉ mát, chăm sóc khách hàng, đại lý, hoạt động xây dựng đội nhóm nhưng nhìn chung thị trường nội địa vẫn chưa thể hồi phục", ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour nói.
Nhiều doanh nhân khác nhận định, nếu chỉ dựa vào thị trường nội địa, nơi mất khoảng 50% lượng khách vì dịch thì với nhiều doanh nghiệp, khả năng tồn tại dù chỉ là tạm thời cũng hết sức mong manh.
Doanh nghiệp đã nhận được nhiều đoàn khách đi du lịch vào cuối tuần. Ảnh: TST Tourist
Dồn dập chuyển điểm đến
Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nhân cho biết hiện tại du lịch không chỉ phải đương đầu với những khó khăn do đại dịch gây ra mà còn là ảnh hưởng của tình hình bão lũ nghiêm trọng ở miền Trung.
Ở nhiều công ty, mảng tour đến miền Trung, nơi thu hút rất nhiều du khách trước đây đã phải tạm dừng từ cuối tháng 7, khi bùng phát dịch lần 2 cho đến nay. Việc khai thác khách từ vùng này gần như cũng phải tạm dừng.
Trong tuần rồi, thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu thực hiện các chương trình quảng bá du lịch, mời doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp từ TPHCM đến để kết nối trở lại. Tuy nhiên, với tình hình bão lũ như thế này, nhiều công ty vẫn chưa thể đưa khách trở lại và phải cấp tập chuyển hướng.
"Các điểm đến cho du khách và việc khai thác khách hàng mới phải chuyển sang phía Bắc và phía Nam nhưng ở khu vực phía Nam, chỉ có Phú Quốc là khai thác thuận lợi nhất còn vài nơi như Khánh Hòa (vùng Nam Trung Bộ) cũng khó vì cũng có bão", ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nói.
Trong thời điểm này, cũng như nhiều công ty khác, Lữ hành Saigontourist đưa ra nhiều tour mới đưa khách đi vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Một số doanh nhân khác cũng cho biết, số lượng khách mua tour đi Phú Quốc và các điểm đến như Long Hải, Tây Ninh, Đà Lạt... đang tăng dần.
Cùng với doanh nghiệp, các cơ quan quản lý du lịch cũng đang đẩy mạnh các chương trình thu hút khách du lịch trong nước. Với TPHCM, ngành du lịch vừa ký kết hợp tác với vùng Tây Bắc và sắp tới sẽ là vùng Đông Bắc và khu vực miền Trung để gia tăng lượng khách.
Tổng cục Du lịch cũng sẽ thực hiện chương trình quảng bá điểm đến Phú Quốc và kích cầu du lịch cho đảo ngọc vào cuối tuần tới. Trong sự kiện này, đại diện của nhiều doanh nghiệp du lịch, cơ quan truyền thông và KOL (những người có tầm ảnh hưởng đến khách hàng) đến Phú Quốc để tìm hiểu điểm đến và dịch vụ du lịch.
Một số địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chuẩn bị các chương trình tiếp thị, thu hút du khách, đặc biệt là du khách ở TPHCM để giảm bớt khó khăn của du lịch thời đại dịch.