Ước tín ban đầu, trong vòng ba tháng tới, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra có thể làm ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 5,9 - 7,7 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, thị trường Trung Quốc có thể giảm 90-100%.
Ngành du lịch đã đưa những kịch bản ứng phó với nCoV cùng một số kế hoạch để kích cầu, phục hồi lượng khách trong nước và quốc tế sau khi hết dịch.
Lượng khách trong nước và quốc tế của du lịch Việt Nam tăng trưởng rất cao trong 5 năm gần đây. Đồ họa: Minh Duy
Mất hàng chục triệu lượt khách, hàng tỉ đô la Mỹ
Tổng cục Du lịch ước tính, thiệt hại trong 3 tháng tới của ngành là rất lớn. Cơ quan này dựa vào số liệu chi tiêu bình quân của khách du lịch và lượng khách sụt giảm (ước tính để) để dự báo ngành du lịch có thể thiệt hại từ 5,9 – 7,7 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm từ 3,7 - 4,7 triệu lượt. Khách nội địa giảm 10,9 - 15,3 triệu lượt.
Cụ thể, thị trường Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lượng khách có thể giảm từ 90-100%. Ngành du lịch có thể mất 1,7-1,9 triệu lượt từ thị trường này. Mức chi tiêu bình quân của du khách là 1.021 đô la Mỹ/lượt, tương đương 1,8- 2 tỉ đô la Mỹ.
Không chỉ Trung Quốc, lượng khách từ những thị trường quốc tế còn lại cũng có thể giảm từ 50 - 70%, tương đương cỡ 2- 2,8 triệu lượt người. Với mức chi tiêu bình quân là 1.083 đô la Mỹ/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2 - 3 tỉ đô la Mỹ.
Với thị trường nội địa, dự đoán khách du lịch giảm 50 - 70%, tức lượng khách sẽ giảm 10,9 - 15,3 triệu lượt. Mức chi tiêu bình quân của khách nội địa là 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm. Thiệt hại từ thị trường này là 1,9 - 2,7 tỉ đô la Mỹ.
Kịch bản đối phó với suy giảm
Tuy dịch bệnh đang lan rộng nhưng ngành du lịch cũng đã đưa ra một số kịch bản chuẩn bị ứng phó nhằm hồi phục lại thị trường khi hết dịch.
Theo Tổng cục Du lịch, nếu dịch kết thúc vào cuối tháng 3-2020, các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4-2020. Nếu kịch bản này xảy ra, ngành du lịch có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa, vốn thường bắt đầu vào thời điểm cao điểm từ cuối tháng 5, các doanh nghiệp có thể xúc tiến thúc đẩy mảng outbound (đưa du khách đi du lịch nước ngoài) để bù đắp những tổn thất kinh tế từ đầu năm 2020.
Với kịch bản thứ hai, dự báo khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6-2020. Để thị trường tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm đón khách quốc tế từ tháng 10-2020 đến tháng 4-2021) thì trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9-2020, ngành du lịch cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá trong và ngoài nước.
Hiện nay, có một số chuyên gia y tế thế giới dự báo, dịch nCoV có thể được đẩy lùi hoàn toàn sớm nhất là sau mùa hè 2020 nên Tổng cục Du lịch cũng đưa ra kịch bản thứ ba. Khi dịch nCoV kết thúc vào mùa hè thì đến quí 4-2020, các hoạt động du lịch mới có thể trở lại. Trong trường hợp này, các hoạt động xúc tiến để kích cầu du lịch nội địa sẽ gặp khó khăn vì thời gian quá gấp gáp nhưng các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế vẫn được triển khai như trên để có thể thu hút khách quay lại sau dịch.
Tổng cục Du lịch cho rằng, cần đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN. Thêm vào đó, cần tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ.
Ngoài ra, cần tăng cường thu hút du khách từ những thị trường xa như Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada trong bối cảnh thuận lợi là sắp có đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ...
Kích cầu toàn diện, cơ cấu lại thị trường
Khách du lịch nước ngoài ở Hội An. Ảnh: Minh Duy
Trong tuần này, cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch trung ương và địa phương đã liên tục có những cuộc họp bàn về các biện pháp để ứng phó với dịch bệnh do virus nCoV gây ra. Ý kiến chung từ các cuộc họp này là ngành du lịch sẽ chuẩn bị chương trình kích cầu lớn để thu hút du khách quay lại sau dịch. Kế đến, cơ quan quản lý cần đề nghị chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu. Thêm vào đó, cần kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1- 2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch.
Cùng với chính sách kích cầu dành cho du khách, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ bằng các hình thức như giãn thuế, giảm thuế, giãn lãi suất cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển bị thiệt hại do dịch bệnh.
"Một chương trình kích cầu là cần thiết để thúc đẩy du khách đi du lịch trở lại nhưng phải phải giảm giá thật sâu, ít nhất phải 30-50%," bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM nói.
Bà cho cho biết đang cùng với các thành viên là doanh nghiệp lữ hành, khách sạn làm việc với doanh nghiệp hàng không, vận chuyển mặt đất và nhiều địa phương để chuẩn bị cho chương trình này. "Không chỉ cần thu hút khách quốc tế mà khách nội địa cũng rất quan trọng cần phải có chiến dịch để kéo khách đi du lịch trở lại," bà nói.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng có ý kiến tương tự và cho rằng, chương trình kích cầu này phải được thực hiện cho cả điểm đến Việt Nam, tương tự như chương trình "Ấn tượng Việt Nam" mà ngành du lịch đưa ra năm 2009 để đối phó với tình trạng sụt giảm khách do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra. Chương trình mới không chỉ cần quy mô hơn mà mức giảm giá phải mạnh hơn, các sản phẩm đưa ra trong chương trình cần phong phú hơn và tiếp cận hơn đến những thị trường có thể có tác động sớm chẳng hạn như những thị trường gần trong khu vực.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng đợt sụt giảm này cũng là cơ hội để đẩy mạnh việc tái cơ cấu thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn. Khi có những sự cố như dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng tài chính... thì doanh nghiệp du lịch nào cũng bị ảnh hưởng nhưng doanh nghiệp sẽ còn bị ảnh hưởng lớn hơn nếu ch
"Chẳng hạn như Trung Quốc, vốn là thị trường rất lớn của thế giới và ngay bên cạnh Việt Nam nên không thể xem nhẹ nhưng không nên quá lệ thuộc, phải mở rộng ra các thị trường khác để tránh sụt giảm sâu khi có sự cố như dịch nCoV lần này," ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng nói.
Theo Minh Duy (TBKTSG Online)