Người Dao Tiền bảo vệ đàn ong khoái, không lấy mật mà đợi đến mùa thu chúng bay đi mới lấy sáp ong để in hoa văn trên vải.
Đầu tháng 8/2021, Hà Kim Cương, Vũ Khắc Chung và Nguyễn Sơn Tùng có chung đam mê nhiếp ảnh trải nghiệm, quảng bá các điểm đến du lịch ở Cao Bằng, có chuyến thực địa cùng người Dao Tiền thu hoạch sáp tổ ong khoái.
Những tổ ong khoái khổng lồ này bám trên vách đá cao ở xóm Hoài Khao, thuộc xã Quang Thành, cách trị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình, khoảng 20 km và cách TP Cao Bằng khoảng 60 km. Để thu hoạch, người dân leo trên thang tự chế cột chặt vào thân cây to gần vách và dùng sào tre có gắn thanh gỗ dẹt để chọc và cắt tổ ong.
Mùa xuân, ong khoái bay về quần tụ làm khoảng 60-80 tổ, chớm thu lại bay đi và để lại sáp tổ ong. Những miếng sáp tổ ong khoái có đường kính trên dưới 1m.
Anh Vũ Khắc Chung ấn tượng với màu vàng óng của sáp tổ ong khoái. Dù sống tại Cao Bằng nhưng đây là lần đầu tiên anh có dịp trải nghiệm thu hoạch tổ ong, một nguồn nguyên liệu quý, có thể đun nấu thành sáp ong để in trên vải, tạo hoa văn độc đáo trên trang phục của người Dao Tiền.
Khu vực tổ ong này được dân Hoài Khao bảo vệ, không lấy mật và không cho người ngoài vào khai thác, đến lập thu khi đàn ong di trú, thì cả xóm mới đi thu hoạch tổ. Điều này vừa giúp bảo tồn đàn ong, vừa có sáp làm trang phục truyền thống hàng năm, “mối quan hệ giữa ong khoái và người dân Hoài Khao” đã tồn tại gần 200 năm qua.
Theo anh Hà Kim Cương, chủ fanpage Cao Bằng Hóng, quá trình thu hoạch sáp tổ ong được cả xóm cùng nhau thực hiện, mỗi người đảm nhận một công việc riêng như lấy củi, nấu cơm, làm gà để cúng và nhóm đi chọc lấy sáp ong khoái.
Sáng sớm, người dân tập trung tại nhà văn hóa khẩn trương làm việc và chuẩn bị mâm cúng để thầy mo mang đi làm lễ. Mâm cúng thường gồm có gà luộc, rượu, hương và tiền vàng mã. Lễ cúng để chọn ngày tốt, cầu nguyện mọi điều tốt đẹp, mùa sáp ong bội thu.
Sáp tổ ong khoái mang về được tách, bẻ nhỏ và cho lên chảo gang to đun với nước.
Người dân vừa nấu vừa khuấy đều chảo sáp tổ ong. Khi nước sôi, sáp ong nguyên chất tan dần hòa vào nước, nhưng vẫn còn sáp sót lại trong những vỉa tổ ong.
Công đoạn kế là vớt những vỉa tổ ong cho vào giỏ tre rồi kẹp để ép nước sáp ong chảy xuống chảo, sáp ong thô được loại bỏ ra ngoài.
Sau khi ép nước sáp ong xuống chảo lại đổ nước lạnh vào chảo, sáp ong gặp nước lạnh sẽ kết tinh, tạo thành từng vỉa vàng óng nổi trên mặt nước.
Những vỉa sáp ong vàng óng này một lần nữa được vớt, rửa sạch, loại bỏ tạp chất và cho vào chảo cô lại, hình thành miếng sáp ong tinh khiết, cô đặc, có thể bảo quản, dùng nhiều năm. Quá trình đun, nấu sáp ong đòi hỏi kỹ thuật để sáp làm xong có độ loãng, mềm, mịn để khi in trên vải đạt đủ độ bám dính trên vải.
Tất cả phụ nữ Dao Tiền đều thành thạo kỹ thuật in họa tiết hình học, cỏ cây, hoa lá, chim, thú bằng sáp ong khoái trên vải để làm ra những bộ trang phục cầu kỳ. Ngoài trang phục bằng vải chàm, người dân còn đeo các loại trang sức bạc như cúc áo bạc để làm điểm nhấn. Những nét văn hóa truyền thống đặc sắc này được gìn giữ, bảo tồn đã giúp Hoài Khao có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, bền vững.