Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km về phía Đông, Rú Chá là địa điểm thu hút hàng trăm nhiếp ảnh gia trên cả nước đổ về sáng tác mỗi dịp cuối thu. Đây là một trong những hệ sinh thái rừng ngập mặn còn tồn tại trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (đầm nước lợ lớn nhất khu vực Đông Nam Á).
Khu rừng ngập mặn Rú Chá có diện tích khoảng 5,8 hecta.
Theo người dân địa phương, cái tên Rú Chá được hiểu theo nghĩa "rú" là rừng núi, "chá" là cách đọc trại của chữ "giá". Thảm thực vật nơi đây khá phong phú với 27 loài. Trong đó, cây giá chiếm hơn 80% diện tích rừng.
Giá là loài cây có bộ rễ ngập nước nông, phần hốc trở thành nơi trú ẩn của những con còng. Rừng ngập mặn Rú Chá còn được biết đến là bức bình phong che chắn cho đất liền khu vực biển Thuận An.
Là loài đơn phái, hoa đực và hoa cái của giá không nằm cùng một cây. Hoa giá có màu vàng nhạt, độ dài 3-12cm, mọc ở nách lá.
Với diện tích không quá lớn cùng với quy trình quản lý chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương, khu vực rừng ngập mặn Rú Chá hầu như không xảy ra tình trạng săn bắn động vật. Nhờ đó, địa điểm này đã trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm loài chim, thú.
Khu rừng ngập mặn Rú Chá ít bị ảnh hưởng do thiên tai cho nên cứ đến mùa nước nổi, người dân lại đến đây để tránh lũ quét.
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, ngoài khách địa phương đến tham quan, Rú Chá còn đón nhiều lượt khách du lịch khắp cả nước đổ về.
Chị Hoàng Lan (52 tuổi) sống ở TP.HCM chia sẻ: "Thấy hình ảnh Rú Chá trên mạng xã hội rất nhiều, năm nay mới có dịp ra Huế. Đến đây, tôi như lạc vào một khu rừng cổ tích đầy mộng mơ".
Vào những ngày này, hàng trăm nhiếp ảnh gia trên cả nước đổ xô về Rú Chá. Đây là nguồn cảm hứng sáng tác cho những tâm hồn yêu cái đẹp.
Hình ảnh ngư dân đánh bắt ở rừng ngập mặn được các nhiếp ảnh gia yêu thích và chọn làm chủ đề sáng tác từ nhiều qua.
Anh Bình (42 tuổi), ngư dân địa phương cho biết: "Do mưa nhiều nên năm nay Rú Chá không đẹp như các năm trước nhưng đổi lại lượng tôm, cá lại nhiều hơn so với mọi năm".