Bún khô ngũ sắc ở Cao Bằng được làm từ gạo bao thai lùn trồng tại địa phương cùng với những nguyên liệu tự nhiên như lá cẩm, gấc, chùm ngây, hoa đậu biếc... để tạo nên màu sắc hấp dẫn.
Ghé thăm làng bún Hồng Quang (TP Cao Bằng), nhiếp ảnh gia Vũ Khắc Chung cho biết, vài năm gần đây các cơ sở làm bún ngũ sắc dần trở thành điểm check-in độc đáo, thu hút du khách đến chụp ảnh và mua bún về làm quà.
Anh Chung lần đầu tiên được trải nghiệm các công đoạn làm bún và ghi lại bằng hình ảnh. Ngay sau khi đăng tải lên mạng xã hội, bộ ảnh thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, nhiều người còn ví khung cảnh phơi bún ngũ sắc như phơi những dải lụa.
Chị Hoàng Thị Toan (xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng), chủ cơ sở bún Thủy Trang cho biết, gia đình chị làm bún khô được hơn 10 năm nay nhưng chủ yếu làm bún trắng truyền thống. Khoảng 7 năm về trước, chị bắt đầu tìm hiểu nguyên liệu lá cẩm ở địa phương để làm ra loại bún có màu tím.
Dần dần, theo nhu cầu của người tiêu dùng, chị Toan và một số hộ dân trong xã sáng tạo thêm nhiều loại bún khác nhau như: Bún gạo lứt, bún ngô, bún chùm ngây, bún gấc, bún khoai lang tím…
Với loại bún ngô, đây là món bún độc đáo chỉ có ở Cao Bằng. Phải chọn ngô tẻ giống địa phương, hạt đều, chắc để khi làm bún vị mới thơm, cho màu vàng đẹp. Ngô sau khi phơi khô sẽ được đem đi xay nhỏ rồi ngâm qua đêm. Tiếp đó, đem ngô xát mịn rồi trộn thêm bột gạo, sau đó cho vào máy trộn, pha thêm nước, đem hỗn hợp này vào máy ép bún để ra sản phẩm.
Bún ngô có màu vàng đẹp mắt.
Bún cẩm, bún gấc, bún chùm ngây, bún hoa đậu biếc được làm từ gạo bao thai lùn trồng tại Cao Bằng. Nấu lá cẩm, hoa đậu biếc để lấy nước ngâm với bột gạo hoặc trộn gạo với gấc để cho ra màu đỏ.
Bún khô có màu xanh của lá chùm ngây.
Đặc biệt nhất là loại bún gạo lứt được làm từ gạo lứt huyết rồng dẻo ngon màu tự nhiên, rất tốt cho người bệnh tiểu đường hoặc người muốn giảm cân và ăn kiêng.
Bún sau khi ra từ máy ép được cắt thành từng bó dài từ 70 cm - 80 cm để đem phơi. Đem bún vào lò ủ qua đêm để bún tơi, khi gỡ bún không bị bết dính. Sáng hôm sau đem bún ra phơi chỗ râm từ 3 - 5 ngày, chú ý nếu trời nắng to hay gió thì dùng bạt che để bún không bị giòn, vỡ vụn khi vận chuyển xa.
Khi phơi, những sào bún nhiều sắc màu tạo nên khung cảnh rực rỡ trông như những dải lụa, thu hút du khách đến tham quan và chụp ảnh.
Trung bình mỗi ngày cơ sở nhà chị Toan sản xuất được 800 kg bún khô các loại, tạo công ăn việc làm cho gần 10 công nhân ở địa phương với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Bún khô được đóng gói theo yêu cầu của khách.
Bún khô rất dễ nấu và chế biến thành nhiều món như bún xào, bún ốc, bún chả và ngon nhất là món bún trộn hoặc biến tấu thành món mỳ Ý. Khi nấu lên, sợi vừa dai, vừa mềm ngon như bún tươi. Nếu có lỡ tay nấu quá thì bún không bị nhũn như các loại bún khô khác mà sợi chỉ nở to hơn, vẫn đảm bảo nguyên sợi và dai ngon.
Ngoài thịt, trứng, rau xanh, hoa quả thì bún miến khô cũng được các bà nội trợ chọn mua nhiều trong mùa dịch vì đặc tính tiện lợi, dễ chế biến, dễ bảo quản, để được lâu, có thể ăn dài ngày trong thời gian giãn cách.
Ảnh: Chung Vũ