Theo đại diện nhóm công tác du lịch của Diễn đàn Kinh tế tư nhân, cần ưu tiên giải quyết 3 điểm nghẽn lớn của ngành du lịch hiện nay, bao gồm vấn đề quảng bá xúc tiến du lịch, chính sách visa và môi trường du lịch.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh tại VPSF 2017. |
3 điểm nghẽn trong phát triển du lịch
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân ngày 31/7, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết để đạt được mục tiêu doanh thu 35 tỷ từ du lịch trong năm 2020 cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, ưu tiên giải quyết 3 điểm nghẽn lớn của ngành du lịch hiện nay, bao gồm vấn đề quảng bá xúc tiến du lịch, chính sách visa và môi trường du lịch.
Theo thống kê, có tới 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: Sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường.
Để cải thiện con số này, ông Trần Trọng Kiên cho rằng cần giải quyết được vấn đề hạ tầng, chính sách để cải thiện môi trường cho du lịch phát triển.
“So với năm 2015, thứ hạng ở các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh du lịch, môi trường du lịch đều được cải thiện nhưng vẫn còn đứng vị trí thấp so với thế giới”, ông Kiên cho biết.
Cũng theo ông Trần Trọng Kiên, ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam hiện nay là 2 triệu USD mỗi năm, thấp nhất trong khu vực ASEAN.
Để quảng bá được hình ảnh Việt Nam ra thế giới, ông Trần Trọng Kiên - đại diện nhóm du lịch của VPSF đề xuất Chính phủ xây dựng quỹ quảng bá xúc tiến. Đồng thời kiến nghị Chính phủ giải ngân ngay quỹ 200 tỷ cho các hoạt động du lịch.
Theo ông Kiên, quỹ xúc tiến quảng bá du lịch này cần có sự kết hợp từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Trong đó trước mắt tập trung vào các thị trường trọng điểm của Việt Nam.
Điểm nghẽn thứ 3, theo ông Kiên đó chính là chính sách thị thực. Hiện nay Việt Nam thực hiện miễn thị thực cho 23 quốc gia, 2/3 trong số đó là thời gian ngắn. Trong khi ở Thái Lan, Malaysia, Singapore… thì con số này lớn hơn rất nhiều.
Vì vậy, đại diện nhóm công tác du lịch VPSF đề xuất điều chỉnh chính sách thị thực, tăng số ngày được miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày cho 12 quốc gia, thời gian miễn thị thực kéo dài thành 5 năm, thay vì 1 năm như hiện nay. Thông báo miễn thị thực cần có ít nhất trước 6 tháng.
Quỹ xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ ra đời trong tháng 8/2017
Giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp ngay tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận những vấn đề doanh nghiệp nêu trên đều rất “trúng”.
“Chúng ta đã chứng kiến mức tăng trưởng rất cao của ngành du lịch trong thời gian vừa qua nhưng dư địa để phát triển thực tế còn rất là lớn. Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhưng bấy nhiều là chưa đủ. Chính sách miễn visa hiện nay vẫn còn ít về số lượng, chưa thông thoáng và kém cạnh tranh”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến thành lập quỹ xúc tiến, quảng bá du lịch, ông Tuấn khẳng định trong tháng 8/2017, quỹ này sẽ ra đời. Theo tính toán vào khoảng 400-500 tỷ sẽ đẩy mạnh quảng bá xúc tiến.
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp vai trò đóng góp mạnh mẽ chứ không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng thừa nhận thời gian qua du lịch Việt Nam còn nhiều điểm cần khắc phục, đặc biệt là tình trạng cướp giật, đeo bám, co kéo khách... Về điểm này, Chỉ thị của Thủ tướng đã nêu rất rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc xứ lý các vấn nạn này.
“Ngành du lịch của chúng ta đã có bước tiến, nhưng chúng ta có thể phát triển nhanh hơn nữa nếu giải quyết các “điểm nghẽn” và các chính sách tạo điều kiện cho du lịch được thực thi”, ông Tuấn khẳng định.
Góp ý trước khi kết thúc phiên thảo luận về du lịch, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT kiến nghị Chính phủ xem xét việc xây tuyến đường sắt tốc độ cao để kết nối, phát triển du lịch giữa các địa phương.
N.Mạnh / BizLIVE