Hiện tại, sản lượng chanh leo tím cô đặc của Việt Nam chiếm 10% thị trường thế giới (khoảng 3.000 tấn/năm), trong đó riêng Nafoods đã giữ 7-8%.
Tiền thân là một doanh nghiệp nước giải khát, chuyển mình sang nông nghiệp và nhiều lần tưởng chừng đứng trên bờ phá sản, nhưng Công ty Cổ phần Nafoods Group trở thành doanh nghiệp có những sản phẩm nông sản giá trị cao dẫn đầu thị trường khu vực và thế giới. Đặc biệt, Nafoods góp công lớn trong việc đưa sản lượng chanh leo tím cô đặc của Việt Nam chiếm 10% sản lượng thế giới.
Thua dứa, thắng chanh
Tiền thân của Nafoods là nhà máy nước giải khát Festi. Đây cũng là thời điểm làn sóng các thương hiệu giải khát lớn của thế giới như Pepsi, Coca-Cola... vào Việt Nam đầu năm 2000, đè bẹp những sản phẩm nội địa. Loay hoay chuyển hướng từ sản xuất nước giải khát có gas hoàn toàn bằng hương liệu, sau 2 năm tìm tòi, Nafoods đã bén duyên với sản xuất nông nghiệp và chế biến xuất khẩu. Sản phẩm chủ lực lúc này là cây dứa. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, từng là Bí thư tỉnh Nghệ An, là người gợi ý hướng đi này cho Nafoods khi thấy tiềm năng tiêu thụ ở thị trường châu Âu.
Chuyển hướng và có lô hàng xuất khẩu đi châu Âu thành công nhưng sau đó là một câu chuyện dài về chông gai và thử thách. “Tám năm liền tôi mất ăn mất ngủ với cây dứa. Đến giờ nghĩ lại còn thấy sợ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nafoods Group, chia sẻ.
“Làm cảm tính, dòng tiền chỉ tập trung cho phát triển nhà máy và tìm kiếm thị trường, không chủ động được vùng nguyên liệu” là lý do cho sự điêu đứng này... Cùng lúc đó là khủng hoảng kép của nền kinh tế. Tất cả đẩy Nafoods vào tình trạng thua lỗ, mất cân đối tài chính trầm trọng, có lúc âm vốn chủ sở hữu, bài học thiệt hại gần 100 tỉ đồng.
“Có khi nợ lương nhân viên đến 7,8 tháng, khi gặp họ, tôi ngại không nhắc đến chuyện lương bổng. Nhân viên cũng ngại, không hỏi sếp. Có lúc lại nợ nông dân. Đến khi mình đứng ra nói chuyện, may mắn hàng ngàn người vẫn thông cảm, chấp nhận và từng bước cùng Công ty qua khó khăn”, ông Hùng nhớ lại.
Qua khó khăn, nhìn lại ông Hùng cho biết dứa không phải là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Có nhu cầu tiêu thụ hàng đầu toàn cầu, cao hơn cả táo và cam nhưng dứa Việt Nam không thể so với Thái Lan, Philippines, Indonesia, các nước Nam Mỹ... về cả năng suất, chất lượng, giá và hiệu suất xử lý sau thu hoạch. Tìm hướng đi khác để cắt lỗ là cách duy nhất Nafoods tự cứu chính mình.
Trong một dịp mày mò lên Tây Nguyên để tìm hướng làm ăn, ông Hùng gặp được đối tác trồng thử giống chanh leo tím Đài Loan ở Tây Nguyên thành công. Nắm bắt được đây là sản phẩm tiềm năng, ông đã từng bước đưa sản phẩm chanh leo tím cô đặc giới thiệu và chinh phục khách hàng đối tác của mình. Khác với chanh leo vàng Nam Mỹ đang được dùng trên thế giới, giống chanh leo này có vỏ màu tím, vị ngọt thanh và cho năng suất cao có khi gấp đôi giống vàng trong điều kiện phù hợp. Ông Hùng nhận thấy đây là một loại “cây tiền mặt” khi dù là cây công nghiệp dài ngày, nhưng lại cho thu hoạch chỉ sau 5 tháng và ra trái quanh năm. Hàm lượng dinh dưỡng cao khi có thể cung cấp đủ 98% lượng chất xơ cần thiết hằng ngày. Mùi vị đặc trưng và công dụng của chanh leo giúp loại quả này nhanh chóng được yêu thích trên thị trường dù chỉ mới xuất hiện khoảng 30 năm.
Năm 2007 những lô hàng nước chanh leo cô đặc đầu tiên của Nafoods đã được xuất đi châu Âu. Sau 3 năm miệt mài bền bỉ, sản phẩm nước chanh leo tím cô đặc của Nafoods được khách hàng đón nhận và chính chanh leo từng bước đưa Nafoods ra khỏi khó khăn. Quyết làm đến nơi đến chốn, ông Hùng lặn lội sang Đài Loan, mời bằng được vị giáo sư phát triển giống chanh leo của Đài Loan để chuyển giao công nghệ nhân giống chanh leo tím sạch bệnh phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Giống chanh leo được Nafoods đầu tư hơn 30 tỉ đồng giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, đến năm 2016 tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 để mỗi năm cung cấp hơn 3 triệu cây giống giúp Công ty làm chủ và kiểm soát được giống cây sạch bệnh, năng suất cao. Trong báo cáo tài chính của Công ty, lợi nhuận biên từ hoạt động sản xuất giống đạt 50-60%, cung cấp giống cho 5.000ha vùng trồng chanh leo của Nafoods trên cả nước và xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu chanh leo chính của Nafoods là châu Âu với sản phẩm nước chanh leo cô đặc, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong doanh thu của Nafoods. Hiện tại, sản lượng chanh leo tím cô đặc của Việt Nam chiếm 10% thị trường thế giới (khoảng 3.000 tấn/năm), trong đó một mình Nafoods đã giữ 7-8%.
Viết tiếp giấc mơ
Quyết định chọn Quế Phong, huyện nghèo biên giới của tỉnh Nghệ An, để xây dựng Viện Giống của Nafoods làm không ít người ngạc nhiên khi vừa xa xôi, lại thiếu điều kiện. Sau khi đi vào hoạt động, khí hậu phù hợp, thổ nhưỡng sạch, ít gây nhiễm virus cho giống, giữ an toàn bí quyết công nghệ… là một vài lý do hợp lý. Song cái chính là đến nay, chanh leo đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Quế Phong khi 1.200ha được quy hoạch cho loại cây này.
Nafoods cung cấp giống và bao tiêu với giá cố định 10.000 đồng/kg, bà con từng bước thoát nghèo với thu nhập mỗi hộ bình quân 300-400 triệu đồng/ha, cao gấp 10 so với trồng lúa. Nguyện vọng đóng góp cho quê hương của ông Hùng đã trở thành sự thật. Thành Vinh, Choa Việt, rồi giờ là Nafoods (“Na” là viết tắt của Nghệ An), qua nhiều lần đổi tên trong từng giai đoạn phát triển, giấc mơ làm giàu của vị CEO xứ Nghệ chưa bao giờ thiếu đi bóng dáng quê hương.
Đầu tư nông nghiệp đang là “mốt”, nhất là với những tập đoàn tỉ đô đầu tư vào nông nghiệp như một trào lưu phát triển đa ngành theo chiều ngang. “Những thất bại để lại cho tôi hai kinh nghiệm xương máu. Thứ nhất, chỉ phát triển cây có lợi thế cạnh tranh. Thứ hai, phải đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp dọc nếu muốn phát triển bền vững trong nông nghiệp”, ông Hùng bộc bạch. Định hướng này được ông quyết tâm thực hiện sau chuyến thăm đối tác FTN của Tây Ban Nha, một công ty từ bán trái cây tươi và sau này xây dựng được chuỗi nông nghiệp cho cam và chanh có tiếng tại châu Âu. Chuỗi dọc được Nafoods nói đến gồm: giống - trồng nguyên liệu - sản xuất - xuất khẩu - tiêu dùng và ứng dụng đầu tiên vào trái chanh leo.
Từ chiến lược này, Nafoods phát triển nhiều công ty con và công ty liên kết theo hướng chuyên môn hóa. Chi phí giá vốn của các mặt hàng có hàm lượng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) cao, nên chiếm khoảng 80-90% doanh thu thuần, đồng thời bao gồm cả hoạt động phân phối, bán hàng và xuất khẩu nên chi phí bán hàng cao hơn so với các đơn vị cùng ngành. Song đổi lại, Nafoods đang từng bước xây dựng được thương hiệu ở mắt xích tiêu thụ cuối cùng. Với 30 mặt hàng thuộc các nhóm sản phẩm: nước ép cô đặc, nước ép puree, trái cây, rau củ đông lạnh, cây giống… doanh thu của Công ty năm 2016 là 460 tỉ đồng, lợi nhuận thuần hơn 61 tỉ đồng. Con số doanh thu được ông Hùng dự đoán tăng gấp ba vào năm 2020 sau khi nhà máy tại Long An đi vào hoạt động.
Sau chanh leo, gấc là con át chủ bài “nuôi mộng lớn” tiếp theo của Nafoods. Gấc là loại cây Việt Nam có lợi thế, khi là nước có vùng trồng gấc lớn nhất thế giới, tập trung ở các tỉnh miền Bắc. Gấc là loại cây dễ tính, trồng một lần thu hoạch được một chục năm. Sản phẩm xuất khẩu của Nafoods là gấc puree (thịt gấc bỏ hạt, dùng để chế biến thực phẩm), đang được cung ứng cho Công ty Nuskin của Mỹ để sản xuất thực phẩm chức năng. Nafoods cũng là đơn vị đứng đầu về sản lượng xuất khẩu gấc vào thị trường khó tính này, khoảng 3.000 tấn. Hiện Công ty có trên 150ha vùng trồng và đang triển khai thêm 55ha trong năm 2017. Với loại trái này, Nafoods đang nghiên cứu giống gấc lai, có kích thước to hơn 3-4 lần so với giống truyền thống và có hàm lượng lycopen cao hơn. Ngoài ra, mãng cầu, quất, sơ-ri… là những loại trái khác đang được ông Hùng và đội ngũ R&D nhận thấy tiềm năng dinh dưỡng và tìm hướng phát triển ở hiện tại.
Sau nhiều năm chinh phục các thị trường nước ngoài khó tính, cái tên Nafoods đã xuất hiện trên thị trường nội địa trong năm qua với dòng nước uống dinh dưỡng kết hợp giữa gấc và các loại trái khác: việt quất, lựu, dâu rừng… hợp tác sản xuất và phân phối với một doanh nghiệp Tây Ban Nha, đánh vào ngách thị trường thực phẩm dinh dưỡng phòng chống ung thư.
Hai con của ông, một trai một gái, người đang phát triển sản phẩm của Công ty tại Úc, người đang theo ngành tài chính và được ông định hướng đi làm một vài năm lấy kinh nghiệm rồi về Nafoods làm từ vị trí thấp nhất. Cuộc nói chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại, khiến ông Hùng phải tắt máy để kể được liền mạch câu chuyện về niềm đam mê nông nghiệp. Với ông, đam mê và mục tiêu lớn bây giờ là phát triển chuỗi nông nghiệp bền vững đến mắt xích cuối cùng bằng những sản phẩm có hàm lượng giá trị cao, góp phần thay đổi thay đổi được nền tảng nông nghiệp Việt Nam.
Lan Anh