Lĩnh vực đóng gói bao bì là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, được thúc đẩy phát triển do nhu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm và mở rộng xuất khẩu những sản phẩm cần được đóng gói. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, do công nghệ chưa cao, ngành công nghiệp bao bì nói chung và ngành sản xuất, thiết kế, in ấn bao bì nói riêng chưa thực sự tạo ra những giá trị và mang lại lợi nhuận đúng nghĩa cho các doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Đóng gói bao bì Việt Nam (Vinpas), hiện Việt Nam có gần 1.000 nhà máy đóng gói bao bì, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Lĩnh vực đóng gói bao bì dự tính sẽ phát triển ít nhất 15% - 20%/năm bởi nhu cầu nguồn thực phẩm chế biến sẵn chất lượng cao, hợp vệ sinh… tăng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể tận dụng được thị trường tiềm năng này. Đại diện Công ty bao bì Vĩnh Trung (Đà Nẵng) cho biết, cái khó của các doanh nghiệp Việt là công nghệ lạc hậu. Máy móc đa phần là máy cũ và quy trình sản xuất thủ công, năng suất vẫn chưa ổn định và sản phẩm chưa đạt chất lượng như mong muốn. Ngoài ra, năng lực sáng tạo ý tưởng của doanh nghiệp nội cũng thực sự thua xa doanh nghiệp ngoại nên sản phẩm bao bì không ấn tượng, bắt mắt, kém thu hút người tiêu dùng. Công ty bao bì Duy Lợi (Khánh Hòa) cho rằng, doanh nghiệp nội gặp khó do phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu giá rẻ, mẫu mã đẹp từ Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Điều này xuất phát từ nguyên do nguồn nguyên liệu sản xuất nước ta phải nhập khẩu nên giá thành cao. Trên thực tế, hiện nay trên 80% nguyên liệu giấy bao bì trong nước do các công ty sản xuất bao bì nhập khẩu từ các công ty nước ngoài.
Ông Lê Thanh Thắng, Phó Giám đốc Công ty Bao bì Vinh Trung (Bình Định), cho rằng, nhiều cuộc khảo sát của các tổ chức nghiên cứu kinh tế gần đây cho thấy, 2 sản phẩm có chất lượng và thành phần như nhau nhưng khi trưng bày trên kệ hàng, sản phẩm nào có bao bì đẹp hơn, thu hút được khách hàng hơn sẽ có doanh số bán ra gấp 2-3 lần so với sản phẩm bên cạnh. Thậm chí khách hàng không hề đọc nội dung trên bao bì để biết chất lượng 2 sản phẩm là giống nhau. Như vậy, mẫu mã bao bì đóng góp một phần quan trọng trong việc quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu dùng của người mua. Do vậy, muốn khẳng định mình tại thị trường nội cũng như mở rộng khả năng xuất khẩu, ngành công nghiệp bao bì Việt sẽ phải đối đầu với những thách thức về thay đổi công nghệ sản xuất. Công nghệ đó phải đáp ứng yêu cầu về xu hướng bao bì hiện nay là mỏng, nhẹ, an toàn hơn cho môi trường, năng suất đóng gói cao, in ấn đẹp hơn. Mặt khác, phải có sự liên kết chặt chẽ của các nhà sản xuất trong ngành để tăng nội lực cạnh tranh với các công ty liên doanh nước ngoài hoặc các bao bì nhập khẩu. Song song đó, các chủ doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả trong quản lý, sản xuất với chi phí bình quân thấp nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả trong đầu tư với việc đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm, dịch vụ, gia tăng giá trị sản phẩm cho bạn hàng, để có được những bạn hàng chiến lược và trung thành.
Theo MINH HẢI / Sài Gòn Giải Phóng