Trước xu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, có nhiều vấn đề các ngành kinh tế, các DN, các đơn vị sản xuất phải quan tâm để chọn được mục tiêu và chiến lược kinh doanh đúng đắn. Hiện nay, ngành giấy là một trong những ngành được Bộ công nghiệp, chính phủ hết sức quan tâm. Tuy nhiên, ngành giấy đang đứng trước nhiều những thách thức, khó khăn rất lớn.
Những rào cản…
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, ngành giấy nước nhà đang có nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Giấy của các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonexia, Malaixia và của các nước trên thế giới sẽ tràn vào Việt Nam đe dọa sự sống còn của ngành giấy Việt Nam.
Giấy loại đang ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu chủ yếu trong sản xuất giấy. Tuy nhiên, một nghịch lý tồn tại nhiều năm qua, đó là mỗi năm toàn ngành phải dùng tới 70 -80% nguyên liệu phế thải để sản xuất giấy, 50% trong số đó là nhập khẩu. Nguồn thu gom trong nước chủ yếu qua đồng nát là những người thu gom riêng lẻ, các Cty vệ sinh, những người bới rác, các trạm thu mua trung gian.
Hiện nay chưa có Cty chuyên doanh giấy thu hồi do đó việc thu gom và tái chế diễn ra khá tự phát. Hơn nữa nhà nước chưa có chính sách khuyến khích thu gom cũng như chưa có hành lang pháp lý điều hành hoạt động này do đó tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở Việt Nam rất thấp chỉ khoảng 25% so với 38% ở Trung Quốc hay 65% ở Thái Lan.
Bên cạnh đó, một yêu cầu khó đáp ứng, đó là những người thu mua ve chai, đồng nát phải có hóa đơn thì DN mua gom giấy phế thải mới được khấu trừ thuế đầu vào. DN kiến nghị đã nhiều năm vẫn chưa được tháo gỡ.
Trớ trêu hơn, Việt Nam đã vượt qua Australia để trở thành nước xuất khẩu dăm mảnh với khối lượng lớn sang Nhật Bản, Trung Quốc nhưng giá trị thu được rất thấp. Tại Việt Nam năng lực sản xuất bột giấy mới chỉ đáp ứng được ½ nhu cầu sản xuất giấy. Do đó ngành công nghiệp giấy luôn phải phụ thuộc vào nguồn bột giấy nhập khẩu với giá cao từ nước ngoài về để sản xuất giấy. Với cung cách làm ăn như vậy, từ cơ quan quản lý đến DN, khi nào ngành giấy Việt Nam mới vươn lên cạnh tranh ngang bằng với các nước trong khu vực?
Khi sử dụng giấy loại làm nguyên liệu chủ yếu trong sản xuất giấy sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất rất lớn để hạ giá thành sản phẩm. Giá thành bột giấy từ giấy loại luôn thấp hơn các loại bột giấy từ các loại nguyên liệu nguyên thủy vì chi phí vận chuyển, thu mua và xử lý thấp hơn. Tính trung bình sản xuất 1 tấn giấy từ giấy loại tiết kiệm được 17 cây gỗ và 1.500 lít dầu so với sản xuất giấy từ nguyên liệu nguyên thủy. Hơn nữa, chi phí đầu tư dây chuyền xử lý giấy loại thấp hơn dây chuyền sản xuất bột gỗ từ các nguyên liệu nguyên thủy.
Bên cạnh đó sản xuất giấy từ giấy loại lại có tác động bảo vệ môi trường. Tính trung bình sản xuất giấy từ bột tái sinh giảm được 74% khí thải và 35% nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên thủy (Theo Tạp chí công nghiệp tháng 12/2008). Bởi vậy, hiệu quả từ việc sử dụng giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy là vô cùng lớn so với việc chế biến giấy từ cây nguyên liệu. Chính vì vậy đối với giai đoạn hiện nay việc sử dụng giấy thu hồi được coi là vấn đề sống còn của các DN giấy.
Tuy nhiên, Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho biết, giấy đã qua sử dụng là nguồn nguyên liệu sống còn của ngành giấy Việt Nam nhưng hiện nay vấn đề này chưa được các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, mà lại rất “chặt chẽ”với loại nguyên liệu này, nhất là khi nguồn nguyên liệu ngành giấy Việt Nam lại đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu thì công văn của Tổng cục môi trường lại cho rằng: “Phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất nói chung và phế liệu giấy nhập khẩu là loại hàng hóa đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao…”.
Chính vì thế, Tổng cục Hải Quan lại áp dụng luôn quy định tại công văn “6037/TCHQ-GSQL ngày 1/7/2015” để thực hiện kiểm tra 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu, việc kiểm tra hàng hóa được thực hiện tại hải quan cửa khẩu nhập khẩu, không được chuyển về nhà máy, cơ sở sản xuất để kiểm tra. Điều này đã gây rất nhiều cản trở và khó khăn cho DN khi làm thủ tục nhập khẩu. Nếu DN không muốn kiểm tra thì phải “trải thảm” với số tiền không hề nhỏ đối với mỗi container giấy đã qua sử dụng.
Đồng thời, các DN sản xuất giấy đều phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu, theo đó đơn vị có sản lượng thấp nhất mỗi tháng nhập khoảng 1.000 tấn thì phải ký quỹ tới 800 triệu đồng/tháng. Với quy định này DN sản xuất giấy nhập khẩu 2.500 tấn/tháng thì phải ký quỹ tới 2 tỉ đồng. Điều này thực sự là một khó khăn rất lớn đối với các DN Giấy nói chung.
Hiện nay các DN đã hết nguồn nguyên liệu nhập khẩu, có nguy cơ đóng máy, hàng trăm lao động không có công ăn việc làm. Ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình và xã hội….
Cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời
Ngành giấy đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Để đứng vững và phát triển đòi hỏi ngành giấy phải có những biện pháp mang tính tổng lực nhằm tận dụng thời cơ và sức mạnh, khắc phục khó khăn, thách thức.
Giấy là mặt hàng đặc biệt mang tính xã hội cao, ngành sản xuất giấy có những đặc trưng riêng về công nghệ, dây chuyền thiết bị, vì vậy, trong thời gian tới cần rà soát lại và chấn chỉnh việc thực hiện quy hoạch ngành giấy, tránh tình trạng đầu tư thiếu khoa học, chú trọng lợi ích trước mắt như hiện nay.
Các DN trong nước muốn cạnh tranh phải nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu ổn định dưới hình thức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng rừng.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho nghành giấy, nhà nước cần có chính sách ưu đãi trong việc tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ, đào tạo, nghiên cứu thị trường, thuế…và tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA để phát triển vùng nguyên liệu, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy…
Đặc biệt, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng đã kiến nghị, Nhà nước cần miễn thuế VAT cho các DN sản xuất giấy từ giấy phế liệu, miễn thuế cho hoạt động thu gom, buôn bán giấy đã qua sử dụng, giấy loại. Xây dựng chính sách cụ thể về hoạt động thu gom, tái chế, sử dụng từ giấy loại. Giảm ký quỹ xuống mức tối thiểu nhất với các lô hàng giấy thu hồi… khuyến khích các cơ quan nhà nước sử dụng giấy sản xuất trong nước; coi cây nguyên liệu giấy là cây công nghiệp để có chính sách hỗ trợ hợp lý. Có như vậy ngành giấy mới tồn tại và phát triển, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
(theo DĐDN)