Tại hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Cơ hội và thách thức đối với ngành chế biến lương thực thực phẩm”, các chuyên gia cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay trong xuất khẩu lương thực thực phẩm (LTTP) là kiểm soát đầu vào nguyên vật liệu, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng ổn định.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào là thách thức lớn nhất hiện nay của DN LTTP
Đánh giá tác động của TPP đối với ngành LTTP, TS Dương Như Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 3,3 tỷ USD trong lĩnh vực LTTP đối với các quốc gia trong khối TPP. Trong đó, phần lớn các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam đều có thuế suất nhập khẩu vào khối TPP thấp, gồm thủy sản, cà phê (thuế nhập dưới 1%)... do đó TPP không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu các mặt hàng này. Mặt khác, các mặt hàng Việt Nam có thể hưởng lợi từ giảm thuế nhập khẩu vào khối TPP là gạo, rau củ, quả... nhưng các mặt hàng này có kim ngạch xuất khẩu thấp.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, đa số DN, cơ sở sản xuất trong ngành LTTP chủ yếu là DN vừa và nhỏ, rất hạn chế về quy mô vốn và công nghệ. Bên cạnh đó, số lượng DN trong ngành LTTP chủ động tìm hiểu và chuẩn bị cho hội nhập kinh tế chiếm tỷ lệ ít so với tổng số DN trên địa bàn. Vì vậy, DN đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) còn rất hạn chế.
Bên cạnh những hạn chế về thông tin nói trên, theo TS Dương Như Hùng, thách thức lớn nhất hiện nay trong xuất khẩu LTTP là kiểm soát đầu vào nguyên vật liệu, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng ổn định.
Dẫn chứng cụ thể, TS Dương Như Hùng cho biết, một số DN lớn của TP. Hồ Chí Minh như: Công ty Thực phẩm ABC, Công ty Thủy hải sản Sài Gòn APT, Công ty Vissan, Công ty Gia vị Việt Ấn Vianco… hiện chủ yếu chỉ sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng trong nước, dù có xuất khẩu nhưng chiếm tỷ trọng rất ít. Đối với việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào để đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu nhằm mở rộng thị trường trong thời gian tới, các DN nói trên đã gấp rút giám sát chặt chẽ quy trình nuôi trồng của nhà cung cấp, thậm chí có DN còn tự nuôi cá để dễ dàng kiểm soát đầu vào. Song không phải lúc nào DN cũng thuận lợi, bằng chứng là Công ty Thủy hải sản Sài Gòn APT đã phải rút lui khỏi lĩnh vưc xuất khẩu tôm vì không thể kiểm soát được đầu vào của nguyên liệu.
Theo TS Dương Như Hùng, các DN phải hướng đến những mối quan hệ bền vững. Nhà nhập khẩu mua nguyên vật liệu của DN trong nước, nhưng họ kiểm soát đầu vào như quy trình nuôi, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật… do đó, nếu DN, nhà sản xuất không kiểm soát đầu vào nghiêm ngăt, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó trụ vững không muốn nói là bị tác động ngược.
Do vậy, để vượt qua những thách thức hội nhập kinh tế, bà Lý Kim Chi cho rằng, DN ngành LTTP phải có những bước chuẩn bị, chủ động thay đổi để phát triển và hội nhập khi TPP có hiệu lực. Điển hình, là cần tận dụng ưu đãi từ các FTA đã ký kết để nhập khẩu máy móc, công nghệ hiện đại và đa dạng nguồn nguyên vật liệu để cắt giảm chi phí đầu vào, đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành cạnh tranh. Đồng thời, DN hoàn toàn có thể nghiên cứu, phát triển, cho ra thị trường các sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Thùy Dương / baocongthuong.com.vn