"Năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước" - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An cho biết tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII khai mạc sáng 7/12.
Sáng 7/12, tại TP Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII trọng thể khai mạc kỳ họp thứ 11.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích bối cảnh, đặc điểm tình hình của năm 2022, những kết quả tích cực, những hạn chế khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ.
Đồng thời thảo luận về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc thực hiện kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh để đại biểu, cử tri và nhân dân theo dõi.
“Để hoàn thành chương trình kỳ họp, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, nghiên cứu kỹ các nội dung, tích cực thảo luận tổ, tham gia chất vấn, nhất là những vấn đề có có nhiều ý kiến khác nhau”, ông Quý nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu khai mạc kỳ họp
Lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,08%/KH 8,5-9,5% (đứng thứ 22/63 địa phương trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ).
Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 20.370 tỷ đồng, vượt 35,6% so với dự toán điều chỉnh, tăng 1,8% so với năm 2021 (trong đó, thu nội địa ước đạt 19.000 tỷ đồng, vượt 38,7% so với dự toán). Năm 2022 là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước.
Về thu hút đầu tư, tính đến hết ngày 30/11, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 41.872,4 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn khó khăn, tồn tại cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhất là nguồn vốn nước ngoài (đến 30/11, tỷ lệ giải ngân đạt 56,81% kế hoạch giao đầu năm và đạt 44,27% tổng kế hoạch vốn, trong đó nguồn vốn nước ngoài mới giải ngân được 19,44%).
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều bất cập như: đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng...
Hệ thống dây chuyền may công nghiệp hiện đại tại Công ty may Minh Anh trên địa bàn huyện Đô Lương (Nghệ An)
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An nhấn mạnh, tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với rà soát, đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối, lan toả phát triển…