Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ (còn gọi là Đờn ca tài tử) là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19. Đây là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ trong các dịp lễ hội, tết, giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt,… Lễ giỗ Tổ được tổ chức vào ngày 12/8 âm lịch hàng năm.
Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca, do những người bình dân Nam bộ sáng tác dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam để hát chơi sau những giờ lao động. Các bài bản của Đờn ca tài tử được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ 20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi).
Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan... Từ khoảng năm 1930 có thêm đàn ghita phím lõm, violon, ghita Hawaii (đàn hạ uy cầm). Đờn ca tài tử được thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình, ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách thảnh thơi, lãng đãng, dựa trên khung bài bản cố định gọi là “lòng bản”. Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo.
Người thực hành Đờn ca tài tử gồm: người dạy đàn (thầy Đờn), người đặt lời (thầy Tuồng), người dạy ca (thầy Ca), người đờn (Danh cầm) và người ca (Danh ca).
Theo kết quả kiểm kê năm 2011, Nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được thực hành tại hơn 2.500 câu lạc bộ, nhóm, gia đình ở 21 tỉnh, thành phố miền Nam.
Ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại Baku (Azerbaijan), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan
Hát Xoan (còn gọi là hát cửa đình, hát lãi lèn, hát đúm, hát thờ…) là loại hình dân ca nghi lễ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và đời sống sinh hoạt của cư dân trồng lúa nước vùng trung du, tập trung chủ yếu ở Phú Thọ.
Gốc của hát Xoan bao gồm 4 phường Xoan cổ là Phù Đức, Kim Đới, Thét (xã Kim Đức) và An Thái (xã Phượng Lâu), TP. Việt Trì. Hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân với 3 hình thức: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.
Hát Xoan là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhiều yếu tố: thơ, nhạc, hát, múa, trong đó, hát và múa luôn đi cùng và hỗ trợ nhau. Hát Xoan còn có sự gắn bó mật thiết giữa thơ ca và âm nhạc, nhịp điệu thơ và nhịp điệu nhạc, ý thơ và ý nhạc đều có sự thống nhất.
Hát Xoan có nhiều kiểu hát: hát nói, hát ngâm ngợi và hát xướng; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng mềm mại, trữ tình.
Hát Xoan được tổ chức theo phường Xoan (hoặc họ Xoan), bao gồm từ 15-18 người, trong đó 2-6 nam (gọi là kép), 6-12 nữ (gọi là đào). Đứng đầu phường Xoan là một người đàn ông đứng tuổi, thuộc nhiều bài hát Xoan, biết chữ Nôm gọi là ông trùm. Lệ giữ cửa đình quy định mỗi phường Xoan chỉ được giữ hát ở một số cửa đình nhất định nhằm tránh sự tranh chấp giữa các phường, từ đó dẫn đến tục kết nước nghĩa giữa phường Xoan với làng sở tại.
Một cuộc hát Xoan thường có 3 chặng là: chặng nghi thức, chặng hát các quả cách và chặng hát hội. Đạo cụ của phường Xoan có nậm rượu và quạt giấy cùng một quyển sách chép đầy đủ 14 quả cách bằng chữ Nôm. Nhạc cụ chỉ gồm một trống nhỏ, một trống lớn và một vài cặp phách.
Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali (Indonesia), hát Xoan đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Hát đúm
Các xã Phục Lễ, Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên) được coi là quê hương hát đúm của Hải Phòng.
Hát đúm ở đây rất giàu làn điệu: trống quân, cò lả, sa mạc, lý giao duyên. Vào hội, một khi bên nữ - vốn hay đột ngột chuyển làn điệu trong khi hát mà phía bên nam không kịp đối là thua. Hát đúm ở Phục Lễ gắn với Hội mở mặt. Con gái Phục Lễ quanh năm dùng khăn chít che mặt chỉ để hở hai đôi mắt đen như hạt nhãn. Ngày hội mở mặt còn được coi là ngày các cô gái thi sắc đẹp, làm quân cờ người. Chiếc khăn tung ra để lộ những khuôn mặt trắng mịn, môi hồng như hoa lựu, làm cho Hội thi hát đúm thêm say mê, hào hứng. Trai gái hát mừng, hát hỏi, hát đố, hát hoạ, hát giao duyên (huê tình), hát tiễn...
Hãy nghe bên nữ hát đố:
Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền
Chàng mà giải được, em liền theo không?
Bên trai hát giải:
Tam sơn là núi, tứ hải là sông
Nhất phần điền là ruộng, theo không là nàng.
Và bên trái tách ra, một chàng cầm tay cô gái hát giao duyên:
Thấy em vừa đẹp, vừa xinh
Anh thuận nhân tình, anh nắm cổ tay
Nắm rồi, anh hỏi cổ tay
Ai nặn nên trắng, ai day nên tròn?
Rồi chàng kể nỗi gian truân:
Vì nàng anh phải đi đêm
Ngã năm ba cái, đất mềm không đau
Vì nàng anh phải đi thăm
Ngã sứt đầu gối, ngã thâm bánh chè!
Bên gái cũng bộc lộ tình cảm:
Yêu nhau quá đỗi quá chừng
Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay.
Không ít các chàng trai, cô gái vì cảm mến nhau qua lời ca, điệu múa mà rồi nên vợ nên chồng. Và vì thế, hát đúm luôn là lễ hội hấp dẫn, trẻ trung, trở thành nét đặc trưng trong kho tàng văn hoá truyền thống của vùng đất này.
Hát ghẹo
Hát ghẹo ở huyện Tam Nông (nay là Tam Thanh) và Thanh Sơn cũng như hát xoan đã trở thành sản phẩm riêng của Phú Thọ. Nó mang phong cách đậm đà màu sắc địa phương, phát triển liền mạch theo thời gian. Cứ vậy, hát ghẹo Phú Thọ không bị lẫn với hát ghẹo ở bất cứ nơi nào
Hát ghẹo là một hình thức hát giao duyên, đối đáp nam nữ phổ biến khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược mỗi khi xuân đến, khi mùa màng bội thu, khi nông nhàn hay những đêm trǎng sáng. Mỗi vùng có một cách hát ghẹo khác nhau: khác về cách hát, tổ chức hát, giọng hát cũng như lề lối, phong tục hát. Sự khác nhau đó cũng tùy theo sự giao lưu vǎn hóa và những yếu tố xã hội của từng địa phương. Trong sự giao lưu đa sắc đó, hát ghẹo ở Phú Thọ mang trong mình một nét riêng duyên dáng, dường như đất tổ nơi đây mới là chốn neo đậu và thǎng hoa của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Nguồn gốc hát ghẹo được gắn với câu chuyện dựng lại ngôi đình làng Nam Cường thờ Xuân Nương công chúa.
Chuyện kể rằng ngôi đình làng thờ nữ tướng Xuân Nương bị cháy, trai tráng Nam Cường cùng nhau lên rừng đại ngàn kiếm gỗ về dựng lại đình. Đến địa phận xã Thục Luyện, mệt quá, trai tráng ngồi nghỉ chân, trai gái Mường biết vậy liền đưa thịt rừng rượu thơm ra đãi. Lại cùng nhau lên rừng ngả gỗ đóng bè cho trôi theo dòng sông xuôi về. Qua địa phận xã Thục Luyện bè bị mắc cạn, đẩy mãi không qua, những cô gái Mường ở thôn Hùng Nhĩ đi hái mǎng về bèn khuyên vừa đẩy bè vừa hát thì thần thác mới hài lòng để cho bè xuôi. Quả thật, khi trai gái hai bên cùng nhau đẩy và hát đối đáp với nhau thì bè nhích dần rồi chảy về xuôi. Thác thần từ đó được gọi là thác "đôi ta", khúc hát đẩy bè trên được gọi là "hát ghẹo" hay "ghẹo nước nghĩa" (nghĩa là hát giữa các thôn làng kết nghĩa với nhau), "hát anh chị". Sở dĩ có tên "hát anh chị" vì hai bên hát đối đáp với nhau sẽ gọi nhau là anh, là chị. Hát ghẹo ở Nam Cường trở nên nổi tiếng và được gọi là hát ghẹo Nam Cường để phân biệt với hát ghẹo của các vùng khác.
Các thôn làng hát ghẹo để giao lưu tình cảm cũng như nghệ thuật hay còn ý nghĩa thiêng liêng là tế thần chứ không để mong cầu về vật chất của nhau. Các làng kết nghĩa này trai gái gọi nhau là liền anh, liền cô hay quan anh, quan cô. Trai gái những làng kết nghĩa thì không được lấy nhau.
Ở Nam Cường người ta tổ chức hát ghẹo vào ngày khánh thành đình làng - ngày mồng 9, mồng 10 và 11 tháng 9 âm lịch. Hai ngày đầu thì tiến hành việc tế lễ, ngày hôm sau thì tổ chức hát ghẹo thành những nhóm ở từng nhà dân. Vì thế mà hát ghẹo không phải là một loại hát tế lễ hay dân ca tín ngưỡng hay "hát cửa đình", cũng không phải loại hình hát tự do như hát trống quân, hát ví, hát đúm mà hoàn toàn chỉ là một kiểu sinh hoạt vǎn hóa cộng đồng mang đậm tính dân gian, tự do. Các thôn kết nghĩa và hát với nhau, nǎm nay thôn này làm chủ thì sang nǎm lại làm khách. Đội khách bao giờ cũng chọn nam và đội chủ thì ngược lại chọn nữ. Nam Cường tổ chức hát ghẹo vào tháng 9 âm lịch là chủ, đến lượt Thục Luyện, Hùng Nhĩ hát ghẹo tổ chức vào tháng 3 âm lịch thì Nam Cường lại là khách.
Để tổ chức ngày lễ hát ghẹo nước nghĩa thì trước ngày tế lễ hàng nǎm khoảng một tháng, những vị chức sắc trong làng thường họp nhau lại bàn bạc về việc tổ chức cúng tế cho phù hợp với khả nǎng kinh tế của làng. Tùy theo nǎm được mùa hay mất mùa mà tổ chức tế lễ mời khách nhiều hay ít và tất nhiên phí tổn đều do dân làng đóng góp. Dân làng cũng cử ra số người tương đương đội khách mà tập luyện hát mừng đón tiếp anh em nước nghĩa. Những chị em được chọn hát ghẹo của làng (đội chủ) là những người không bận việc gia đình, không có chuyện tang bụi và chắc chắn phải có giọng hát khỏe, ngọt ngào, phải nhớ được nhiều câu. Nước nghĩa được mời thì chuẩn bị những nam thanh trạc tuổi tương đương có tài nǎng ca hát để đáp lễ. Tất cả chuẩn bị công phu để chờ ngày tế lễ. Và cũng đã thành truyền thống, trong ngày hội hát ghẹo, người ta quy định cụ thể về cách ứng xử, ǎn mặc, giọng hát, thể lệ và nơi chốn sẽ được tiến hành.
Với cách xưng hô trang trọng, những ông già, bà già trong dịp tế lễ được gọi là, "quan trùm", "bà trùm", các anh, các chị được gọi là "quan anh", ''quan chị''. Hai bên nước nghĩa đều dùng cách xưng hô trang trọng này không phân biệt chủ khách. Những bộ áo the, quần trắng, khǎn xếp đội đầu đẹp nhất dành cho ngày hội là trang phục của các quan anh và áo nǎm thân, áo cánh trắng, quần lụa sồi, yếm điều, thắt lưng bao các mầu, xà tích đeo, khǎn mỏ quạ chít đầu là trang phục của các quan chị.
Chỗ hát thường được bắt đầu từ nhà của một ai đó trong làng. Nhà được chọn để hát phải khá sạch sẽ, mát mẻ, rộng thoáng và đặc biệt gia đình không có chuyện gì buồn. Các quan trùm, quan anh là khách thường ngồi trên sập, trên giường giữa nhà, còn các bà trùm, các quan chị thường giải chiếu ngồi trên dãy giường của gian bên.
Cách hát là hình thức hát đối đáp nam nữ, nên các anh cũng như các chị mỗi lần thường hát hai người, khi hát họ nhìn thẳng vào nhau vừa để biểu lộ tình cảm vừa để khi hát ra vào cho ǎn khớp với nhau.
Đối với giọng hát trong ngày hội được quy định bốn loại giọng gắn liền với từng giai đoạn của ngày hội. Mở đầu là giọng ví đãi trầu diễn ra cùng lúc với việc các chị mời quan khách dùng trầu. Trầu thường được để vào khǎn tay, hoặc đặt trên khay, trên đĩa và các chị hát mời các anh bằng giọng lễ phép ngọt ngào: Em thưa với các anh em, miếng trầu để đĩa bưng ra, xin anh nhận lấy để mà thở than, thưa anh. Sau khi kết thúc ví đãi trầu thì giọng hát chuyển sang giọng sổng, đây là lúc mà câu chuyện đã vào đề hai bên hát đối đáp chuyện trò thân mật với nhau. Giọng thứ ba gọi là sang giọng, được hát để các liền anh, liền chị thể hiện tài nghệ đối đáp của mình. Đây được coi là cao điểm của ngày hội, theo các cụ ngày xưa thì sang giọng gồm có 36 chất giọng khác nhau. Hát hết 36 giọng này cũng là lúc trời vừa sáng, dân làng dọn cơm để khách ǎn và chuẩn bị ra về. Tiễn khách ra về hai bên cùng hát giọng ví tiễn chân, các câu ví lúc này được thốt lên từ đáy lòng của mỗi người sau một cuộc chuyện trò chứa chan tình cảm. Vậy nên, lời ca ứng tác đầy cảm xúc, đầy sáng tạo nghệ thuật, vừa bay bổng vừa thắm đượm tình người, đến nay vẫn còn nguyên vẹn từng câu từng chữ:
Anh về có chốn thở than
Em về ngồi tựa phòng loan một mình
Anh về tự bóng sao mai
Đêm khuya em biết lấy ai bạn cùng
Nhã nhạc
Mang ý nghĩa "âm nhạc tao nhã", Nhã nhạc đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên, bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức.
Mặc dầu, nguồn gốc của Nhã Nhạc có từ thế kỷ thứ 13, nhưng nó chỉ đạt đến mức độ điêu luyện tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Các vị vua đã dành sự ưu đãi khi ban cho Nhã nhạc một địa vị đặc biệt là âm nhạc chính thức của cung đình, bằng cách đó đã chính thức hóa nó như là biểu tượng về quyền uy và sự trường thọ của triều đại mình. Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình nghi lễ và mỗi năm nó được trình diễn trong toàn bộ thời gian của gần 100 buổi lễ khác nhau. Phong phú về nội dung tinh thần, Nhã Nhạc đã được xem như là một phương tiện liên lạc và bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương.
Ngoài ra nó còn phục vụ như là một phương tiện cho việc truyền đạt những ý tưởng mang tính triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt Nam.
Trong ý nghĩa bao quát nhất của nó, thuật ngữ Nhã Nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc cung đình dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả sự trình diễn thực tế, nó được đặc trưng bởi sự đa dạng của các loại nhạc cụ, và chỉ được biểu diễn vào những dịp nào đó, với các ca công và vũ công riêng. Trống đóng vai trò chủ đạo trong các dàn nhạc cung đình vốn bao gồm một số lượng lớn các nhạc công và mỗi người trong số họ yêu cầu phải có sự tập trung cao để theo được mạch tất cả giai đoạn lễ nghi kéo dài.
Những biến cố xảy ra ở Việt Nam trong thế kỷ 20 - đặc biệt là sự sụp đổ của nền quân chủ và những thập kỷ chiến tranh liên miên, đã đe dọa nghiêm trọng sự sống còn của Nhã Nhạc. Bị mất đi ngữ cảnh cung đình, truyền thống âm nhạc này đã mất đi một phần chức năng xã hội nguyên thủy của nó. Với sự quan tâm và hỗ trợ của chính phủ và cộng đồng địa phương, một vài nhạc công xưa của cung đình còn sống đang cố gắng làm sống lại truyền thống này và truyền đạt những kỹ năng của họ cho thế hệ trẻ. Một số hình thức Nhã Nhạc nào đó còn sót lại trong các tế lễ và lễ hội dân gian vẫn là một nguồn cảm hứng cho âm nhạc Việt Nam đương đại.
Ngày 07/11/2003, Tổng Giám đốc UNESCO, ông Kiochiro Matsuura chính thức công bố trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, UNESCO đã ghi tên 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại lần thứ hai, trong đó có Nhã nhạc Huế. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này, ghi nhận thành quả của một hành trình 10 năm phấn đấu, chuẩn bị không mệt mỏi của chính quyền Trung ương, địa phương và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Nhạc cung đình - theo dòng lịch sử
Âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã nhạc (triều Nguyễn) vừa được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Để nhận thức rõ hơn về giá trị của Nhã nhạc, một phần bản tham luận của GS.TS Trần Văn Khê về vấn đề này như sau:
Nhạc cung đình là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Nhã Nhạc Huế đã có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật. Tuy được sử dụng ở chốn cung đình, nhưng việc sáng tạo và biểu diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất thân từ trong dân gian, nhờ có tay nghề cao mà được sung vào cung để phục vụ cho triều đình.
Đây là một bộ môn âm nhạc vô cùng tinh vi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của nó. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc cung đình là một bộ môn duy nhất được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhiều mặt: nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản dồi dào và quan điểm thẩm mỹ sâu sắc.
Trong Khâm định Đại Thanh Hội điển sử lệ (quyển 538, tờ 3b) xuất bản năm 1908 (thư viện Hội châu Á: Socété Asiatique) có ghi rành rẽ chi tiết của dàn nhạc cung đình, có mặt cùng một lúc với phái đoàn hữu nghị do vua Quang Trung phái sang Trung Quốc, dưới thời vua Càn Long (1789), sử gia nhà Thanh đã gọi là An Nam Quốc nhạc.
Năm 1802, dàn nhạc đổi tên là Việt Nam Quốc nhạc, vì vị vua Gia Long lên ngôi năm 1802, đặt tên nước là Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, đã có một dàn Đại nhạc cung đình đầu tiên xuất hiện trong sử sách, có lẽ là vào đời nhà Trần, trong quyển "An Nam chí lược" của Lê Tắc.
Đời Hậu Lê, có nhiều bộ sử ghi lại sự kiện năm Thiệu Bình thứ tư ( 1437) dưới thời vua Lê Thái Tông (1434-1442), nhà vua giao cho Nguyễn Trãi cùng với Lương Đăng có nhiệm vụ định ra Nhã nhạc cho triều đình.
Lương Đăng muốn sắp đặt dàn Đường thượng chi nhạc giống như dàn nhạc Triều hạ yến hưởng chi nhạc của nhà Minh và Đường Hạ chi nhạc giống như các dàn Đơn bệ đại nhạc vần Giáo phường tỳ nữ nhạc của nhà Minh.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ức trai thi tập thì Nguyễn Trãi đã dâng biểu cho nhà vua từ chối nhiệm vụ được giao phó vì không tán thành quan điểm của Lương Đăng. Bức thư của Nguyễn Trãi là bài học quý giá về thái độ của một người nhạc sĩ chân chính đối với nền âm nhạc dân tộc trong đó có những suy tư về âm nhạc rất sâu sắc như:
Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là căn của nhạc, hài hòa là tính chất của nhạc. Thần mong rằng Bệ hạ thương dân để cho trong cả nước không có một âm thanh nào nói lên sự bất bình hay buồn thảm của dân. Nếu dân còn buồn thảm hay bất bình tức là Bệ hạ đã đánh mất một cái gốc của nhạc.
Ngoài ra còn nhiều quyển sử khác có ghi đôi nét về Nhã cung đình qua các thời, như Quốc triều thông lễ (triều vua Trần Thái Tông), Trần triều đại diễn (triều vua Trần Dụ Tông), Lê triều hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ...
Những bài thuộc loại Cửu tấu, ngoài âm nhạc còn có lời ca được ghi đầy đủ trong quyển Đại nam Hội điển sự lệ, như trong Miếu Triệu Tổ (miếu thờ Nguyễn Kim), tên các bài ca phải có chữ Hòa, chẳng hạn Hàm hòa (trong lúc nghinh thần), Gia hòa (lúc hiến lụa), Tương hòa (trong lúc sơ hiến, dâng rượu lần đầu), Dự hòa (trong lúc á hiến, dâng rượu lần thứ nhì), Ninh hòa (trong lúc chung hiến dâng rượu lần cuối cùng), Mỹ hòa (lúc dâng trà). Túc hòa (lúc triệt hạ các lễ vật), An hòa (lúc tiễn thần), ưng hòa (lúc mang đuốc đi, sau khi đốt sớ).
Trong Văn miếu thờ Đức Khổng tử thì tên những bài hát phải có chữ Văn, trong loại Yến nhạc tên bài hát phải có chữ Thành (dưới triều Gia Long), chữ Khánh (thời Minh Mạng thứ 18) hay chữ Phúc (thời Minh Mạng thứ 21) v.v...
So với các bộ môn khác, Nhạc cung đình có một giá trị nghệ thuật rất cao mà trước tiên là vì triều đình có đủ quyền lực chính trị và khả năng tài chính để quy tụ những nhạc sĩ cũng như nhạc công tài năng từ khắp nơi trong đất nước, rồi tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho họ luyện tập kỹ thuật, trau dồi nghệ thuật để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, sáng tác dồi dào, biểu diễn tinh vi.
Các nhạc khí được dùng trong Nhạc cung đình cũng được chế tạo rất kỹ, chạm cẩn khéo léo, tinh xảo hơn nhạc khí dùng trong dân gian, lại có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), tiếng đồng. Về độ cao có tiếng trầm của dây đài đàn tỳ bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo.
Nhìn chung, dàn nhạc cũng đa dạng và quy mô hơn các dàn nhạc khác, chẳng những đa dạng và quy mô mà còn rất đặc biệt trong sự phối hợp màu âm, không quan tâm đến số lượng, mà chú trọng đến chất lượng. Khi hòa dàn thì không nhạc khí nào có thể át các nhạc khí khác mà mỗi loại âm thanh đều có thể phân biệt rõ ràng. Không có bộ môn nào huy động nhiều diễn viên và xiêm y phong phú như nhạc cung đình.
Nhạc cung đình còn đặc biệt ở điểm bao gồm tất cả các bộ môn âm nhạc khác từ lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu) cho đến nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn.
Theo dòng lịch sử, không đi vào chi tiết, chỉ ghi những nét đại cương trong việc tổ chức Nhạc cung đình qua các triều đại, thì Nhạc cung đình Việt Nam đã có một truyền thống rõ rệt.
Nhà Lý (thế kỷ thứ 11-13):
Tuy không có ghi lại trong sách sử, nhưng xem bức chạm trên các tảng đá ở chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chúng ta thấy có 10 nhạc công chia thành hai nhóm. Những nhạc khí họ sử dụng bao gồm: Phách (hai miếng tre gõ vào nhau), đàn gáo, ống sáo ngang, đàn tranh, ống sênh (loại khèn bè). Ngay chính giữa là một hoa sen cách điệu hóa, tiếp theo là ống sênh, đàn tỳ bà, ống tiêu (thổi dọc), nguyệt cầm, trống loại phong yêu cổ (một tay cầm dùi, một tay vỗ như loại trống ghi năng của Chăm mà hình thắt đáy lưng ong).
Nhà Trần (thế kỷ thứ 13-15):
Theo An nam chí lược của Lê Tắc thì Đại Nhạc dùng trong triều đình gồm kèn tất lật (cùng loại với Pili Trung Quốc, Pili Triều Tiên và Hichiriki Nhật Bản), tiểu quản (loại ống thổi dọc), tiểu bạt (chập chõa nhỏ) và phạn ổ (trống cơm, có chú thêm "gốc từ nhạc khí Chiêm Thành, người Chăm) và một nhạc khí gọi là "đại cấu". Về nhạc khí này, cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi tra các Từ Nguyên, Từ Hải không thấy chữ "cấu" nên cũng không biết đó là loại gì, vì thế khi thấy trong chữ "cấu" có bộ "cung" nên Giáo sư cho rằng đó là một nhạc khí có cung kéo).
Tiểu nhạc dùng trong dân dã, gồm có cầm, tranh, thất huyền, song huyền và tiêu loại. Không rõ "cầm" có phải là gupin (có 7 dây tơ) của Trung Quốc truyền sang hay loại đàn nào khác. Thất huyền đàn 7 dây mà guqin của Trung Quốc cũng có 7 dây.
Nhà Lê (thế kỷ thứ 15 đến cuối thế kỷ 18):
Lương Đăng phỏng theo nhạc nhà Minh lập ra hai dàn nhạc Đường thượng chi nhạc, Đường hạ chi nhạc (mà chúng tôi đã nhắc đến trong đoạn đầu) nhưng không được dùng lâu. Do các quan trong triều như Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận phản đối nên về sau hai dàn nhạc ấy được thay thế bằng hai đôi Đồng Văn, Nhã nhạc và sau đó dần dần Giáo phường đã thay thế hai đội này.
Trong Lê triều hội điển và Lịch triều hiến chương loại chí đều có ghi về 8 thể loại nhạc (Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Đại Yến nhạc, Cung trung chi nhạc, Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc) cùng nhiều điệu múa liên quan.
Nhà Nguyễn (đầu thế kỷ 19 đến năm 1945):
Tổ chức rất chặt chẽ và được ghi trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản chữ Hán quyển 99, và trong bản dịch tiếng Nôm in tại Thừa Thiên do Nhà Xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 1993, quyển 7, trang 68-118) đã ghi rõ về tổ chức các dàn nhạc, gồm: Đại nhạc, Nhã nhạc, Huyền nhạc... Tế giao, Miếu nhạc, Yến nhạc... Với những nhạc cụ khác nhau và cách thức ứng xử trình diễn khác nhau.
Tóm lại, chỉ mới nhìn qua, chưa đi vào bề sâu, mà giá trị của Nhạc cung đình đã quá hiển nhiên. Mới đi qua một phần chiều dài của lịch sử, chưa đi rộng trong không gian để đối chiếu nhạc cung đình Việt Nam với Yayue (Trung Quốc), Gagaku (Nhật Bản), Ah Ak, Tang Ak. Hyang Ak (Triều Tien), mà chúng ta cũng thấy lòng tràn đầy niềm hãnh diện.
Thời gian qua chúng ta đã tìm hiểu Nhạc cung đình qua lịch sử cũng như đánh giá Nhạc cung đình trong hiện tại. Nhưng quan trọng nhất là trước hết chúng ta nên dựng lại một cách trung thực các dàn Đại Nhạc, Nhã nhạc như ngày xưa, từ trang phục nhạc công đến phong cách biểu diễn, để giữ gìn một tư liệu về lịch sử cho người ngày nay và mai sau biết Nhạc cung đình của Việt Nam như thế nào, cũng giống như Nhật Bản ngày nay vẫn còn giữ lại dàn Gagaku (Nhã nhạc) hệt như dàn nhạc thành lập từ thế kỷ thứ 10.
Nhiệm vụ của chúng ta là một khi được thừa hưởng gia tài của ngàn xưa thì trước hết giữ gìn nguyên vẹn di sản văn hóa đó. Nếu có những cải biên đổi mới, cũng phải vô cùng thận trọng, vì nếu không hiểu thấu nhạc thời xưa mà đưa vào những yếu tố mới không phù hợp, có thể làm biến chất Nhạc cung đình.
Nếu phỏng theo tinh thần của Nhạc cung đình mà tạo dàn nhạc đặt bản mới thì không thể sử dụng những tên truyền thống như Đại nhạc hay Nhã nhạc phải đặt tên mới để khỏi lầm lẫn Nhạc cung đình truyền thống với nhạc cải biên.
Một bức tranh, một bức tượng có giá trị nghệ thuật tự ngàn xưa thì không ai được phép vì muốn canh tân mà tự tiện vẽ thêm màu hay ra tay đục đẽo để phá hỏng giá trị một nghệ phẩm xưa. Nhạc cung đình cũng vậy.
Và, mong sao những nhà văn hóa hết sức thận trọng trong việc "cải biên, đổi mới" Nhạc cung đình Việt Nam.
Ca trù
Hát ả đào (Ca trù) được định hình với tư cách là một thể loại ca nhạc có đặc trưng, phong cách riêng vào khoảng thế kỷ 15. Ban đầu nó là lối Hát cửa đình. Dần dần thể loại này tách ra để trở thành lối hát thính phòng rất được ưa thích của người Việt ở phía bắc.
Từ một thể loại có nguồn gốc dân gian, do được giới quan lại, nho sĩ và cả các vua chúa ưa thích, lại có những mối quan hệ mật thiết với dòng ca nhạc cung đình, Hát ả đào dần được bác học hóa. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu như thể ca sĩ nắn nót, chau chuốt từng chữ. Nhạc cụ được tinh giản với sự tương phản âm sắc đã làm tôn vẻ đẹp của từng thành phần tham gia hòa tấu.
Hát ả đào là nghệ thuật hát thơ. Nó đã từng có một hệ bài bản phong phú quy định cho từng lối hát thờ, hát chơi và hát thi.
Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ phách... mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Hát Quan họ
Hát Quan họ (hay Quan họ Bắc Ninh) là "đặc sản" dân ca của người Việt ở tỉnh Bắc Ninh. Nó bắt nguồn từ những lối hát đối đáp nam nữ có từ rất lâu đời.
Hát Quan họ chủ yếu chỉ được tổ chức ở mỗi làng mỗi năm một lần vào dịp hội làng. Nó gắn với tục kết bạn nam nữ, kết nghĩa giữa hai làng khác nhau. Ngoài một bộ phận nhỏ mang nội dung chúc tụng, khẩn cầu, đại bộ phận các bài ca mà các anh Hai, chị Hai Quan họ (cách gọi nhau theo truyền thống) đối đáp với nhau đều mang nội dung giao duyên trữ tình rất thắm thiết. Tuy nhiên, theo tập tục cổ truyền trai gái trong các nhóm kết bạn hát với nhau lại không bao giờ lấy nhau.
Các cuộc Hát Quan họ có thể diễn ra ở trong nhà cũng như ngoài trời. Phương thức sinh hoạt ở các làng khá đa dạng, song nhìn chung, ngoài một số nét khác biệt, trong Hát Quan họ chứa đựng cả những nét có ở nhiều thể loại hát đối đáp nam nữ của các tộc trên đất nước.
Hát Quan họ bao giờ cũng hát đôi, trình tự hát vừa theo nội dung vừa theo làn điệu, đối lời kèm đối giọng.
Trải qua một quá trình phát triển lâu đời trên một vùng đất có sự giao lưu rộng và phát triển sớm, Hát Quan họđã trở thành một điểm sáng trong dân ca Việt Nam. Dân ca Quan họ có khoảng 180 bài khác nhau, không tính các dị bản - một trong những kỷ lục của các thể loại dân ca Việt Nam.
Lời hay ý đẹp, ngôn ngữ bình dân nhưng tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc; âm điệu phong phú, trữ tình; lối hát mượt mà với kỹ thuật nảy hạt độc đáo; phong cách lịch thiệp - tất cả làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, quan họ đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Văn
Gắn với một phức hợp tín ngưỡng của người Việt, sau nhiều thế kỷ phát triển Hát văn (hoặc Hát chầu văn) đã xây dựng được nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu, bài bản phong phú với những qui ước về cách vận dụng cho từng hàng Thánh và từng loại Phủ.
Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình - Cờn, Dọc, Xá, Hát văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác.
Nhịp điệu và bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng này.
Chúng tạo nên một không khí phấn hứng cao, góp phần giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị Thánh, đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh chúng góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.
Hát văn cùng với tục hầu bóng tiêu biểu cho một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng tồn tại ở nhiều tộc trong nước. Ngoài yếu tố tâm linh, sự hấp dẫn của phần ca nhạc xưa kia đã từng khiến nhiều người say mê. Ngày nay những điệu Hát văn được giới thiệu với nội dung mới trên các sóng phát thanh và trên sân khấu ca múa nhạc vẫn là những tiết mục được công chúng yêu thích.
Hát then
Hát then là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng của người Tày, Nùng. Có thể xem Hát then là một cuộc diễn xướng trường ca mang màu sắc tín ngưỡng tường thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc hoàng giải quyết một vấn đề gì đó cho gia chủ.
Các bản trường ca thường gồm nhiều chương đoạn với độ dài ngắn và nội dung chi tiết ít nhiều khác biệt. Bản dài nhất đã sưu tầm được dài tới 4.949 câu với 35 chương đoạn.
Hát then là một hình thức diễn xướng tổng hợp bao gồm cả ca nhạc, múa, diễn với nhiều tình huống khác nhau. Trong cuộc lễ, ngoài nhiệm vụ thực hiện các nghi thức cúng, then hoặc giàng đồng thời phải đảm nhiệm chức năng của một diễn viên tổng hợp. Họ vừa hát, tự đệm, vừa múa và diễn để thể hiện nội dung các câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm...
Âm nhạc luôn luôn là yếu tố xuyên suốt cuộc Hát then. Hát then có nhiều bài bản, làn điệu. Nhạc cụ đệm đơn giản song ở đây có thể gặp những đoạn hát hai - ba bè lý thú.
Người Tày, Nùng bất kể tuổi tác, giới tính, những người mê tín cũng như không mê tín rất thích nghe Hát then. Một vài tộc khác như H'Mông, Việt ở trong vùng cũng tiếp nhận thể loại hát này trong đời sống tinh thần của mình.
Hát Xẩm
Hát xẩm là một trong những thể loại hát rong của người Việt thủa xưa và là thể loại đặc trưng của những người hỏng mắt. Họ thường đi từng tốp 2-3 hoặc 4-5 người, nhiều khi là những thành viên trong cùng một gia đình để biểu diễn ở những tụ điểm đông người ngoài trời.
Sức hấp dẫn của hát Xẩm là ở những làn điệu hát với nhịp trống phách tươi vui cuốn hút khéo hòa cùng tiếng bầu, tiếng nhị nỉ non réo rắt và ở cả nội dung hết sức phong phú của lời ca.
Người hát Xẩm tự sự về thân phận của mình, họ kể về nỗi khổ của những người nghèo khó, những cảnh đời ngang trái. Lại có những chuyện vui nhẹ nhàng hóm hỉnh, những bài châm biếm sâu cay các thói hư tật xấu, lên án những hủ tục, tố cáo tội ác của kẻ áp bức thống trị, đả kích bọn bán dân hại nước, nêu cao gương anh hùng liệt sĩ. Những người hát Xẩm cũng là những người kể tài ba những truyện thơ được nhân dân yêu thích.
Các làn điệu chính của hát Xẩm gồm: Huê tình, Ba bậc, Thập ân, Hà liễu... Ngày nay những người hát Xẩm rong hầu như không còn nữa, song nghệ thuật của họ vẫn tồn tại và được trân trọng.
Tuồng
Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ 18, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn.
Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Trong những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột bạo liệt bi ai các nhân vật chính diện của Tuồng đã vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh hành động một cách dũng cảm anh hùng, trở thành một tấm gương, một bài học cho người đời ngưỡng mộ noi theo.
Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông. Phương thức phản ánh đã đẻ ra thủ pháp và phương tiện biểu diễn Tuồng. Trong quá trình tái hiện cuộc sống Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần. Tả thần là biện pháp nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết ấy không gây được hiệu quả nghệ thuật. Ðể lột tả được cái thần của nhân vật Tuồng dùng thủ pháp khoa trương cách điệu. Tất cả những lời nói, động tác hình thể sự đi lại trên sân khấu Tuồng đều được khoa trương và cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể. Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất mô hình. Người diễn viên tuồng căn cứ vào hoàn cảnh và tính cách nhân vật mà vận dụng linh hoạt những mô hình đó cho phù hợp. Ðặc trưng của khoa trương cách điệu còn được thể hiện trong âm nhạc, hóa trang, sự hình thành các kiểu mặt nạ hóa trang chủ yếu là sự khoa trương cách điệu đường nét , nếp nhăn trên khuôn mặt người. Quá trình khoa trương cách điệu trong Tuồng đều theo luật chi phối của luật âm dương.
Cùng với khoa trương cách điệu, Tuồng còn dùng thủ pháp biểu trưng ước lệ nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Một chiếc roi ngựa có thể thay thế cho một con ngựa, chiếc mái chèo thay cho con thuyền, vài người lính có thể thay thế cho cả một đạo quân, một vòng đi quanh sân khấu có thể thay cho vạn dặm đường trường.
Khác với sân khấu hiện thực tâm lý, Tuồng rất ít bài trí sân khấu. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Thuở trước các gánh hát Tuồng chỉ cần chỉ có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ phục trang vậy mà họ vẫn diễn tả được không gian thời gian khác nhau, khi là trốn cung điện nguy nga, lúc là nơi núi rừng hiểm trở...
Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của san khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc, hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí, Tuồng là loại sân khấu tổng thể. Ở đây các yếu tố ca, vũ nhạc được phát triển một cách hài hoà trong nghệ thuật biểu diễn.
Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên. Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...)bộ gảy: (tam, tứ, nguyệt...).
Tuồng - một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam ẩn chứa những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc, những giá trị nghệ thuật mang tính chất bền vững. Tuồng đã và sẽ còn là những người bạntri âm, tri kỷ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Chèo
Cái nôi của sân khấu chèo là Đồng bằng Bắc Bộ, địa bàn phổ biến là từ Nghệ Tĩnh trở ra. Khởi đầu chèo bằng hình thức trò nhại, trò diễn xướng dân gian từ thế kỷ 11. Lúc đầu xuất hiện ở các làng quê, dần trở thành một loại hình sân khấu tiêu biểu của người dân đồng bằng Bắc Bộ.
Xưa kia phường chèo do một ông trùm cầm đầu đi diễn ở các thôn, xã. Mỗi phường chèo chỉ khoảng mươi mười lăm người kể cả nhạc công mà bộ gõ chiếm vị trí quan trọng. Người đóng trò gồm đào, kép, lão, mụ, hề. Có khi chỉ cần một đào, một kép, một hề xuất sắc là nổi đình nổi đám. Tính chất ước lệ của sân khấu chèo không chỉ thể hiện ở diễn xuất mà cả về trang trí. Chẳng có phông màn chỉ có một tấm vải nhuộm màu ngăn đôi buồng trò và sàn diễn. Hai chiếc chiếu trải ở giữa, khán giả ngồi vây ba mặt, đó là sân khấu chèo ở sân đình. Buổi diễn thường mở đầu bằng điệu hát vỡ nước, một hồi trống dung lên, một người ra giáo đầu, buổi diễn kết thúc có hát vãn trò và trống dã đám.
Chèo thuộc loại sân khấu tự sự (kể chuyện). Giữa người xem và người diễn có sự giao lưu khăng khít. Người xem dễ theo dõi. Cũng như sân khấu tuồng, ở đây trống chầu giữ vai trò đặc biệt. Trống chầu do một người có vai vế, uy tín hoặc tay sành sỏi điều khiển, để cầm trịch buổi diễn, để tỏ ý thưởng phạt, giám định diễn xuất của đào, kép.
Nghệ thuật chèo bao gồm múa, hát, âm nhạc và văn học trong tích trò. Văn chèo đậm màu sắc trữ tình của ca dao, tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh và không kém phần trí tuệ. Tính nhân văn trong các vở chèo rất rõ nét. Quyền con người, thiện thắng ác luôn được đề cập, được khẳng định. Các vở chèo cổ bao giờ cũng kết thúc có hậu theo truyền thống phương Ðông. Nhiều vở được xếp vào vốn quý của sân khấu cổ truyền dân tộc.
Từ khi ra đời đến nay, tiếng trống chèo vẫn có ma lực cuốn hút bao thế hệ khán giả, không kể tuổi tác, địa vị xã hội hay hay quốc tịch. Nhưng có giai đoạn sân khấu chèo đã trải qua những khó khăn tưởng chừng không đứng vững nổi. Giờ đây, sân khấu chèo đang được khôi phục nhằm giữ gìn và bảo tồn một loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.
Cải lương
Cải lương là loại hình sân khấu kịch hát dân tộc ra đời vào đầu thế kỷ 20. Nguồn gốc của Cải lương là những bài hát lý, ca nhạc tài tử ở miền Tây Nam Bộ. Từ những hình thức ca nhạc thính phòng, tiến tới các diễn xướng, vừa hát, vừa biểu diễn bằng động tác để minh hoạ, gọi là ca ra bộ. Ca ra bộ là cây cầu nối giữa đàn hát thính phòng và sân khấu hát kịch cải lương sau này.
Khi mới ra đời, Cải lương gắn với những người dân Nam Bộ. Do đặc điểm phát âm ngọt ngào nên giọng Nam Bộ ca cải lương rất "mùi mẫn". Dần dần cải lương phát triển rộng ra cả nước.
Cũng như các nghệ thuật kịch hát dân tộc khác, cải lương bao gồm múa, hát, âm nhạc (không kể kịch bản tích trò). Dàn nhạc cải lương không dùng bộ gõ như Tuồng, Chèo mà đàn ghi ta phím lõm và đàn nguyệt là hai nhạc cụ chủ đạo.
Mặc dù sinh sau nhưng sân khấu cải lương nhanh chóng tạo cho mình khối lượng kịch mục phong phú. Nhiều vở diễn được các tác giả cho ra đời đã nhanh chóng được công chúng đón nhận:
Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ, sau này chuyển từ đề tài lịch sử, xã hội mở ra các vở diễn chuyển thể từ tiểu thuyết lãng mạn đương thời có nhiều tình tiết ly kỳ, hoặc các lớp "Nhảy cửa sổ đấu dao găm"...
Sân khấu cải lương hình thành, đáp ứng thị hiếu của công chúng đô thị và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng nghệ thuật cải lương có một sức sống kỳ diệu nhiều khi muốn lấn át cả hai loại hình kịch hát dân tộc đàn anh. Trong tiến trình hoàn thiện và pháp triển, cải lương đã trải qua những thể nghiệm đổi mới về âm nhạc và một bộ môn sân khấu được công chúng mến mộ.
Múa cung đình
Múa cung đình ở Việt Nam chỉ có người Việt, người Chăm là được định hình rõ rệt. Nó tồn tại và phát triển trong quá trình kiến lập và ổn định vương triều.
Hình thái múa này chỉ phục vụ cho tầng lớp vua quan trong triều. Loại múa này có quy cách, kỹ thuật, kết cấu, môi trường trình diễn tương đối ổn định, có yếu tố chuyên nghiệp và tính chuyên nghiệp. Như múa vũ nữ (Trà Kiệu), cảnh múa hát cung đình (Chăm), múa tứ linh, lục cúng, tam tinh chúc thọ, bát dật, vũ phiên... (của người Việt).
Múa dân gian
Múa dân gian là hình thái múa phổ biến của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Múa dân gian là do dân chúng sáng tạo được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Múa dân gian được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Nó tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của từng cộng động và là cơ sở để phát triển các hình thái múa khác.
Mỗi tộc người đều có những điệu múa dân gian đặc trưng của mình. Người Việt có múa rồng, trống, sênh, mõ, sư tử...; người Mường có múa sạp, chàm đuống, chàm thau...; người Tày có múa quạt, nhạc, giã gạo...; người Thái có múa xoè, nón, nhạc, khăn, xoè vòng...; người Khmer có múa Xayăm, mạt nạ, rồm vông...; người Chăm có múa quạt Pì diền, chà prông, đoa pụ...; người Ê Đê có múa khiên, trống...; người Ba Na có múa khiên, soang...
Múa tôn giáo
Múa tôn giáo là hình thái múa được nảy sinh trong quá trình phát triển và nhu cầu của tôn giáo.
Việt Nam đã từng tồn tại 3 tôn giáo lớn là Phật giáo, Ki Tô giáo và Bà La môn. Múa tôn giáo không nhiều nhưng nó cũng định hình một hình thái riêng như múa chạy đàn, lục cúng, dâng hương, dâng hoa của Phật giáo; múa chắc, trống của KiTô giáo; múa Xiva của Bà La Môn giáo.
Múa tín ngưỡng
Múa tín ngưỡng rất gần gũi, gắn bó với những nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán các tộc người ở Việt Nam. Các nhà chuyên môn còn gọi là múa tín ngưỡng dân gian, bởi nó phản ánh khía cạnh tâm linh trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân chúng.
Đó là các điệu múa hầu đồng của người Việt; Kim Pang Then của người Thái; Then của người Tày; Cúng trăng của người Khơme; Yang va - thần Lúa của người Chơro; cấp sắc của người Dao; đạp lửa, Vãi chài của người Chăm; Mo, Mỡi của người Mường...
Những điệu múa tín ngưỡng thường là do thầy mo, thầy chàng, ông bà đồng, ông bà then thực hiện, gọi chung là thầy cúng.
Múa hiện đại
Múa hiện đại Việt Nam xuất hiện chủ yếu từ sau năm 1945. Nó phát triển từ những hình tượng, động tác, tiết tấu trong cuộc sống mới được cách điệu và hòa quyện với nghệ thuật múa dân tộc - hiện đại. Đã có những tác phẩm múa hiện đại thành công.
Ngoài ra có rất nhiều điệu múa đẹp được nâng cao, phát triển từ chất liệu dân gian như: Múa ô, Khèn, Thiếu nữ Chăm, Chim công, Xòe công, Xòe nhạc, Cánh chim Mặt trời, Trống đồng Lạc Việt, Người đi săn trên đất Phong Châu...
Những năm gần đây, tinh hoa múa thế giới như tính cách và múa cổ điển châu Âu được ứng dụng khá nhiều trong các tác phẩm múa hiện đại, nhất là loại hát múa và múa minh họa trong thể loại nhạc nhẹ ở Việt Nam.
Múa rối nước
Múa rối thì hầu như dân tộc nào cũng có, còn múa rối nước thì trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có. Nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ đời Lý (1010 - 1225). Dấu vết rối nước còn ghi lại ở nhiều nơi...
Chứng cứ bằng văn tự đầu tiên ghi chép về múa rối nước Việt Nam mà chúng ta đọc được là bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, dựng năm 1121 trong đó có đoạn viết:
"Thả rùa vàng đội ba ngọn núi, trên mặt sóng dập dờn. Phơi mai vân để lộ bốn chân, dưới dòng sông lờ lững, liếc mắt nhìn lên bờ, cúi xét bầu trời lồng lộng. Trông vách dựng cheo leo, dạo nhạc thiều réo rắt. Cửa động mở ra thần tiên xuất hiện. Ðều là dáng điệu thiên cung, há phải phong tư trần thế. Vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong, nhăn mày thúy ngợi ca vận tốt. Chim quý từng đàn ca múa, thú lành từng đội xênh xang..."
Vùng đồng bằng Bắc bộ có nhiều ao hồ. Mặt nước những ao hồ đã trở thành sân khấu cho rối nước. Ghế ngồi của khán giả là thảm cỏ xung quanh hồ. Ở các làng quê, múa rối nước thường được diễn vào những dịp đón năm mới hoặc trong các lễ hội.
Mỗi con rối là một tác phẩm điêu khắc dân gian. Con rối tạo bằng gỗ, bên ngoài phủ một lớp sơn, ngâm nước không thấm. Nhân vật tiêu biểu nhất là chú Tễu, thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh lạc quan. Mở màn, chú Tễu xuất hiện vui vẻ, nghịch ngợm làm nhiệm vụ giáo đầu dẫn chuyện.
Trong kho tàng múa rối nước Việt Nam, có 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục mới xây dựng đã làm say lòng khán giả trong nước và quốc tế.
Ca nhạc Huế
Ca nhạc Huế là loại ca thính phòng có nguồn gốc cung đình, được định hình vào đầu thế kỷ 19 dưới triều nhà Nguyễn. Ca nhạc Huế phát triển cực thịnh trong dòng cung đình dưới thời vua Tự Ðức.
Sang nửa cuối thế kỷ 19 nó dần được truyền bá rộng ra ngoài dân gian và được bổ sung những điệu Hò, Lý trong dân ca Bình Trị Thiên. Do đó trong ca nhạc Huế ngày nay thường thấy sự đan xen, liên kết giữa những điệu hát dân gian và những bài bản có nguồn gốc cung đình.
Trong ca nhạc Huế, yếu tố khí nhạc đã phát triển khá cao để có thể trình tấu những tiết mục khí nhạc thuần túy như: độc tấu, song tấu, tam tấu, ngũ tuyệt...
Vào nửa đầu thế kỷ 20, ca nhạc Huế đã được sân khấu hóa để trở thành một loại hình sân khấu truyền thống mới của người Việt- Kịch ca Huế. Ca nhạc Huế mang một âm hưởng riêng độc đáo của dân ca người Việt ở miền Trung. Trong nó có hòa quyện nhiều yếu tố âm nhạc của cả các tộc Chăm, Hoa.
Ca nhạc Huế là sự kết tinh của cả hai dòng nhạc dân gian và bác học, là nơi bảo tồn những tinh hoa của nền nhạc Việt trong suốt quá trình phát triển lịch sử.
Lý Nam Bộ
Là một loại dân ca đặc sắc của Việt Nam. Lý có ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, nhưng có lẽ lý phát triển mạnh nhất ở Nam Bộ.
Lý Nam Bộ không chỉ phong phú về số lượng mà cả về đề tài, nội dung cũng như đặc tính âm nhạc. Lý Nam Bộ đề cập đến các sinh hoạt, các công việc và tâm trạng, tâm hồn của người dân. Lý còn đề cập đến các loài vật, các loại cây, các thứ hoa trái, nói về tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng.
Có những bài ca nói lên những ước mơ của người dân bình thường, hoặc phê phán châm biếm những cảnh chướng tai gai mắt. Lý Nam Bộ thực sự là một thể loại phản ánh cuộc sống, cách suy nghĩ và tính cách của người Việt ở Nam Bộ. Mặc dầu ở Lý Nam Bộ có đủ mọi sắc thái nhưng có lẽ những nét buồn là sâu đậm hơn, đồng thời lại hồn nhiên mộc mạc và hóm hỉnh ngộ nghĩnh.
Múa Khmer Nam Bộ
Nền văn hóa Khmer Nam Bộ tiêu biểu là nghệ thuật múa, tuy chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Ðộ, nhưng mang đậm nét dân tộc và những sáng tạo độc đáo góp vào vườn hoa nghệ thuật "muôn hương ngàn sắc" của các dân tộc Việt Nam.
Múa Khmer xuất hiện rất sớm với loại hình sân khấu Rơbăm - loại kịch hát cổ điển, nhưng lấy nghệ thuật múa làm ngôn ngữ chủ đạo để diễn tả tâm trạng, tình huống, tuồng tích. Rơbăm phần lớn là những cốt chuyện mang truyền thuyết thần thoại cho nên múa càng có điều kiện phát huy một cách mạnh mẽ ở loại hình sân khấu này.Ra đời muộn hơn là kịch hát Dukê. Nghệ thuật múa ở đây không còn giữ vai trò chủ đạo như Rơbăm nhưng đã bắt đầu phát triển chiều hướng diễn tả tâm trạng mang tính mô phỏng, rồi nâng lên với tính cách được ước lệ cao, như diễn tả những con thú: chim thần (Krud), chằn (Yeak), rắn thần (Naga), khỉ (Hanuman), rồng (Phuchông)... Ðộng tác được hệ thống, qui nạp mang tính khoa học, mực thước, như con khỉ có 12 động tác: cười, lạy, gãi, khóc, nhảy, âu yếm, đau khổ...
Kho tàng múa Khmer Nam Bộ hình thành hai hình thái rõ rệt, đó là hình thái múa cung đình và hình thái múa dân gian. Hình thái múa cung đình đã trở thành loại múa có bài bản, chuẩn mực, có hệ thống cơ bản, có trường dạy nghề hoặc có thầy chỉ giáo từ nhỏ (từ 6 - 7 tuổi).
Nghệ thuật múa cung đình đòi hỏi ở người diễn viên sự khổ luyện rất cao. Từ hình thể, tay, chân đến nụ cười ánh mắt đều phải tập theo những chuẩn mực cổ điển. Tất cả những chi tiết cụ thể là chuẩn mực cơ bản để đánh giá đẳng cấp của nghệ sỹ. Múa cung đình phần lớn là nữ, những nhân vật nam cũng chính là nữ đóng. Múa cung đình tuyến đơn giản, tiết tấu chậm rãi, khoan thai, sâu lắng, chủ yếu dùng hình tượng cơ thể để khắc họa tâm trạng như múa: chim thần (Krud), tiên (Kennâr), Apsara, dâng hoa... Còn có những loại múa lâu đời đậm màu sắc tôn giáo như múa lên đồng (arak), có những loại múa trong đám cưới (râmbơk bông, râm bơk phka sla, rambô kântel...). Từ những diễn tả tâm trạng bằng hình tượng cơ thể, dần dần những động tác múa được qui nạp chuẩn mực, quán xuyến như một đặc trưng đậm bản sắc.
Có thể nói múa cung đình Khmer Nam Bộ từ ngón tay cho đến gót chân đều có tiếng nói riêng.
Nếu như múa cung đình mực thước, trang trọng mang tính cổ kính bao nhiêu thì múa dân gian ngược lại bấy nhiêu, thoải mái, lạc quan, yêu đời và luôn có chất hóm hỉnh: Múa Sarikakeo, Râmvông, Saravan... là những điệu múa rất phổ biến, đã là người Khmer ai cũng biết múa, đặc biệt là thanh thiếu niên, họ múa trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, liên hoan, bất kỳ nơi đâu chỉ cần có tiếng kèn và nhịp trống nổi lên là ở đó có múa. Múa trống Xadam cũng là điệu múa dân gian có từ xa xưa.
Trong thực tế, thỉnh thoảng múa dân gian đã tiếp thu tinh hoa đặc sắc từ những động tác cung đình rồi biến hóa theo tiết tấu và hòa nhuyễn vào không khí của tác phẩm với nội dung phản ảnh cuộc sống, làm cho nó trở nên nhanh nhẹn, vui vẻ như múa "gáo", "xúc tép" (Saneng).
Hiện nay múa của tộc người Khmer Nam Bộ đã phát huy một cách mạnh mẽ, không chỉ về thể loại, số lượng mà cả chất lượng, không chỉ với những đề tài cổ thần thoại, truyền thuyết mà cả những đề tài ca ngợi cuộc sống hiện tại. Và nền nghệ thuật múa độc đáo ấy không dừng lại với những tác phẩm đơn lẻ mà gần đây đã xuất hiện kịch múa với những cốt truyện hấp dẫn đã được đánh giá cao (huy chương Vàng) trong hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
Kho tàng múa tộc người Khmer Nam Bộ là vô tận, nó luôn có mặt bất cứ ở phum, sóc, làng, xã nào nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhạc hội Rija
Ðối với nhiều người, âm nhạc và khiêu vũ chỉ là thời gian rảnh rỗi. Nhưng đối với dân tộc Chăm, hoạt động văn hóa này đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người. Người Chăm đã dùng nghệ thuật, âm nhạc, ca hát và múa để phản ánh và biểu lộ cảm xúc, tầm nhìn và con mắt thẩm mỹ nhạy cảm của họ.
Từ khi còn nhỏ, người Chăm đã nghe và tham gia vào các bài hát nghi lễ, hát dân ca, hát ru và các bài hát kể về Aryja, âm thanh và giai điệu trở nên sâu lắng trong tâm trí họ. Tiếng hát và phong cách biểu diễn đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đem lại nguồn sinh khí mới cho cả cộng đồng. Một loại hình âm nhạc mang đậm tính nhân đạo gọi là Rija hay múa nghi lễ. Ngày nay, dân tộc Chăm đã có bốn buổi lễ Rija khác nhau trong năm là: Rija Nigar, Rija Prong, Rija Dayep và Rija Harei.
Nét đẹp của Rija là đã thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa, nhịp nhàng của các sự kiện lịch sử với nghi lễ truyền thống, và sự kết hợp giữa ca hát với nhảy múa. Những nhân tố này phối hợp và hòa trộn với nhau đã đưa nghi lễ Rija trở thành một đặc trưng độc đáo. Ðối với người Chăm, Rija là biểu tượng không thể tách rời khỏi nghệ thuật trong đời sống văn hóa và tinh thần của họ.
Nhạc cụ để chơi trong lễ Rija bao gồm hai chiếc trống Ginăng, một chiếc trống Baranung, một chiếc kèn Saranai và một chiếc kèn Kanhi. Tất cả những người tham gia đều có nhiều nhiệm vụ khác nhau, đóng vai như một nhạc trưởng của buổi lễ hay một nhạc công. Trong số đó, người dẫn chương trình, được biết đến như On Mu Duon, và cũng là người chơi trống Baranung. Anh ta được trợ giúp bởi bốn người chơi khác.
Khi bắt đầu buổi lễ, On Mu Duon đánh nhịp trống Baranung và hát bài hát đậm chất sử thi, bắt nhịp theo là những âm thanh của các loại trống và kèn. Những bài hát và nhịp trống đệm hòa lẫn và không làm giảm đi nét đặc trưng riêng biệt của từng loại nhạc cụ. Ý tưởng đã tạo nên nhịp điệu nổi bật và hết sức độc đáo, mỗi bài hát là tên của mỗi vị thần khác nhau, và âm nhạc phải phù hợp với từng vị thần được đề cập đến, On Mu Duon "mời" tất cả các vị thần tham gia lễ hội Rija.
Có thể nói, âm nhạc trong Rija như tràn ngập, rộn ràng và nhiều lúc như sôi lên. Những bài hát tươi vui trong lễ Rija Nugar là Hwagaly, Cah Ya, Jawa và Kakaik, và điệu múa kiếm rất sôi nổi, tràn đầy sức sống.
Ðiệu múa On Kaing có tục dập tắt ngọn lửa, là biểu tượng của dịch bệnh và tai họa. Người dập tắt ngọn lửa cho rằng đó là hóa thân của vị thần che chở, giúp đỡ dân làng trong việc diệt trừ cái ác và chống lại thiên tai. Âm nhạc trong điệu múa On Kaing thường nhanh và nhịp điệu nhấn lệch trong nhịp trống Ginăng, sôi nổi và rộn rã trong nhịp trống Baranưng, âm thanh bay bổng và mạnh mẽ của tiếng kèn Saranai. Ðiệu Muk Rija thì nhẹ nhàng, mềm mại hơn. Những điệu múa có cá tính bao gồm Biyen, Marai, và Patra. Tất cả đều uyển chuyển, nhịp nhàng và thật sự sống động, duyên dáng. Khi xem trình diễn những điệu múa này, người xem như quên hết xung quanh, đắm chìm trong không khí vui nhộn, và kèm theo là những lời khen thưởng, cổ vũ nhiệt tình.
Lễ hội Rija một lần nữa đã khẳng định sự gắn bó mật thiết giữa lễ nghi thần bí với âm nhạc và múa của văn hóa Chăm. Biểu diễn và nghi lễ thường đan xen vào nhau, làm cho âm nhạc phong phú hơn và nghi lễ sôi nổi hơn. Âm nhạc và múa là phần thiết yếu của tất cả các ngày lễ Chăm, nói tóm lại chúng đứng ở vị trí trung tâm của nền văn hoá Chăm, nó là nguồn cảm hứng và niềm kiêu hãnh lớn của văn hóa Chăm.
Ngày nay, người Chăm vẫn còn giữ nguyên niềm tự hào về nền văn hóa đặc biệt của họ, thậm chí họ đã hòa nhập với nền văn hóa chung của dân tộc – thành tựu của sự cân bằng những nét tốt đẹp nhất của cả hai nền văn hoá Việt Nam.
Nhạc cưới Khmer
Ca nhạc là một phần không thể thiếu trong đám cưới cổ truyền của người Khmer ở Nam bộ cũng như của nhiều tộc khác ở Việt Nam.
Ngày nay, lễ cưới của người Khmer ở Nam bộ đã có nhiều đổi thay, song những bài hát cưới cổ truyền vẫn còn được lưu giữ trong nhân dân.
Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được hàng chục bài hát lễ thức dành riêng cho đám cưới và những bài dân ca thông thường được sử dụng cho đám cưới thêm vui tươi. Tập hợp những bài đã sưu tầm được có thể dựng nên một liên ca khúc phản ánh mọi nghi thức của đám cưới cổ truyền Khmer từ lúc đưa chú rể sang nhà gái, xin mở rào để vào nhà gái, bắt đầu cuộc vui, các lễ thức cắt tóc, giã thuốc nhuộm răng, cắt hoa cau để làm lễ rắc hoa cau cho cô dâu chú rể, lễ rút gươm khỏi bao, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ lạy mặt trời, lễ nhập phòng, lễ quét chiếu, lễ chào cha mẹ họ hàng... cho tới khi tiễn khách ra về.
Nhạc võ Tây Sơn
Nhạc võ Tây Sơn gắn với lò võ nổi tiếng của người Việt ở Bình Ðịnh. Tương truyền loại nhạc này do ba anh em người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đặt ra cho quân khởi nghĩa luyện võ.
Với một bộ trống 17 chiếc, người tập võ sẽ dùng hai tay để đánh 12 chiếc, còn lại 5 chiếc đánh bằng đầu, 2 gót chân và 2 khuỷu tay. Người tập võ đánh được 17 trống được xem là "võ thuật như thần".
Sau khi ba Ngài mất, mỗi dịp tế lễ để tưởng niệm những vị anh hùng đã lãnh đạo quân sĩ quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, nhân dân ở quê các Ngài vẫn đánh trống võ. Nhạc võ Tây Sơn gồm 4 bài: Xuất quân, Hành quân, Hãm quân, Khải hoàn. Nó đã trở thành một loại nhạc lễ trong di sản nghệ thuật của người Việt Nam.
Khèn
Khèn là một loại nhạc khí bản địa rất cổ đã có mặt ở Việt Nam từ trước Công nguyên. Trên các di vật của nền văn hoá Đông Sơn cổ đại còn lưu lại hình ảnh những người thổi khèn trong nhiều tư thế và bối cảnh khác nhau. Ngày nay, nhiều tộc ở Việt Nam vẫn sử dụng phổ biến loại nhạc khí này.
Khèn ở Việt Nam có nhiều kiểu dạng với số lượng ống, hàng âm và kích thước khác nhau. Các ống được làm bằng các loại tre nứa nhỏ. Lưỡi gà bằng đồng hoặc bằng tre. Bầu khèn bằng loại gỗ dẻo hoặc vỏ quả bầu khô rỗng ruột. Số lượng ống thường chẵn, từ 6 tới 12, 14 ống, cá biệt là khèn của người Xá Phó - gọi là ma nhí, có 5 ống. Mỗi ống có 1 lỗ bấm để thổi ra một cao độ theo hàng âm của từng tộc.
Là nhạc cụ đa thanh, khèn có thể dùng để đệm hát, múa, hòa tấu cùng các nhạc cụ khác và độc tấu. Trong sinh hoạt dân gian nó được dùng vào nhiều trường hợp và địa điểm khác nhau, tùy theo phong tục của từng tộc.
Ở Tây Nguyên người Ê Đê chỉ được dùng khèn trong nhà để thổi những bài nhạc buồn và đệm cho trai gái hát ayray vào những ngày tang lễ. Ngoài nương rẫy khèn được dùng thoải mái đệm cho múa trong những ngày hội đông vui hoặc thổi những điệu trữ tình để giải trí và đuổi thú rừng.
Các tộc ở miền núi phía Bắc dùng khèn tự do hơn. Đặc biệt, với người Mông, kềnh (khèn) giống như cơm ăn nước uống. Nó theo họ khắp nơi: khi lên nương, lúc xuống chợ, vào ngày hội vui cũng như ngày buồn. Trong tay các chàng trai Mông, khèn đồng thời là nhạc cụ và đạo cụ để họ vừa thổi vừa múa trổ tài trước các cô gái trong những dịp đông người. Với họ, khèn có khả năng biểu cảm rất lớn: "Nghe khèn, biết khóc hay cười".
Cồng chiêng
Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 60cm, loại cực đại từ 90 đến 120cm.
Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.
Ở người Mường và nhiều tộc dọc Trường Sơn - Tây Nguyên, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hòa tấu nhạc đa âm. Các dàn cồng chiêng của họ thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hòa tấu.
Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, đấm bằng tay. Có tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng.
Ở nhiều tộc chỉ nam giới mới được đánh cồng chiêng. Dàn cồng sắc bùa của người Mường lại do nữ giới diễn tấu. Ở một số tộc khác nam và nữ đều có thể đánh cồng chiêng. Các kiêng kỵ trong cách sử dụng cồng chiêng cũng khác biệt ở mỗi tộc.
Với tộc Mường và nhiều tộc ở Tây Nguyên cồng chiêng có một ý nghĩa lớn và giá trị cao. Hầu như gia đình nào cũng đều có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Cồng chiêng gắn bó với người Tây Nguyên từ thuở ấu thơ. Chúng theo sát cộng đồng và từng thành viên của cộng đồng trong mọi sự kiện trọng đại, lúc vui cũng như lúc buồn.
Nhìn chung, cồng chiêng là loại nhạc cụ thiêng, chủ yếu dùng cho các nghi lễ cúng tế, tang ma, cưới xin, mừng năm mới, mừng nhà mới, mừng lúa mới và các nghi lễ nông nghiệp, mừng chiến thắng, đưa và đón các chiến binh, cầu sức khỏe và may mắn...
Ở Trường Sơn - Tây Nguyên âm thanh của chúng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của làng buôn. Đó là một bộ phận không thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều tộc trên đất nước Việt Nam từ thuở xa xưa cho tới nay.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 25 tháng 11 năm 2005.
Đàn Đá
Nhạc khí tự thân vang, thuộc loại xylophone, metallophone. Mỗi nhạc cụ là một bộ gồm nhiều thanh đá hợp thành. Mỗi thanh đá có kích thước và hình dáng khác nhau, được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo thô sơ. Vật liệu để làm đàn là những loại đá sẵn có ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Căn cứ vào bộ đàn tìm được ở di chỉ khảo cổ học Bình Đa (Đồng Nai) được biết rằng việc chế tác những thanh đá này đã xuất hiện từ trên dưới 3.000 năm trước.
Cho tới những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ 20) đã tìm được gần 200 thanh đàn đá rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hoà, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Phú Yên. Số lượng thanh ở mỗi tập hợp được phát hiện là 3-15. Bộ đầu tiên tìm được tại Ndut Lieng Krak (Đắk Lắk) vào năm 1949 hiện được bảo quản tại viện bảo tàng "Con người" ở Paris. Nhiều bộ khác đang được bảo quản tại Việt Nam.
Một số tộc ở Tây Nguyên coi những thanh đá được phát hiện như những vật thiêng và giữ gìn như của gia bảo. Có tộc dùng chúng trong những lễ hội lớn để cúng thần, có tộc lại dùng làm dàn đá giữ rẫy.
Đàn T'rưng
Với người Tây Nguyên lời ca tiếng đàn luôn luôn là nguồn cổ vũ trong đời sống. Đêm đêm quanh ngọn lửa hồng dưới mái nhà rông người ta kể Khan, kể H'mon và hát lên những làn điệu dân ca Jôn-jơ, đợi chờ, giã gạo...
Nói tới âm nhạc Tây Nguyên không thể không nhắc tới kho tàng nhạc khí hết sức phong phú với nhiều loại, nhóm và chất liệu khác nhau. Hầu hết các nhạc khí cổ thường dùng chất liệu sẵn có trong thiên nhiên như sáo, tiêu, goong rel, tù và, klông pút và t'rưng.
Đàn T'rưng là một loại nhạc khí "thô" được chế tác từ những khúc gỗ bóc vỏ phơi khô hoặc những ống nứa vót một đầu, chặt theo những độ dài khác nhau để tạo nên những âm vực ưng ý đem treo lên một cái giá đủ trở thành một cây đàn gõ "phím" cho một hoặc hai người diễn tấu bằng cách cầm những dùi tre gõ vào phím này.
Đàn T'rưng thường được diễn tấu bên trong nhà rông hoặc ngoài trời vào các dịp lễ hội truyền thống hay trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc người Ba Na, Gia Rai, Ê Đê...
T'rưng có khả năng diễn tấu phong phú và đa dạng. Với nguồn âm thanh bất tận khi êm nhẹ theo giai điệu trữ tình của một khúc hát giao duyên, khi hoà cùng dàn nhạc tấu lên bản hợp tấu của núi rừng hùng vĩ... Trong giao lưu văn hoá T'rưng cũng xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc hiện đại phụ hoạ theo tiếng hát rực lửa của những người con Tây Nguyên, nâng cánh cho những giọng ca vàng vang đến mọi nơi chốn xa xôi.
Là một loại nhạc cụ đặc sắc trong kho tàng nhạc khí Tây Nguyên, âm thanh độc đáo của T'rưng không chỉ lôi cuốn làm say đắm tâm hồn các dân tộc anh em trên đất Việt, mà còn ra khỏi biên giới ngân vang đến tận những vùng đất xa xôi và được các bạn bè khắp năm châu, bốn bể nhiệt tình đón nhận.
Trải qua quá trình sàng lọc với bao biến thiên của lịch sử, đàn T'rưng đã và sẽ tồn tại mãi mãi cùng với các dân tộc Tây Nguyên và cộng đồng dân tộc Việt.
Đàn Tam Thập Lục
Là nhạc khí dây, chi gõ của dân tộc Việt. Đàn có 36 dây nên được gọi là Tam Thập Lục.
Đàn Tam Thập Lục hình thang cân, mặt đàn hơi phồng lên ở giữa, làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Cầu đàn, thành đàn làm bằng gỗ cứng, trên mặt đàn đặt so le hai hàng ngựa, mỗi hàng 18 ngựa. Cần đàn bên trái có 36 móc để mắc dây, bên phải có 36 trục để lên dây. Dây đàn làm bằng kim khí. Que đàn được làm bằng hai thanh tre mỏng, dẻo, ở đầu được quấn dạ để tiếng đàn được êm. Âm thanh đàn Tam Thập Lục trong sáng, thánh thót, rộn rã.
Âm vực đàn Tam Thập Lục tương đối rộng. Từ âm trầm nhất đến âm cao nhất trên hai quãng 8, được mắc theo gam nguyên.
- Khoảng âm dưới: Tiếng đàn ấm áp, khá vang.
- Khoảng âm giữa: Tiếng đàn đầy đặn, trong.
- Khoảng âm cao nhất: Tiếng đàn sắc, gọn.
Khi biểu diễn nhạc công dùng 2 que gõ vào mặt đàn tạo ra các ngón như: Ngón rung, ngón vê, ngón bịt, ngón á, đánh cồng âm, hợp âm...
Đàn Tam Thập Lục giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc sân khấu chèo, cải lương. Đàn đệm cho hát, độc tấu, tham gia dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Đàn Tranh
Đàn Tranh được hình thành trong ban nhạc từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Thời Lý - Trần, Đàn Tranh chỉ có độ 15 dây nên bấy giờ gọi là "Thập ngũ huyền cầm" và được dùng trong ban "Đồng văn, nhã nhạc" (đời Lê Thánh Tôn thế kỷ 15), sau này được dùng trong cả ban nhạc giáo phường. Thời Nguyễn (thế kỷ 19) được dùng trong ban "nhạc Huyền" hay "Huyền nhạc", lúc bấy giờ được sử dụng với 16 dây nên được gọi là "Thập lục huyền cầm".
Hình dáng đàn dài, có 16 dây bằng kim loại, mặt đàn nhô lên hình vòng cung. Từ trục đàn đến chỗ gắn dây đàn, khoảng giữa của mỗi dây đều có một con nhạn gọi là "Nhạn đàn" để tăng âm, lên dây đàn từ nửa cung đến một cung khi đàn cần chuyền đổi dây. Sau này, Đàn Tranh rất thông dụng được đứng thứ ba trong bộ tam tuyệt của dàn nhạc tài tử.
Vì Đàn Tranh được thiết kế theo hình thức nhiều dây, nên khi tấu nhạc, đàn phát ra âm thanh đanh tiếng, sắt tiếng hơn khi tấu chữ, đàn thường là "song thanh", ví dụ khi hết một câu hay hết một đoạn nhạc hoặc một láy đàn nào đó thường lặp lại một nốt, một chữ nhạc của láy đàn (hò líu, xàng xang, xề xê...).
Đàn Nguyệt (Đàn Kìm)
Đàn Nguyệt được sử dụng rộng rãi trong dòng nhạc dân gian cũng như cung đình bác học cổ truyền của người Việt. Xuất hiện trong mỹ thuật Việt Nam từ thế kỷ 11, cho tới nay, nó vẫn giữ một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt âm nhạc của người Việt và là nhạc cụ chủ yếu dành cho nam giới.
Nhờ có cần tương đối dài và những phím cao, nhạc công có thể tạo được những âm nhấn nhá uyển chuyển, mềm mại.
Tiếng đàn trong, vang, khả năng biểu hiện phong phú- khi thì sôi nổi ròn rã, lúc lại nỉ non sâu lắng, do đó Đàn Nguyệt có mặt cả trong những cuộc hòa tấu nhạc lễ trang nghiêm, những cuộc hát văn lôi cuốn, những lễ tang bùi ngùi xúc động cũng như những cuộc hòa tấu thính phòng thanh nhã với những hình thức diễn tấu khác nhau: đệm cho hát, hòa tấu và độc tấu.
Đàn Cò (Đàn Nhị)
Đàn Cò - Đàn Nhị đã có mặt trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam từ lâu đời, đã trở nên thân quen và gần gũi với mọi người dân Việt Nam, nó được trân trọng quí báu như cổ vật gia bảo. Đàn Cò đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng và đắc lực không thể thiếu trong các dàn nhạc dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay.
Người dân Nam Bộ gọi là "Đàn Cò" vì hình dáng giống như con cò, trục dây có đầu quặp xuống như mỏ cò, cần đàn như cổ cò, thân đàn như con cò, tiếng đàn nghe lảnh lót như tiếng cò. Trong các dàn nhạc phường bát âm, ngũ âm, nhã nhạc, chầu văn, sắc bùa, nhặc tài tử, cải lương dàn nhạc dân tộc tổng hợp, dân ca... đều có Đàn Cò.
Đàn K'ni
Tên gọi mà người Ba Na và Ê Đê dùng để chỉ loại đàn một dây dùng cật tre làm cung kéo của một số tộc sống trên dọc Trường Sơn - Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Xơ Đăng, Pa Kô, Hrê...
Thân đàn là một khúc nứa, tre hoặc gỗ tròn nhỏ, không có bầu cộng hưởng. Trên thân có gắn phím bấm. Dây đàn được mắc dọc theo thân đàn. Cung kéo chỉ là một đoạn tre nhỏ hoặc một thanh tre khi diễn tấu người ta cọ phần cật vào dây.
Cấu trúc đơn giản nhưng nét đặc sắc của k'ni là ở phương thức khuyếch đại âm thanh và thay đổi âm sắc bằng khoang miệng nhờ một sợi dây nối từ dây đàn tới miệng người kéo đàn. Vừa kéo cung và bấm vào phím tại những vị trí khác nhau trên dây để tạo nên các cao độ, người chơi đàn vừa thay đổi khẩu hình lúc khép lúc mở theo lời thơ họ muốn diễn đạt. Âm thanh của đàn do đó bị biến dạng theo, nghe gần như tiếng người. Những người hiểu tiếng dân tộc và quen nghe K'ni có thể hiểu được nội dung ca từ mà nhạc công truyền đạt qua tiếng đàn. Chính vì vậy có tộc cho rằng "k'ni hát". Có nơi đồng bào Ê Đê còn sử dụng k'ni để đọc những bài thơ xen vào khi kể Chơ Nắc.
Âm lượng nhỏ và với đặc tính như trên, k'ni chủ yếu là nhạc khí để bộc lộ tâm sự, tình cảm của các chàng trai với các cô gái vào những lúc thanh vắng tĩnh mịch. Đôi khi người Ê Đê cũng dùng k'ni để đệm cho hát khóc trong lễ tang. Gần đây k'ni cũng bắt đầu được khai thác và giới thiệu trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp
Đàn Đáy
Đàn đáy là nhạc khí đặc trưng trước kia chỉ dùng để đệm cho một thể loại hát duy nhất với hai nhánh mà ngày nay người Việt thường gọi là Hát cửa đình và Hát ả đào (hoặc Ca trù). Chỉ nam giới mới chơi nhạc cụ này. Có lẽ đàn được sáng tạo từ thế kỷ 15 với sự định hình của thể loại hát nói trên.
Cũng có những phím cao nhưng cần đàn rất dài nên đàn đáy thuộc loại nhạc cụ trầm và có một kỹ thuật độc đáo là ngón chùn làm cho âm thanh bị thấp xuống so với ngón bấm bình thường.
Âm sắc trầm, đục, ấm nhưng ngắn của đàn đáy tạo nên sự tương phản làm nổi bật âm sắc của những người bạn hòa tấu với nó.
Ngoài thể loại nói trên, ngày nay đàn đáy còn được dùng để đệm cho ngâm thơ. Bởi tính chất khiêm tốn, nhũn nhặn của tiếng đàn trong khi đệm cho hát, có người đã ví đàn đáy như một "triết gia ẩn dật".
Đàn Bầu
Trong kho tàng văn hóa âm nhạc dân tộc Việt Nam, đàn bầu được coi là nhạc cụ độc đáo và hấp dẫn nhất. Tiếng đàn du dương, trầm lắng khiến ai đã nghe một lần thì thật khó quên. Chẳng thế mà các cụ ngày xưa đã kín đáo nhắc nhủ: "Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu", "Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha. Ngân nga em hát, tích tịch tình tang".
Dường như âm thanh mộc mạc, chân quê nhưng sâu lắng đến vô cùng của cây đàn bầu, hòa quyện với tấm lòng của tác giả đã tạo nên những vần điệu chất chứa trong bài hát ru ấy. Điều gì đã khiến cho cây đàn bầu có sức quyến rũ độc đáo đến như vậy?
Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự xuất hiện của cây đàn bầu trong kho tàng văn hóa dân gian. Chỉ từ trò chơi trống đất của trẻ em đồng bằng Bắc bộ là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã cho ra đời nhạc cụ mang tên đàn Bầu, được làm từ ống tre và quả bầu khô. Từ thời nhà Lý, đàn Bầu đã xuất hiện, nhưng thời ấy nhạc cụ này chỉ được dùng để đệm cho những người hát xẩm. Thời gian qua đi cây đàn dần được cải tiến, đàn được làm từ những chất liệu tốt hơn như gỗ, sừng. Ông Đỗ Văn Thước, một nghệ nhân làm đàn Bầu nói "cuộc sống và mọi sinh hoạt của nông dân Việt Nam đều bắt nguồn từ cây tre: ống nước, ống cơm, rổ rá, đòn gánh, Bởi vậy, để bảo vệ bụi tre họ lấy dây rừng buộc quanh gốc tre, thấy âm thanh phát ra từ đó như những cuộc giao lưu tình cảm khiến người nông dân xưa nghĩ đến việc hạ tre thành cọc căng dây tơ cho âm thanh hay hơn, rồi sử dụng vỏ quả bầu dài làm hộp cộng hưởng". Song có lẽ tất cả cũng chỉ là những giả thuyết. Còn thực tế thì cây đàn bầu đã gắn bó với làng quê con người Việt Nam từ bao đời nay còn chưa ai biết.
Cái độc đáo ở đây là cây đàn có cấu trúc rất đơn giản. Chỉ với một dây nhưng nó diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm. Âm thanh cũng mang sức quyến rũ lạ kỳ, gần với âm điệu tiếng nói của người Việt, bởi vậy mà đàn Bầu trở thành nhạc cụ được mọi người ưa thích.
Để có được cây đàn như ý, người làm đàn phải rất công phu trong việc chọn lựa chất liệu. Cây đàn phải hội đủ hai yếu tố "Mặt ngô thành trắc", có nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ cây ngô đồng sao cho vừa xốp vừa nhẹ, thớ gỗ óng ả, thẳng thì mới có độ vang. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ, vừa đẹp lại vừa bền. Cần rung, còn gọi là vòi đàn được làm từ sừng trâu. Bầu đàn được lấy từ quả bầu khô hoặc tiện bằng gỗ.
Cũng có nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề cấu tạo cây đàn. Người thì cho rằng nên kéo dài đàn ra để có được tiếng trầm hơn hoặc đổi đàn bầu thành hai dây (một cao, một thấp), hai cần và mở to thùng đàn ra, nhưng cuối cùng tất cả đều không phù hợp. Việc dùng vòi đàn để căng dây lên hoặc hạ chùng dây xuống đã tạo ra nhiều âm thanh và cao độ khác nhau. Cần đàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc độ âm thanh khác nhau và làm cho tiếng đàn tròn, mượt. Mặt đàn với thới gỗ óng ả, khi kết hợp với hộp cộng hưởng sẽ tạo nên những âm thanh vang, trong. Đàn còn được trang trí nhiều hoa văn hoặc khảm trai với các hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt phong phú của người dân Việt Nam. Ngày nay người ta thường có xu hướng thay thế đàn gỗ bằng đàn điện, kéo dài và làm mỏng thân đàn để tạo âm trường và tiếng vang hơn.
Đàn Bầu thể hiện một cách thành công những làn điệu dân ca khác nhau của từng vùng, từng miền của dân tộc. Nó còn có thể diễn tấu rất hay những giai điệu của nước ngoài, từ nhạc dân gian đến nhạc nhẹ.
Phải chăng vì sự độc đáo có một không hai của cây đàn Bầu mà mỗi khi nhắc đến Việt Nam, nhiều khách nước ngoài đã coi cây đàn bầu như một biểu tượng của Việt Nam "Đất nước đàn Bầu". "Quê hương đàn Bầu". Nhà thơ nữ người Pháp MeRay đã thốt lên: "Cây đàn Bầu thật giống với con người Việt Nam. Nghèo của cải mà giàu lòng nhân ái, giản dị mà thanh tao, đơn sơ mà phong phú".
Đàn Tam
Đàn Tam là nhạc cụ dây gẩy của dân tộc Việt. Đàn được mắc ba dây nên gọi là Đàn Tam (tam là ba).
Hộp đàn là khuôn gỗ dầy hình chữ nhật (4 cạnh tròn), kích thước 14 x 17 cm.
Thành đàn cao khoảng 5 cm bằng gỗ cứng. Đáy bịt gỗ, có lỗ thoát âm. Mặt đàn làm bằng da trǎn, da kỳ đà, trên mặt có gắn một cái thú để mắc dây. Cần đàn dài 0,65 m không có phím, trên mặt cần có một miếng gỗ để luồn dây, ba dây được mắc vào cuối bầu đàn chạy qua ngựa và miếng gỗ, miếng gỗ này có tác dụng di chuyển làm cho âm thanh cả 3 dây hạ xuống hay cao lên khi cần thiết. Đầu đàn hình thang cân có 3 trục gỗ để lên dây. Dây đàn bằng tơ xe, nay bằng dây nilon được lên cách nhau một quãng 4 đúng và 5 đúng Sol - Do -Sol1 hoặc Sol - Re - Sol1 Đàn Tam được dùng phổ biến trong dàn nhạc chèo, phường bát âm, ban nhã nhạc. Ngày nay Đàn Tam đã được đưa vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Đàn Tỳ Bà
Tỳ Bà tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người Việt. Nhiều tài liệu đã cho biết, Tỳ Bà xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa, rồi ở Nhật Bản với tên gọi BiWa.
Người ta chế tác Tỳ Bà bằng gỗ Ngô Đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.
Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 - 100cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, ngày nay, người ta thay dây tơ bằng dây nilon. Đàn có 4 dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đồ - Fa - Sol - Đô1 hoặc Sol -Đô1 - Rê1 - Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa.
Ở Việt Nam, đàn Tỳ Bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc, Thi nhạc của cung đình, Thiền nhạc của phật giáo, ban Nhạc tài tử, Phường bát âm, Dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Mặc dù đàn Tỳ Bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc.
Đàn Tính
Là nhạc cụ của các dân tộc Tày, Nùng, Thái cư trú tại các tỉnh vùng núi phía bắc Việt Nam. Người Tày, Nùng gọi là Tính Then, người Thái gọi là Tính Tẩu (Tính là đàn, Tẩu gọi là quả bầu).
Đàn Tính thuộc họ dây, chi gẩy. Đàn gồm các bộ phận: Cần đàn, bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn và dây đàn. Cần đàn làm bằng gỗ nhẹ mềm, thớ quánh, thường là gỗ thừng mực hoặc gỗ dâu. Người ta đo chiều dài cần đàn khi chế tác là 9 nắm tay người chơi đàn (tương ứng với chiều dài 75 -90 cm). Kinh nghiệm dân gian cho thấy số đo này hợp với cỡ giọng người chơi đàn.
Thủ đàn cong hình lưỡi liềm hay hình con chim, gắn hai hoặc ba trục lên dây. Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm già, tròn và dày đều. Mặt đàn bằng mo bương hoặc gỗ quế bào mỏng chừng 3mm. Dây đàn se bằng tơ tằm vuốt sáp ong hay nhựa khoai lang (nay người ta làm bằng dây cước). Ngựa đàn là một mảnh tre hoặc miếng gỗ cắt nhỏ, hình thang. Phía dưới ngựa đàn khoét hình vòng tròn hoặc hình chữ M, đặt chính giữa áp sát vào mặt đàn.
Đàn Tính có 2 loại, loại mắc 2 dây và loại mắc 3 dây. Loại 2 dây, lên dây cách nhau quãng 4, 5. Loại 3 dây cũng lên dây như vậy nhưng có một dây cách dây cao 1 quãng 8.
Âm vực đàn Tính rộng hơn hai quãng 8, khoảng âm quãng 8 thứ nhất từ Đô1 đến Đô2, tiếng đàn vang thanh thoát giàu tình cảm, đây là khoảng âm được sử dụng nhiều thường đánh giai điệu. Khoảng âm quãng 8 thứ 2 từ Dô2 -Dô3, tiếng đàn hơi mờ, cộc ít khi sử dụng. Tính Tẩu có khả nǎng diễn tấu nǎng động, linh hoạt. Các ngón kỹ thuật thường tập trung ở tay trái : Trượt, vuốt, luyến, láy, rung và đặc biệt kỹ thuật búng, gẩy tại chính nốt bấm cho hiệu quả âm thanh mềm mại.
Đàn Tính được dùng đệm hát trong các nghi lễ Then của người Thái, Tày, Nùng. Các ông bà Then vừa hát vừa tự đệm cho mình. Riêng Tính Tẩu còn được dùng đánh đệm cho hát giao duyên và cho múa xòe Thái. Trong hai trường hợp này thì Tính Tẩu chỉ dùng cho nam giới còn trong Then của Tày chỉ dành cho nữ giới.
Klông Pút
Một trong số không nhiều nhạc khí dành cho nữ giới. Tên gọi tiếng Xơ Đăng này đã trở nên phổ thông để chỉ loại nhạc khí hơi của một số tộc trên Tây Nguyên như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Hrê...
Klông pút là một dàn gồm 2 - 3 cho tới 5 - 12 ống nứa, lồ ô hoặc tre cỡ tương đối lớn. Đường kính các ống khoảng từ 5 đến 8cm, chiều dài từ 60 đến 120cm, có khi từ 20 đến 200cm. Có loại Klông pút kín một đầu và có loại rỗng hai đầu. Khi diễn tấu các ống được đặt nằm ngang vừa tầm tay người vỗ trong tư thế đứng lom khom hoặc quỳ. Dùng hai bàn tay khum vỗ vào nhau trước miệng ống, các cô gái tạo nên luồng hơi lùa vào ống làm vang lên âm thanh.
Klông pút được coi là nhạc cụ gắn với sản xuất nông nghiệp và là nơi trú ngụ của Mẹ Lúa. Vì vậy Klông pút là nhạc cụ của giới nữ và chỉ được chơi trên rẫy vào mùa tra lúa và trong buôn làng vào ngày lễ đóng cửa kho lúa hoặc vào dịp tết của tộc và lễ hội ăn lúa mới với số lượng bài hạn chế. Ngày nay Klông pút đã được đưa lên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp để diễn tấu nhiều loại bài bản khác nhau.
Trống Xẩm
Trống Xẩm hay còn gọi là trống mảnh, là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ của dân tộc Việt.
Tang trống làm bằng gỗ cứng cao 4 - 5cm, trống chỉ có một mặt đường kính 15 - 20cm. Dùi đánh Trống Xẩm làm bằng tre dài 20cm.
Khi biểu diễn nhạc công thường để trống lên đùi, một tay cầm dùi gõ vào mặt trống. Âm thanh Trống Xẩm đục, không vang. Trống Xẩm thường hòa tấu cùng đàn bầu, đàn hồ, mõ tre, và cặp kè trong dàn nhạc đệm cho hát xẩm.
Trống Đồng
Là nhạc khí tự thân vang, chi gõ của dân tộc Việt. Trống Đồng được đúc bằng đồng cả vành và tang trống. Trống Đồng có 4 loại chính:
Loại 1: là loại Trống Đồng lớn, cổ xưa nhất. Ngôi sao ở giữa mặt trống thường có 12 cánh. Một số trống có tượng cóc ở mép mặt trống. Thân trống phần trên phình ra, phần giữa thắt lại và phần dưới choãi ra, có 4 quai.
Loại 2: Có cả loại lớn và vừa. Ngôi sao ở giữa mặt trống thường có 8 cánh. Mặt trống chờm ra khỏi tang. Rìa mặt trống có từ 4 - 8 tượng cóc, có 2 quai, trang trí hoa văn hình hoa lá đối xứng hoặc hình học.
Loại 3: Thường là loại vừa và nhỏ. Ngôi sao có 12 cánh hoặc 8 cánh, có 4 tượng cóc ở mép trống, thân trống phần trên và dưới hình viên trụ, phần giữa thon lại, quai nhỏ.
Loại 4: Đường kính mặt trống thường có kích thước trung bình 50cm, cao 45 - 50cm. Mặt trống phủ vừa sát đến thành thân trống, ngôi sao ở giữa mặt trống 12 cánh. Thân trống chia ra 2 phần: Phần trên phình ra đỡ lấy mặt trống, phần dưới hình viên trụ tròn có 4 quai. Hoa văn trang trí hình động vật: Rồng, Khỉ, không có tượng cóc trên rìa mặt trống. Trống được đúc bằng hợp kim đồng, nhưng tiếng không trong, không vang xa như trống đồng loại 1.
Trống Đồng được gõ bằng dùi có mấu hoặc bọc vải da. Người đánh trống tay phải cầm dùi đánh vào mặt trống, tay trái cầm một thanh tre gõ vào tang trống tạo ra rất nhiều âm sắc khác nhau:
- Khi đánh vào núm giữa (được đúc dầy hơn), âm thanh nghe có cảm giác trầm hơn so với các vị trí khác.
- Đánh vào vành hoa văn cho cảm giác trong, vang.
- Khi đánh vào các con cóc, âm thanh phát ra sắc, gọn, ngắn.
Âm thanh Trống Đồng vang, khỏe, hùng tráng. Trống Đồng được sử dụng trong Đường thượng chi nhạc (Thời hậu Lê), trong dàn Nhã nhạc thế kỷ 15, 16 và trong dàn nhạc lễ thể kỷ 18. Hiện nay chỉ còn thấy trong đời sống văn hóa các dân tộc Khơ Mú, Lô Lô và dân tộc Mường thường sử dụng Trống Đồng với tư cách là một nhạc cụ trong tang lễ. Trống Đồng là một hiện vật văn hóa tiêu biểu mà cha ông ta đã để lại. Là một nhạc khí quan trọng trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.
Trống Chiến
Là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ của dân tộc Việt.
Tang trống làm bằng gỗ mít cao khoảng 34cm. Mặt trống có đường kính 32cm, bưng bằng da trâu, Dùi trống làm bằng gỗ gǎng. Khi đánh người ta đặt trống lên giá đỡ, gõ vào mặt trống sao cho một mặt có tiếng trầm, một mặt có tiếng bổng (tùng và tang) được gọi là mặt âm và mặt dương. Âm thanh Trống Chiến rộn ràng, khỏe, vang xa.
Là nhạc cụ hòa tấu tham gia trong dàn nhạc lễ, đặc biệt, Trống Chiến là trụ cột trong dàn nhạc sân khấu tuồng, dùng đánh chấm câu, mở câu, thôi thúc nhịp điệu, tạo nên tiết tấu múa hát tuồng.
Trống Đất
Ngoài đền thờ 18 vị Vua Hùng có công tạo dựng đất nước, tỉnh Phú Thọ - một địa danh được gọi với cái tên đất Tổ - là nơi gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, vật thể và phi vật thể, trong đó, Trống Đất - một trong những nhạc cụ cổ nhất của dân tộc Việt Nam.
Theo các nhà khoa học thì đây là một loại nhạc cụ có từ rất sớm, là thủy tổ của những loại trống đang có. Theo truyền thuyết một trong các Vua Hùng sau khi thắng giặc, trên đường về đã cho quân sĩ hạ trại tại xã Tân Lập để khao quân, ăn mừng chiến thắng. Trong quá trình đào đất, chôn cọc dựng trại, Đức Vua nằm nghỉ áp tai xuống mặt đất nghe được âm thanh của tiếng đào đất chôn cọc "thình thình" dội lại thật lạ tai nên nhà vua đã nghĩ tới việc làm Trống Đất. Từ đó Trống Đất đã trở thành nhạc cụ cho ngày hội ăn mừng khao quân thắng trận.
Nghệ nhân Đinh Văn Nhật, 58 tuổi, sống tại xóm Nưa Thượng, xã Tân Lập, là người đã từng làm và chơi Trống Đất từ thuở nhỏ. Ông được các thế hệ đi trước truyền dạy hết sức cẩn thận về cách làm và cách diễn tấu.
Theo nghệ nhân Nhật, trước khi làm ra chiếc "Trống Đất", người làm nó phải làm lễ tế trời đất. Công việc tiếp đến là đào một hố tròn có đường kính 18cm-20cm, sâu khoảng 30-35cm hình chum trên một mặt đất phẳng. Dùng 2 chiếc bẹ bương khô xếp tráo đầu đuôi đậy lên miệng hố làm mặt trống. Sau đó, lấy một chiếc lạt tre chốt một đầu và sâu qua chính giữa 2 chiếc bẹ đó. Mặt trống được ghim xuống đất bằng 4 que tre sau đó được ép phẳng kín với mặt đất bằng 4 chiếc nẹp nứa. Công việc tiếp sau đó là đóng 2 chiếc que được làm bằng nhánh cây bương, cách tâm của mặt trống chừng 1m về hai phía. Lấy sợi dây sắn rừng có đường kính chừng 5-7mm buộc căng vào hai đầu của 2 chiếc que vừa đóng rồi kéo sợi dây từ mặt trống buộc căng chặt lên sợi dây sắn rừng. Tất cả những thao tác trên được làm trong khoảng 10 phút. Trống Đất đã được chế tạo xong.
Âm thanh của "Trống Đất" phụ thuộc vào độ kín của mặt trống, độ căng của sợi dây cũng như đường kính, độ dài của sợi dây và chiều rộng, chiều sâu của hố đất. Độ mịn, quánh, dẻo của đất cũng có tác động lên âm thanh của trống. Hai chiếc que buộc với sợi sắn rừng có chức năng của một cần âm thanh. Người diễn tấu trống dùng 2 đũa tre gõ lên sợi dây lạt truyền qua mặt trống xuống đất. Những âm thanh trầm bổng được vang lên có lúc âm rền như công-tơ-bát. Nếu người diễn tấu dùng một tay vít vào cần âm thanh thì tiếng trống có độ ngân dài như tiếng đàn bầu, nếu chặn ngón tay vào dây, tiếng trống sẽ khô và đanh hơn. Ngoài ra, người chơi trống có thể tạo ra các âm thanh như tiếng vó ngựa dồn dập bay về báo tin thắng trận, có lúc như tiếng quân reo náo động.
Theo lời các nghệ nhân địa phương, trước đây, trong những ngày lễ hội "Trống Đất" được kết hợp với các loại nhạc cụ dân tộc khác để đệm cho hát giang, hát ví của dân tộc Mường. Hiện nay, vị trí của "trống đất", một nhạc cụ dân dã, tại các buổi lễ hội có phần lu mờ trước sự lấn át của các loại nhạc cụ khác, hiện đại hơn.
Mơ ước của nghệ nhân Đinh Văn Nhật cũng như đồng bào dân tộc Mường xã Tân Lập muốn đưa "Trống đất" sánh cùng các nhạc cụ dân tộc khác để phục vụ đông đảo khách thập phương hành hương về giỗ Tổ ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại đền Hùng, nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Trống Cơm
Trống Cơm - nhạc cụ họ màng rung, chi vỗ của dân tộc Việt. Được gọi là "Trống Cơm" vì trước khi sử dụng, nhạc công dùng cơm nóng nghiền nhuyễn gắn vào mặt trống để điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh.
Thân Trống Cơm có hình ống, hai đầu hơi múp, được làm từ một khúc gỗ khoét rỗng dài khoảng 56 - 60 cm. Đường kính hai mặt khoảng 15 - 17cm, bịt bằng da trâu hoặc da bò, mặt trầm gọi là "mặt thổ", mặt cao là "mặt kim". Một hệ thống dây chằng bằng da hoặc mây gọi là dây xạ có tác dụng làm cǎng, trùng hai mặt trống. Là nhạc cụ hòa tấu, được dùng trong nghi lễ phong tục và dàn nhạc chèo, âm thanh trống cơm trầm, vang, hơi đục.
Trống Paranưng
Trống Paranưng là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ vỗ của tộc người Chǎm Ninh Thuận, Bình Thuận.
Trống chỉ có một mặt, đường kính khoảng 45 - 50cm, bịt bằng da hoẵng hoặc da dê. Tang trống liền làm từ gỗ lim hoặc gỗ cà chỉ cao khoảng 9cm. Mặt trống được cǎng bằng hai đai tròn làm từ một đoạn mây song và một hệ thống dây chằng đan chéo nhau để cǎng mặt trống. Từ giữa tang đến vành phía dưới là những con nêm để cǎng trống khi bị trùng.
Người đánh trống Paranưng được gọi là "ông thầy vỗ", vì khi diễn tấu, trống được đặt ở trước bụng, rồi sử dụng các ngón của hai bàn tay vỗ (chứ không dùng dùi) vào những vị trí khác nhau trên mặt trống tạo các âm có mầu sắc: Tìn ; Tin; Tắc.
- Tìn: Dùng các đầu ngón tay phải khép lại, vỗ vào mặt trống cách vành khoảng 12cm, rút tay lên ngay tạo âm vang rền.
- Tin (hoặc tâm): Dùng các đầu ngón tay phải mở ra vỗ vào mặt trống cách vành 5-6cm, rút tay lên ngay tạo âm cao hơn Tìn.
- Tắc: Dùng các đầu ngón tay trái khép lại vỗ vào mặt trống cách vành 5 - 6cm, nhưng ấn giữ nguyên tạo âm ngắt và đục.
Paranưng có chức nǎng vỗ nhịp đệm cho hát, hòa cùng nó thường là kèn Xaranai và trống Ghì Nằng. Người sử dụng Paranưng là ông Mư tuồn chủ lễ, có lẽ vì thế trống Paranưng trở thành một nhạc cụ quan trọng trong lễ hội của dân tộc Chǎm.
Trống Đế
Trống Đế là nhạc khí gõ, họ màng rung của dân tộc Việt. Đúng như tên gọi, Trống Đế làm nhiệm vụ đế, có nghĩa là lót, là chỗ dựa, làm điểm xuyết cho diễn viên khi biểu diễn và ca hát.
Trống Đế có hai mặt hình tròn, đường kính khoảng 15cm, bưng bằng da nách của con trâu. Những nghệ nhân làm trống cho rằng da nách mỏng, dai và bền, đủ sức chịu đựng độ cǎng mặt trống. Tang trống cao khoảng 18cm, khoét từ một khúc gỗ mít (gọi là tang liền). Dùi trống làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 25cm, một đầu to, một đầu nhỏ.
Âm thanh Trống Đế nghe vui, cao, lảnh lót, hơi đanh nhưng gọn tiếng. Người ta đánh vào nhiều vị trí khác nhau trên trống đã tạo ra được nhiều âm thanh khác nhau:
- Đánh vào giữa mặt trống, tiếng trống nghe vang, ròn.
- Đánh vào mặt trống nhưng giữ nguyên dùi, âm thanh sẽ khô, xỉn.
- Đánh vào cạnh mặt trống nghe như tiếng phách.
Nhờ kết hợp tài tình các lối đánh ở mặt và tang trống, gây ra sự đối lập nhưng lại hài hòa về màu sắc, âm thanh.
Kỹ thuật diễn tấu:
- Ngón vê: Hai tay thay đổi nhau gõ thật nhanh và liên tục hai bên tang trống và trên mặt trống.
- Ngón nóc: Hai tay thay đổi gõ nhanh vào tang trống, nhưng thường là nǎm tiếng một, tiếng sau cùng có độ ngân bằng bốn tiếng đầu.
Trống Đế có ở Việt Nam từ lâu đời. Trống được coi là nhạc khí gõ cao âm quan trọng, không thể thiếu trong sân khấu chèo truyền thống. Ngoài ra, trống cũng được dùng trong một vài thể loại ca nhạc dân tộc khác như: ca trù, chầu vǎn... Nhưng không phổ biến.
Trống Cái
Trống Cái là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ có kích thước lớn của dân tộc Việt.
Tang trống bằng gỗ hình viên trụ cao từ 50 - 70cm. Hai mặt trống bưng bằng da trâu hoặc da bò có đường kính từ 40 - 60cm. Trống được đánh bằng dùi gỗ, âm thanh trống cái trầm, cường đội âm thanh lớn, vang xa. Là nhạc cụ hòa tấu dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng, trong biểu diễn nghệ thuật và thông tin trong cộng đồng.
Trống Bồng
Là nhạc khí màng rung, chi vỗ của dân tộc Việt.
Tang trống làm bằng gỗ cao 44cm, thắt eo ở giữa. Trống chỉ có một mặt được bịt bằng da trǎn, đường kính 21cm. Ở xung quanh tang trống có một hệ thống dây chằng bằng mây, có tác dụng làm cǎng, trùng mặt trống. Khi diễn tấu, nhạc công dùng hai tay vỗ vào mặt trống phát ra hai âm thanh, một cao, một trầm. Âm thanh Trống Bồng đục, ít vang.
Trống Bồng thường dùng trong dàn Đại nhạc, trong sân khấu tuồng, chèo, hoặc trong đám rước, lễ hội. Người đánh Trống Bồng thường có kết hợp múa.
Sáo Trúc
Sáo Trúc là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi hơi vòm của dân tộc Việt. Đặc biệt rất được phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam.
Sáo được làm bằng một đoạn ống trúc, hoặc nứa có chiều dài 40 - 55cm, đường kính 1,5 - 2cm. Ở phía đầu ống có một lỗ hình bầu dục đó là lỗ thổi. Trong lòng ngay gần lỗ thổi được chặn bằng một mẩu nút bấc hoặc gỗ mềm để điều chỉnh độ cao thấp khi cần thết. Thẳng hàng với lỗ thổi có khoét 6 lỗ bấm, lỗ bấm thứ nhất cách lỗ thổi 12cm, các lỗ bấm còn lại cách đều nhau (1cm). Mở dần các ngón ở 6 lỗ bấm ta sẽ có các âm Do1, Rê1, Mi1, Fa1, Sol1, La1, Si1, Do2. Phía sau cuối ống sáo có một lỗ không bấm là lỗ định âm.
Khi thổi sáo, thân sáo đặt ngang sang bên phải, miệng đặt lên lỗ thổi. Người thổi sáo có thể điều chỉnh luồng hơi (rót hơi yếu đường hơi đi từ từ và yếu, rót hơi mạnh đường hơi đi nhanh và mạnh). Sáo thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu trong các dàn nhạc chèo, hát văn, tiểu nhạc.
Khoảng cuối thập kỷ 70, nghệ sĩ Đinh Thìn và Ngô Nam đã cải tiến cây sáo 6 lỗ thành sáo 10 lỗ để mở rộng âm vực, cho các nghệ sỹ chơi những tác phẩm tương đối dễ dàng hơn như "Tiếng gọi mùa xuân" của Đinh Thìn, "Tình quê" của Hoàng Đạm, "Tiếng sáo bản Mèo" của Ngọc Phan...
Sáo Diều
Là nhạc cụ họ hơi, chi hơi lùa của dân tộc Việt.
Thân sáo được làm bằng một đoạn tre hoặc bương dài 30 - 55cm, đường kính 5 - 11cm. Ở giữa thân sáo người ta khoét 4 lỗ hình chữ nhật để buộc vào thân diều, hai đầu đều có một lỗ thổi hình chữ nhật để đón gió lùa vào. Gió càng mạnh thì diều càng lên cao, tiếng sáo càng vang xa.
Sáo diều thường ngân vang trên xóm làng quê hương trên cánh đồng bát ngát vào những chiều hè gió mát, những đêm trăng sáng, hoặc dùng trong sinh hoạt vui chơi giải trí.
Sáo Mông
"Sáo" là danh từ tiếng Việt để chỉ loại nhạc cụ hơi một ống bằng tre hoặc trúc, có 6 lỗ bấm và thổi ngang. Tuy vậy, "sáo" cũng thường được dùng để chỉ nhiều loại nhạc khí hơi khác của các tộc ít người mà cấu trúc hết sức đa dạng: gồm 1 hoặc 2 ống không gắn cũng như có gắn lưỡi gà, không lỗ bấm cũng như có 1-2 cho tới 6-7 lỗ bấm, thổi dọc cũng như thổi ngang. Tên gọi "Sáo Mông" (hoặc "sáo Mèo") vì vậy mà xuất hiện.
Sáo Mông là dạng sáo đơn, có gắn lưỡi gà, tiếng dân tộc gọi là trà pùn tử. Âm thanh của Sáo Mông có màu sắc độc đáo. Có những tiếng thô đục và rè bên cạnh những tiếng trong trẻo êm ái như tiếng người thủ thỉ, thấm sâu vào lòng người. Bởi vậy từ khi được giới thiệu trên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp nó lập tức chiếm được trái tim thính giả khắp nơi và không ngừng được cải tiến để mở rộng khả năng diễn tấu và biểu hiện.
Trong dân gian Sáo Mông là nhạc cụ của các chàng trai. Họ thường mang theo người như một người bạn đường, bạn trong lao động và là người hỗ trợ đắc lực trong việc chinh phục trái tim các cô gái. Tiếng sáo say đắm gọi người yêu và thổ lộ tâm tình cùng nàng trong những đêm trăng sáng trên các triền núi cao...
Nguồn: www.vietnam-tourism.com