Đáng lẽ vào thời điểm này, các khách sạn tại TPHCM đang rất bận rộn cho mùa đông khách quốc tế cuối năm nhưng khách sạn không có mấy khách để tiếp đón. Công suất phòng nhiều nơi thậm chí chưa đạt được 2 con số. Giá phòng cũng đang ở mức thấp nhất từ nhiều năm qua.
Theo ghi nhận của TBKTSG Online, giá phòng của phân khúc 3-5 sao đã giảm ít nhất 30% so với hồi trước dịch. Tuy nhiên, với mảng khách sạn thực hiện dịch vụ cách ly y tế, khách hàng lại than phiền là giá quá cao.
Khách sạn Alagon City, một trong những khách sạn được UBND TPHCM cho phép tổ chức cách ly y tế có thu phí, phường Bến Thành, Quận 1. Ảnh: Đào Loan
Khách sạn "đua" hạ giá phòng
Trên các trang web bán phòng trực tuyến, giá phòng của các khách sạn 3-5 sao tại TPHCM thấp đến không ngờ. Giá phòng 5 sao do doanh nghiệp trong nước quản lý hiện chỉ từ 1,5 triệu đồng, loại 4 sao chừng 1,2 triệu đồng, loại 3 sao ở nhiều nơi rao chỉ chừng hơn 600.000 đồng.
Trong đó, một khách sạn 5 sao tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đang chào giá 2 triệu đồng/đêm phòng kèm 1 bữa ăn sáng, thấp hơn 1 triệu đồng so với trước; một khách sạn 5 sao khác trên đường Đồng Khởi có giá 65 đô la Mỹ/đêm phòng (hơn 1,5 triệu đồng), giá cũ cỡ 2,9 triệu đồng.
Giá thuê ở những khách sạn xa trung tâm còn rẻ hơn. Với khách sạn do các tập đoàn quốc tế quản lý, giá chỉ nhỉnh hơn 100 đô la Mỹ/đêm phòng, thấp hơn rất nhiều so với trước đây nhưng số lượng khách thuê cũng rất ít.
Ước tính, giá phòng của phân khúc 3-5 sao đã giảm bình quân hơn 30%. Có những nơi chấp nhận giảm thấp hơn nữa để kéo khách. Chẳng hạn, nguồn tin từ một khách sạn 5 sao cho biết, không những nơi này mà nhiều chỗ đang chào giá cực thấp để kéo những đoàn khách lớn, những đoàn có thể đem lại từ 30 đêm phòng trở lên cho khách sạn.
"Chúng tôi có thể lấy chỉ 1 triệu đồng/đêm phòng, thấp hơn 2/3 so với giá trước đây", trưởng phòng kinh doanh (không muốn nêu tên) của một khách sạn nói và cho biết dù có nhiều khách thuê phòng hơn những nơi khác nhưng công suất phòng của khách sạn này hiện chưa đến 20%.
Theo ông, chỉ đến khi công suất phòng ở mức 40% thì chủ đầu tư mới có thể "thở phào" vì có thể cân bằng được chi phí vận hành. Tuy nhiên, cũng như phần lớn cơ sở lưu trú tại TPHCM, nguồn khách khách sạn này chủ yếu dựa vào thị trường quốc tế cho nên sẽ công suất này khó có thể đạt được trong những tháng tới.
Báo cáo về tình hình kinh doanh quí 3 của phân khúc 3-5 sao của Công ty Savills Việt Nam cho biết, công suất phòng bình quân của khối khách sạn này chỉ đạt 12%, giảm 49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê phòng bình quân là 53 đô la Mỹ/đêm phòng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Giá phòng cách ly tiếp tục bị chê cao
Hiện tại, TPHCM có gần 2.000 phòng, gồm loại từ nhà nghỉ đến tiêu chuẩn 5 sao được UBND thành phố cho phép thực hiện cách ly y tế có thu phí. Theo biểu giá công bố của những nơi này, giá phòng từ hơn 1 triệu đồng cho đến hơn 6 triệu đồng/người/đêm phòng, tùy loại. Số ngày cách ly y tế thường là 14 ngày, có khi dài hơn 1-2 ngày tùy thời điểm máy bay hạ cánh và thời gian nhận kết quả xét nghiệm trước khi hoàn tất cách ly.
Trong đó, một nhà nghỉ ở Cần Giờ công bố gói cách ly 14 ngày, gồm tiền phòng, tiền ăn 3 bữa/ngày và phí vận chuyển từ sân bay về nhà nghỉ là 23,6 triệu đồng. Một khách sạn 4 sao ở Tân Bình chào giá phòng cách ly cho 2 người/phòng bình thường là 2,2 triệu đồng...
Nhiều người cho rằng, mức giá này là cao, đặc biệt là trong bối cảnh các khách sạn đang "đói khách" và nhiều nơi đang cho thuê phòng với giá rất thấp như hiện tại. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, những điểm cách ly đang "hét giá" vì khách hàng không có nhiều chọn lựa.
Nhận định về tình hình kinh doanh của các khách sạn thực hiện dịch vụ cách ly y tế, Savills Việt Nam cho rằng, giá phòng tại các khách sạn thực hiện dịch vụ y tế (bao gồm ba bữa ăn và các dịch vụ kiểm tra y tế) cao hơn từ 15-80% so với giá trung bình. Công suất phòng của các khách sạn này lên đến 80%. Công ty này không đưa ra nhận định về việc mức giá này có hợp lý hay không.
Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM và một số khách sạn thực hiện dịch vụ này cho rằng, khó có thể giảm giá vì chi phí vận hành gồm chi phí cho vệ sinh an toàn dịch bệnh, trang thiết bị, nhân công... là rất lớn.
Trong khi đó, chỉ vài nơi gần sân bay mới có thể đạt công suất phòng mức 80% hoặc kín phòng trong một vài thời điểm, còn lại thường chỉ ở dưới 50% cho nên nếu giảm giá nữa thì sẽ lỗ.
Hiện tại, do các khách sạn không công bố chi phí cụ thể cho các dịch vụ phải chi thêm trong mùa dịch chưa thể đánh giá là có tình trạng "hét giá" tại các khách sạn cách ly. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nên tăng thêm nguồn cung, đặc biệt là tăng số lượng khách sạn có tiêu chuẩn vừa phải để có các gói cách ly giá mềm hơn.
Điều này là có thể thực hiện vì hiện tại, rất nhiều khách sạn muốn làm nơi thực hiện dịch vụ này và đang chờ cơ quan chức năng khảo sát. Mới đây, Sở Du lịch thành phố cũng cho biết đang tính đến việc đưa thêm các khách sạn 1, 2 sao và nhà nghỉ vào làm nơi cách ly y tế.
Chính phủ tiếp tục yêu cầu mở rộng cách ly khách sạn Trong tuần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là TPHCM, Hà Nội và Cần Thơ mở rộng khu cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh, bao gồm người nước ngoài và người Việt Nam về nước trên các chuyến bay thương mại. Các thành phố thông báo cho Bộ Y tế để phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Giao thông vận tải điều phối việc cách ly người nhập cảnh, vừa đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả và tạo điều kiện cho hoạt động khách sạn, cơ sở lưu trú. Kinh phí cách ly do người cách ly tự chi trả. Hồi tháng 7 rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ Y tế, Quốc phòng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức mở rộng cách ly tập trung, thêm ít nhất 10.000 chỗ. |