Làng cổ Túy Loan (Đà Nẵng) vào hội với nghi lễ rước sắc phong vua ban đi qua những con đường quanh co để cầu mưa thuận, gió hòa, nhắc nhở con cháu sống xứng đáng với truyền thống của làng.
Hội làng Túy Loan, Đà Nẵng được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng giêng âm lịch để cầu cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Ngôi làng cách trung tâm TP Đà Nẵng tầm 15 km, lưu giữ những nét đẹp văn hóa kiến trúc làng xã cũng như đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Nằm bên dòng sông Túy Loan, cách tuyến Quốc lộ 14B qua địa phận xã Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng) chừng chưa đầy 1 km, làng Túy Loan được xem là một trong số ít những ngôi làng còn lưa lại những dấu tích cổ xưa tại Việt Nam. Các vị bô lão đến dịp lễ hội lại tề tựu bên nhau.
Được hình thành và xây dựng từ những thập niên 80 của thế kỷ XV dưới thời nhà Lê, người làng còn giữ được 20 sắc phong thần, sắc xa nhất đời Minh Mạng (1826), sắc gần nhất đời vua Khải Định (1924). Các sắc phong này được bảo quản kỹ lưỡng, chỉ được mở trong những dịp lễ quan trọng của làng.
Theo các bậc cao niên, nười xa xưa khi di cư xuống phía Nam đã dừng chân tại vùng đất này xây dựng làng mạc, đặt tên làng là Thúy Loan. Về sau, do phương ngữ truyền miệng qua các thế hệ làng được gọi là Túy Loan như ngày nay. Các lễ nghi được tổ chức ngay khi sắc phong được đặt lên bàn thờ.
Sắc phong sau đó được rước từ trong nhà thờ tộc Đặng ra ngoài....
...đặt lên kiệu hoa và được rước đi quanh làng. Làng Túy Loan là nơi tập hợp nhân dân tuyên truyền phong trào phản đế, là nơi đóng quân của nhiều binh đoàn, xây dựng lực lượng hậu phương vững chắc cho mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Dân làng Tây và Đông Túy Loan cùng nhau sắp sửa mâm cỗ, cờ hoa làm lễ và rước sắc phong từ nhà thờ tộc Đặng về đình làng Túy Loan, nơi có nhà thờ Ngũ tộc, thờ phụng các vị cha ông đã có công khai thiên lập địa cho vùng đất này. Rước sắc có một bàn do 4 người khiêng, chung quanh phủ vải đỏ vàng, có lọng che, đi theo có 9 lá cờ, 1 lá vuông và 8 lá chéo. Ban nhạc bát âm và chiêng trống đi kèm.
Đoàn rước Sắc phong đi vòng quanh các lối xóm từ hướng Đông sang Tây rồi về Đình làng, nơi diễn ra buổi lễ chính. Trống chiêng, cờ hoa rộn ràng, người bái chính là người được dân làng đề cử lần lượt mời các chi tộc, dòng họ sinh sống trong làng dâng mâm lễ, thắp hương cầu khấn.
Đoàn rước kết thúc khi về đến đình làng Túy Loan. Năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận đình Túy Loan là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nhằm ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch. Từ đó, người làng Túy Loan lấy ngày này làm ngày tổ chức lễ hội làng.
Sắc phong vua ban được kính cẩn đưa vào trong bàn thờ đình làng đặt cùng mâm cỗ, lễ vật do người dân và cơ quan chức năng cùng nhau đóng góp
Phần cuối là nghi lễ cáo tiền hiền, cầu mong một năm trời yên bể lặng, mùa màng bội thu. Ngoài phần lễ, ngày hội còn có chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian, thả hoa đăng cầu quốc thái dân an và ngày hội đua thuyền trên sông Loan vào sáng mùng 10.
Theo Nguyễn Đông - Thùy Trang