Về nguồn gốc tiếng Việt, có nhiều giả thuyết. Giả thuyết giầu sức thuyết phục hơn cả: tiếng Việt thuộc dòng Môn-Khơme của ngữ hệ Đông Nam Á, sau chuyển biến thành tiếng Việt - Mường (hay tiếng Việt cổ) rồi tách ra. Trong tiếng Việt hiện đại, có nhiều từ được chứng minh có gốc Môn-Khơme và tương ứng về ngữ âm, ngữ nghĩa khi so sánh với tiếng Mường.
Trải qua nghìn năm Bắc thuộc, và dưới các triều đại phong kiến, ngôn ngữ chính thống là chữ Hán, nhưng cũng là thời gian tiếng Việt tỏ rõ sức sống đấu tranh tự bảo tồn và phát triển. Chữ Hán được đọc theo cách của người Việt, gọi là cách đọc Hán - Việt. Và được Việt hóa bằng nhiều cách tạo ra nhiều từ Việt thông dụng. Tiếng Việt phát triển phong phú đi đến ra đời hệ thống chữ viết ghi lại tiếng Việt trên cơ sở văn tự Hán vào thế kỉ 13 là chữ Nôm.
Thời kỳ thuộc Pháp, chữ Hán dần bị loại bỏ, thay thế bằng tiếng Pháp dùng trong ngôn ngữ hành chính, giáo dục, ngoại giao. Nhưng nhờ chữ Quốc ngữ, có lợi thế đơn giản về hình thể kết cấu, cách viết, cách đọc, văn xuôi tiếng Việt hiện đại thực sự hình thành, tiếp nhận thuận lợi các ảnh hưởng tích cực của ngôn ngữ văn hóa phương Tây. Chữ quốc ngữ là sản phẩm của một số giáo sĩ phương Tây trong đó có Alexandre de Rhodes hợp tác với một số người Việt Nam dựa vào bộ chữ cái Latinh để ghi âm tiếng Việt dùng trong việc truyền giáo vào thế kỉ 17. Chữ quốc ngữ dần được hoàn thiện, phổ cập, trở thành công cụ văn hóa quan trọng. Cuối thế kỉ 19, đã có sách báo xuất bản bằng chữ quốc ngữ.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tiếng Việt và chữ quốc ngữ giành được địa vị độc tôn, phát triển dồi dào, là ngôn ngữ đa năng dùng trong mọi lĩnh vực, ở mọi cấp học, phản ánh mọi hiện thực cuộc sống. Ngày nay, nhờ cách mạng, một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng có chữ viết riêng.
Đặc điểm của tiếng Việt: đơn âm nhưng vốn từ cụ thể, phong phú, giầu âm sắc hình ảnh, lối diễn đạt cân xứng, nhịp nhàng, sống động, dễ chuyển đổi, thiên về biểu trưng, biểu cảm, rất thuận lợi cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1997 gồm 38410 mục từ.