Ông Phong, quản lý một công ty thực phẩm, vừa bỏ ý định mua căn hộ ở quận 2, TP.HCM, sau vụ cháy Carina cuối tuần qua.
Vụ cháy ở Carina Plaza đang ảnh hưởng mạnh tới tâm lý khách hàng mua chung chung cư. |
Vị khách hàng này cho biết, trước đó, vợ chồng ông được môi giới chào hàng nhiều chung cư cao cấp và từng có ý định chọn mua căn hộ 4 tỷ đồng nằm dọc trên đường Song Hành cao tốc Long Thành – Dầu Giây vì vị trí thuận tiện. Theo kế hoạch việc xuống tiền giữ chỗ diễn ra trong tuần này, nhưng sau đó, hay tin hỏa hoạn tại chung cư Carina quận 8, vợ ông đã nhất quyết thay đổi ý định.
Ông Phong giải thích: “Vợ tôi nói vị trí dự án đẹp, ảnh căn hộ 3D và tiện ích rất ưng ý nhưng không đủ sức khỏe để chạy khi xảy ra cháy nổ, nên quyết định không mua”. Cuối cùng, thay vì mua chung cư, gia đình ông Phong chuyển hẳn mục tiêu sang nhà phố dù giá đắt đỏ hơn.
Trường hợp hoang mang hoặc từ bỏ ý định mua căn hộ do bị ám ảnh sau vụ cháy chung cư Carina như vợ chồng ông Phong không phải là cá biệt. Ông Nam, là kỹ sư công nghệ thông tin của một doanh nghiệp có trụ sở tại khu Nam Sài Gòn, cũng vừa từ chối mua căn hộ dù trước đó đã thống nhất giá, mã căn, số tầng, hướng cửa và view phòng khách.
Căn hộ ông Nam được chào hàng thuộc phân khúc trung cao cấp tại quận 7, giá gần 3 tỷ đồng và chỉ chờ tham dự lễ mở bán ngày 25/3 để xuống tiền mua. “Tôi đã hoãn lại kế hoạch mua căn hộ vì các thành viên trong gia đình trở nên "ác cảm" với nhà chung cư sau khi vụ cháy Carina. Mọi lời giải thích rằng đó chỉ là tai nạn cá biệt dường như không thể trấn an tâm lý mọi người trong lúc này”, ông Nam chia sẻ.
Trong vòng 3 ngày qua, tức ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư trên đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM, khá nhiều công ty địa ốc đã bị khách hàng "dội bom" điện thoại vì lo lắng an toàn phòng cháy chữa cháy cho căn nhà tương lai của họ.
Giám đốc bán hàng một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 3, TP.HCM tiết lộ, chỉ 24 giờ đồng hồ sau vụ cháy, khách hàng mua căn hộ đã liên tục gọi điện để yêu cầu giải thích về an toàn phòng cháy chữa cháy, mua bảo hiểm công trình, bảo hiểm từng căn nhà… họ đặt cọc mua. Số cuộc gọi nhiều đến mức nhân viên phải làm việc quá tải.
Trong khi đó, Tổng giám đốc một công ty địa ốc có trụ sở tại phía Tây Sài Gòn tiết lộ, doanh nghiệp đang bán một dự án sắp bước vào giai đoạn bàn giao nhà và một ngày sau khi vụ cháy chung cư Carina xảy ra, khách hàng tới tấp gọi điện đến văn phòng công ty để chất vấn mọi thứ về an toàn cháy nổ. Để hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng này, doanh nghiệp thậm chí còn mời khách hàng đến dự án để được thuyết trình cụ thể về hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Trao đổi với PV, Phó tổng giám đốc điều hành Công ty Cát Tường, Lê Tiến Vũ cho biết, vụ cháy chung cư khiến 14 người chết vừa qua chắc chắn sẽ định vị lại thị trường căn hộ tại TP.HCM nói riêng và trên cả nước nói chung.
Theo ông Vũ, sẽ không có gì lạ nếu xuất hiện những trường hợp khách hàng chuẩn bị mua căn hộ đột ngột chùn tay, cân nhắc lại thậm chí hủy bỏ ý định mua nhà sau vụ cháy chung cư. Nếu người mua đột nhiên quan tâm đến việc phòng cháy chữa cháy và chất vấn liên tục cũng là điều có thể hiểu được. “Tác động domino gây cú sốc tâm lý này là bình thường và thị trường sẽ có sự điều chỉnh tích cực dần theo thời gian”, ông Vũ nói.
Chuyên gia này đánh giá, áp lực sẽ rất lớn đối với các dự án đang chào bán. Bởi lẽ, ảnh hưởng tâm lý có thể khiến cho người đang có ý định mua thay đổi mục tiêu, mức xấu nhất là tẩy chay sản phẩm chỉ vì tâm lý lo ngại lây lan.
Để bán được hàng trong giai đoạn nhạy cảm này, các chủ đầu tư cần phải có cam kết mạnh mẽ. Ví dụ như: trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy thật tốt, hiện đại cho dự án. Bên cạnh cam kết này, doanh nghiệp có thể mở hẳn nhiều chương trình đối thoại về thiết kế tòa nhà, cách thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn để người mua có hình dung cụ thể về cách ứng phó tai nạn trong căn hộ tương lai, từ đó giúp họ yên tâm hơn khi mua chung cư.
Đối với nhóm các dự án đã bàn giao và đưa vào hoạt động, chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà cần nhanh chóng mở các buổi phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy bên trong tòa nhà. Mặt khác, hệ thống báo cháy cũng phải được kiểm tra, vận hành thường xuyên (không báo trước) để nâng cao ý thức phòng cháy.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang đánh giá, trong ngắn hạn, chắc chắn thị trường căn hộ sẽ chịu tác động không tốt từ vụ cháy chung cư Carina. Chẳng hạn như thời gian tìm hiểu dự án sẽ kéo dài, thời gian giao dịch cũng lâu hơn và việc tư vấn bán hàng cũng khó khăn hơn. Thanh khoản thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng. Người mua cũng sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở chủ đầu tư trong việc lắp đặt, vận hành hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, theo ông Quang, nếu xét tầm nhìn dài hạn, vụ hỏa hoạn vừa qua đang tác động tích cực đến công tác phòng cháy chữa cháy cho nhà cao tầng trong hiện tại và cả những năm tới.
Chuyên gia này nhận xét thêm, trong tất cả các phân khúc căn hộ, chung cư giá rẻ (bình dân) và trung cấp có thể chịu nhiều sức ép hơn các phân khúc cao cấp hoặc hạng sang. Bởi lẽ, phân khúc này chủ đầu tư thường tối đa hoá diện tích kinh doanh, số lượng căn hộ bố trí dày đặc trên một mặt sàn. Diện tích nhà lại nhỏ hẹp hơn căn hộ cao cấp. Hệ thống phòng cháy chữa cháy có chất lượng không cao do hạn chế về vốn. Tuy nhiên, nếu có giải pháp thiết kế nhiều khe thông gió, giúp căn hộ thông thoáng thì vẫn đảm bảo an toàn.
Theo ông Quang, về nguyên tắc, hầu hết tất cả các dự án nhà cao tầng đều được phê duyệt và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy rất nghiêm ngặt. Phần còn lại là quá trình vận hành và hậu kiểm thường xuyên. “Vì thế, trách nhiệm thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương, khả năng tổ chức tự quản của đội ngũ quản lý tòa nhà và ý thức phòng cháy chữa cháy của chính người dân đều đóng vai trò quan trọng như nhau”, ông nói.