Ngôi nhà ở Cố Viên Lầu được phục chế nguyên bản từ ý tưởng nhà chị Dậu với mái tranh, vách đất, đụn rơm, chum nước, cây chuối và hàng rao tre bao quanh.
Làng Việt cổ - Cố Viên Lầu là hình ảnh thu nhỏ của làng quê Bắc Bộ, nằm bên cạnh bến thuyền Tam Cốc, Ninh Bình có diện tích hơn 20.000 m².
Nơi đây có hơn 20 nếp nhà có niên đại từ thế kỷ 18 - 20, được làm từ các loại gỗ quý cùng những đường nét chạm khắc hoa văn tinh tế, sống động.
Những căn nhà cổ được quy tụ từ nhiều làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi công trình ở đây đều mang trong nó những câu chuyện riêng. Bên trong các nếp nhà là nơi trưng bày rất nhiều cổ vật từng gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam từ hàng trăm năm qua.
Trong đó phải kể đến Khánh Hòa - ngôi nhà duy nhất được giữ nguyên cấu trúc của nhà Đại khoa, trên 100 năm tuổi. Ngoài ra còn có nhà cổ Thọ Xuân của một thầy mo ở Thanh Hóa gần 200 năm tuổi, ngôi nhà cổ Văn Hải ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, xây dựng năm 1853…
Đến đây du khách còn được nhìn thấy những vật dụng quen thuộc như tủ chè, sập gụ, tràng kỷ… đều có tuổi đời hàng trăm năm. Tất cả đều được trưng bày theo từng chủ đề và thời kỳ lịch sử.
Tại đây còn có một ngôi nhà đất, lấy ý tưởng từ nhà chị Dậu với cấu trúc ba gian chính và hai buồng, mái lợp bằng lá, nền đất sét. Vật liệu chủ yếu của nhà là đất và rơm rạ kết hợp với tre, luồng.
Được thiết kế như một búp sen, Lầu Nghênh Tân Các lộng lẫy nằm trên một hồ nước. Đường vào Lầu là 3 chiếc cầu có tên Thiên - Địa - Nhân.
Bạn còn sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc thường thấy ở những làng quê như mái đình làng Việt, những đống rơm, bụi chuối, chum nước, gáo dừa, cối đá…
Ngoài việc được tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hoá du khách còn được hoà mình vào những trò chơi dân gian, thưởng thức đặc sản Ninh Bình và thư giãn trong không gian cổ kính bên cạnh phong cảnh hùng vĩ của núi non, hang động và sông nước.
Theo Lê Thương
Ảnh Phạm Trắc Vũ