Ông Nguyễn Tiên Phong, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương - Chủ đầu tư và là Tổng thầu của Nhà máy điện gió Thái Hòa chia sẻ về quá trình đầu tư xây dựng nhà máy.
Toàn cảnh Nhà máy điện gió Thái Hòa
Trên mảnh đất nắng gió hoang sơ và khô cằn của xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận ngày nào, giờ đây đã hình thành Nhà máy điện gió Thái Hòa với những cột tuabin gió sừng sững vươn lên giữa bầu trời trong xanh đầy nắng gió, ngày đêm cung cấp nguồn năng lượng sạch để hòa vào lưới điện lưới Quốc gia. Nhân dịp này, chúng tôi đã trò chuyện với ông Nguyễn Tiên Phong, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương - Chủ đầu tư và là Tổng thầu của Nhà máy điện gió Thái Hòa về quá trình đầu tư xây dựng nhà máy.
Ông có thể giới thiệu tổng quan về nhà máy?
Hưởng ứng chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng sạch, Tập đoàn Thái Bình Dương đã đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Thái Hoà. Đây là nhà máy điện độc lập sử dụng năng lượng gió để phát điện.
Nhà máy có công suất 90 MW, tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, sử dụng công nghệ điện gió tiên tiến nhất của Tập đoàn Siemens (Đức), giúp tăng sản lượng điện, giảm phát thải tiếng ồn, thân thiện với môi trường.
Tháng 10/2021 vừa qua, nhà máy chính thức đi vào vận hành, cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia khoảng 250 triệu KWh/năm, góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương.
Quá trình thực hiện, dự án đã gặp những khó khăn nào?
Giải phóng mặt bằng (GPMB) là bước quan trọng đầu tiên. Khó khăn đến từ tâm lý e ngại của người dân địa phương khi vùng đất của mình bị thay đổi, tới việc người nơi khác tới đẩy giá đất đền bù tăng cao… Bất kể ngày hay đêm, anh em trong Ban GPMB của chúng tôi đã rất kiên nhẫn “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động bà con có đất trong vùng hợp tác. Vừa giải thích chủ trương của nhà nước về phát triển năng lượng sạch, vừa cung cấp những thông tin hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục bồi thường trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Từ đó, bà con đồng thuận và mặt bằng dự án đã được bàn giao đúng thời hạn.
Có đất rồi, chúng tôi lại phải đối mặt với thách thức về thủ tục tài chính. Quá trình thương thảo hợp đồng với nhà cung cấp thiết bị kéo dài trong nhiều tháng, cùng những điều khoản vô cùng ngặt nghèo như phải mở thư tín dụng tại ngân hàng, đối tác bất ngờ tăng giá... Nhưng với nỗ lực của bộ phận Tài chính cùng các phòng ban liên quan, chúng tôi đã hoàn thành thủ tục ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn thanh toán cho dự án.
Trong giai đoạn nước rút, chúng tôi tiếp tục đối mặt với tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đưa chuyên gia về làm việc tại Nhà máy. Mỗi ngày chậm đưa chuyên gia tới công trường là một ngày tiến độ dự án bị trì hoãn. Trước tình hình đó, chúng tôi đã huy động nhân lực ngày đêm lo thủ tục, giấy tờ nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các địa phương. Trên công trường, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn nơi ăn, chốn ở, cung cấp đầy đủ các đồ dùng, vật tư thiết bị mà chuyên gia yêu cầu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đáp ứng cho quá trình thi công được tốt nhất.
Kỷ niệm nào ông thấy đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện dự án?
Là đơn vị đã có kinh nghiệm tổng thầu cho các dự án lớn về năng lượng của quốc gia, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn và áp lực mà các nhà thầu thường gặp. Do vậy, anh em cán bộ và kỹ sư của chúng tôi trên công trường luôn đồng hành cùng nhà thầu trên từng công đoạn triển khai, bất kể ngày đêm, nhằm tạo mọi điều kiện để nhà thầu có thể thi công thuận lợi.
Có một câu chuyện đáng nhớ về khả năng ứng biến của anh em công trường, đó là khi 21 giờ tối hôm trước mà nhà thầu báo hết dầu thủy lực, thì đúng 3 giờ sáng hôm sau, 600 lít dầu đã được vận chuyển tới tận nơi trước sự ngạc nhiên cao độ của nhà thầu.
Ông Phan Lê Hoàng, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Thái Bình Dương (người thứ năm, từ trái qua) nhận Chứng nhận Dự án NLTT tiêu biểu 2021 cho Điện gió Thái Hòa
Theo ông, những yếu tố nào làm nên thành công của Nhà máy?
Thứ nhất, cũng như trong một trận đánh, trước khi triển khai, kế hoạch đã được vạch ra một cách chi tiết, bài bản với nhiều phương án thực hiện khác nhau.
Thứ hai, trong quá trình triển khai, chúng tôi đã hợp tác với những đối tác lớn, giàu kinh nghiệm như: Tập đoàn Siemens và Fichtner của Đức, FECON và Techgel của Việt Nam.
Thứ ba, đó là tinh thần đoàn kết, nhất trí của tập thể CBNV Tập đoàn và Ban lãnh đạo. Khi dịch Covid-19 bất ngờ ập tới, đã có rất nhiều khó khăn bất ngờ xảy ra, nhưng với sự kiên định tuyệt đối “không bao giờ bỏ cuộc” của Ban Lãnh đạo, cùng tinh thần đoàn kết, kỷ luật và sáng tạo của anh em, cuối cùng cả 18 trụ tuabin đã hòa lưới điện thành công, đưa Nhà máy về đích.
Được biết Điện gió Thái Hòa vừa lọt Top 10 dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu của Việt Nam năm 2021, ông có thể chia sẻ thêm thông tin này không?
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức bình chọn các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu của năm 2021 về các tiêu chí kỹ thuật, môi trường, hiệu quả kinh tế, chính sách, ủng hộ của dư luận xã hội… Nhà máy điện gió Thái Hòa vinh dự được bình chọn và cấp chứng nhận là một trong 10 dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu của Việt Nam năm 2021.
Xin chúc mừng Tập đoàn Thái Bình Dương và xin cảm ơn ông!.