Cho rằng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã kiến nghị cần kiểm tra nguyên nhân.
Giá thép các loại tăng liên tục từ đầu năm đến nay khiến nhiều nhà thầu đứng ngồi không yên vì chi phí tăng, ảnh hưởng rất lớn đến những hợp đồng đã và đang thực hiện.
Nhiều nhà thầu xây dựng trong nước đứng trước nguy cơ phá sản do giá thép tăng đột biến. Ảnh minh họa: website VACC
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) ngày 19-4 vừa qua đã có văn bản số 22/VACC kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến.
Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, VACE đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu để tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.
Theo Hiệp hội, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quí 1 vừa qua, đặc biệt ở trong tháng 4 này.
Cụ thể, theo phản ánh của VACC, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quí 4-2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, giá thép này ở Đà Nẵng được bán 18.370 đồng/kg, tăng 40%.
Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg. Hiệp hội khẳng định không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so với quý cuối năm trước.
Trước tình hình này, theo VACC, các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này.
Đối với các dự án đầu tư vốn ngân sách thì các doanh nghiệp lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở Xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động này.
Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ còn khó khăn với các nhà thầu xây dựng khi mà các dự báo cho thấy giá thép còn tiếp tục tăng cao kéo dài đến quí III tới.
Cụ thể theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép trong thời gian vừa qua có bước tăng phi mã. Và các dự báo trước đó cho rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quí 2-2021. Nhưng hiện tại, theo VSA mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quí 3 - 2021.
Lý giải về giá thép tăng, đại diện Hiệp hội Thép cho biết giá phôi thép ngày 6-4 vừa qua ở mức 633 đô la Mỹ/tấn, tăng khoảng 30 đô la/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3 năm nay và tăng khoảng hơn 200 đô la/tấn so với cùng thời điểm năm ngoái 2020.
Tương tự, giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 6-4 ở mức 795 đô la/tấn, tăng mạnh khoảng 85 đô la/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3 vừa qua và đã qua mức chào giá ngày 8-12-2020 là 700 đô la/tấn.
Nhìn chung, thị trường thép cuộn cán nóng HRC thế giới biến động mạnh khiến cho thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép... sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Ở trong nước, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục xu hướng tăng mạnh so với đầu năm trên thị trường toàn cầu và Việt Nam.
Giá bán thép trong nước tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch ở mức bình quân khoảng 15.900-16.000 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.
Giới phân tích cho rằng chính chính sách cho phép được nhập khẩu phế liệu trở lại từ tháng 1-2021 của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu bởi thị trường này đang chiếm gần 60% sản lượng thép thô thế giới. Đơn cử tháng 3 năm nay, giá thép phế liệu nội địa tiếp tục tăng nhẹ từ 300 đồng/kg lên mức 8.850-9.100 đồng/kg. Giá thép phế liệu nhập khẩu ở mức 438 đô la/tấn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang trong giai đoạn cắt giảm sản lượng thép nhằm bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép lại tăng cao càng đẩy giá thép tăng phi mã.
Theo số liệu của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh trong quí 1 vừa qua là 3.317 doanh nghiệp, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thép tăng cao khiến không chỉ các công ty xây dựng, nhà thầu gặp khó khăn mà người dân cũng lo sốt vó cho việc xây dựng nhà cửa hiện nay.
Theo báo cáo mới của VSA, tính chung ba tháng đầu năm nay, sản xuất thép các loại đạt 7,7 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng đạt 6,8 triệu tấn, tăng 35%, trong đó xuất khẩu thép các loại hơn 1,6 triệu tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.