Các chuỗi nhà thuốc lớn thị trường đều chung quan điểm rằng, thị trường dược phẩm sẽ bùng nổ trong thời gian tới và đây là lúc tốt nhất để mở rộng sự hiện diện trên thị trường.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), trong năm 2021 vừa qua, chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt doanh thu 3.977 tỷ đồng và lần đầu tiên báo lãi 4,9 tỷ đồng sau khi lỗ khoảng 158 tỷ đồng hai năm 2019-2020.
Với việc bắt đầu có lợi nhuận, cho dù khiêm tốn, FPT Retail cho biết, công ty đã tìm được công thức thành công cho chuỗi nhà thuốc này. Long Châu hiện đã sở hữu tới 400 nhà thuốc tại thời điểm cuối năm 2021, tăng thêm 200 nhà thuốc so với đầu năm. Tính riêng trong quý 4, gần 100 nhà thuốc mới của Long Châu đi vào hoạt động.
Theo chia sẻ từ FPT Retail, công ty này dốc sức đầu tư cho Long Châu do xác định thị trường điện thoại hiện nay đã bão hòa và dược phẩm là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong dài hạn. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này tin tưởng rằng sự lớn mạnh của Long Châu sẽ đi theo ‘sự bùng nổ’ của ngành dược trong thời gian tới.
Do đó, trong năm 2022, Long Châu sẽ được đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng phủ ra 63 tỉnh thành và dự kiến sẽ mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng tại cuối năm 2022 lên khoảng 700-800 cửa hàng.
Song song việc mở rộng chuỗi cửa hàng, Long Châu sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics phục vụ cho việc tăng trưởng nhanh số lượng cửa hàng và tối ưu hàng hóa.
Ngoài ra, Long Châu sẽ tiếp tục phát triển mở rộng các sản phẩm độc quyền/nhãn riêng nhằm mang đến cho khách hàng nhiều sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Theo kế hoạch, Công ty sẽ có khoảng 50 sản phẩm độc quyền, nhãn riêng trong năm 2022.
Không chỉ Long Châu có ý định mở rộng ồ ạt, mà các đối thủ như An Khang của Thế Giới Di Động hay Pharmacity đều đã có những tuyên bố mạnh mẽ với mục tiêu đánh chiếm thị trường.
Với An Khang, Thế Giới Di Động cuối năm ngoái đã chính thức nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%, để dồn toàn lực phát triển mảng dược trong năm nay. Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đánh giá: "Ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi có những bước phát triển tốt. Trước đây, ngành thuốc cơ bản chỉ có thuốc chữa bệnh là chính, nhưng sau đợt dịch vừa rồi thì thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng có những tăng trưởng rất ngon lành.
Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam bắt đầu có những dịch chuyển từ trạng thái chữa bệnh, đau đâu chữa đó, sang trạng thái "prevent", có nghĩa là bảo vệ sức khỏe. Bước chuyển dịch này giống như những nước phát triển. Tại các nước này, thực phẩm chức năng, vitamin, các loại thuốc làm cho cơ thể khỏe mạnh phát triển rất tốt".
Ông Tài cho rằng, muốn kiếm lợi nhuận trong ngành thuốc thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc. Chưa đề ra con số cụ thể, nhưng ban lãnh đạo Thế Giới Di Động khẳng định chuỗi An Khang sẽ được mở với tốc độ rất nhanh và mở độc lập, chứ không mở cùng với Bách Hóa Xanh như trước.
Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay là Pharmacity đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt mốc 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc và mục tiêu 50% người dân Việt Nam có thể tiếp cận với một nhà thuốc trong vòng 10 phút di chuyển. Pharmacity kỳ vọng sẽ đạt doanh số tới 1,5 tỷ USD. Chuỗi Pharmacity hiện đang có 1.000 nhà thuốc đạt chuẩn GPP trên toàn quốc cùng đội ngũ gần 4.600 dược sĩ.