Giá thép tăng sốc, nhiều nguyên vật liệu khác cũng leo cao. Cực chẳng đã, không ít doanh nghiệp vẫn phải bỏ thầu bởi vẫn còn hơn "ngồi chơi xơi nước" rồi lâm cảnh khó khăn, lao động thất nghiệp.
Vừa nhận thầu vừa lo
Thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng cao trong công trình. Tùy vào từng loại công trình, tỷ trọng sẽ khác nhau. Trong đó, với các dự án cao tầng, thép chiếm tới 60% giá trị xây lắp.
Do vậy, khi giá thép tăng tới 40-50% từ cuối năm ngoái đến hiện nay, các nhà thầu cho biết gặp không ít khó khăn. Chưa kể ngoài thép, nhiều giá nguyên vật liệu khác cũng tăng như cát, xi măng, gạch đá...
Nhiều doanh nghiệp xây dựng kiến nghị Nhà nước nên sớm vào cuộc xem doanh nghiệp thép có "bắt tay" nhau đẩy giá, làm giá, gây thêm khó khăn cho nền kinh tế hay không.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, đà tăng của giá thép đã chững lại, không còn tăng sốc nữa. Song giá thép vẫn chưa có dấu hiệu giảm, vẫn neo ở mức rất cao.
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết, có tuần doanh nghiệp này nhận được 2 lần điều chỉnh giá thép. Trước tình hình này, nhiều nhà thầu không dám ký hợp đồng mới. Trong khi những hợp đồng cũ đã ký thì lỗ nặng.
Thực tế, cực chẳng đã nhiều doanh nghiệp vẫn phải bỏ thầu, bởi vẫn còn hơn "ngồi chơi xơi nước" rồi lâm cảnh phá sản, thất nghiệp.
Mới đây, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình - nhà thầu lớn trong ngành xây dựng liên tiếp nhận được một số dự án nhà ở trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Giá trị gói thầu cao nhưng trong bối cảnh "đau đầu" vì giá thép, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ với Dân trí: "Lo lắng lắm, nhưng bây giờ chúng tôi ở thế khó, không biết làm gì ngoài việc cố gắng kiểm soát rủi ro nhất có thể".
"Không phải tất cả các dự án, chỉ một số dự án chúng tôi đàm phán đưa điều kiện trượt giá vào hợp đồng. Nhưng với những dự án này mình phải chấp mức giá thấp hơn chút. Còn với những dự án quy mô không lớn lắm thì ký hợp đồng giữ giá với bên cung cấp", ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, khi thương thảo với chủ đầu tư ở những gói thầu mới, các doanh nghiệp xây dựng cũng gặp không ít khó khăn. Nếu "cứng" quá thì công ty không nhận được thầu, lao động không có việc làm. "Hồ sơ mời thầu thương cố định giá rồi, khi mình thương lượng có dự phòng thì phải chấp nhận giảm giá nhất định, trong khi đó giá thép đang ở ngưỡng trần, quá cao rồi", ông nói.
Vị này cũng nhấn mạnh trong bối cảnh này, dù tính toán, có dự phòng trượt giá nhưng nhiều khi "không ăn thua". "Nói chung làm ăn phải chấp nhận rủi ro", ông Hải cho biết. Lời lỗ do thị trường quyết, đại diện nhà thầu lớn nhất Việt Nam kỳ vọng giá thép sẽ sớm quay đầu giảm, bớt gánh nặng cho ngành xây dựng.
Tỷ suất lợi nhuận vốn thấp lại thêm khó khăn
Theo báo cáo chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng là ngành kinh tế có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, luôn đóng góp trên 5% vào GDP mỗi năm.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, vấn đề tỷ suất lợi nhuận thấp là câu chuyện "đau đầu" với rất nhiều doanh nghiệp trong ngành này. Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán tuy doanh thu tăng đều qua các năm nhưng khả năng sinh lời tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ở mức rất thấp.
Thậm chí một số doanh nghiệp lớn như Coteccons, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu giảm dần đều qua các năm.
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Coteccons.
Không ít các doanh nghiệp xây dựng thời gian qua dù liên tiếp trúng các gói thầu lớn, doanh thu cao nhưng lãi suất thì thấp, biên lợi nhuận thậm chí chỉ 0,1 - 0,16%.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho rằng, nếu giá thép cứ tăng đến hết quý III/2021 như dự báo, không chỉ tỷ suất lợi nhuận thấp, nhiều dự án xây dựng sẽ đối mặt nguy cơ vỡ trận, công ty xây dựng sẽ đóng cửa, phá sản, nhiều công trình sẽ đình trệ…
Theo lãnh đạo Coteccons, một dự án xây dựng là quá trình kéo dài từ công tác chuẩn bị, thực hiện thi công, bàn giao và bảo hành. Quá trình đó gắn liền với hoạt động quản lý tài chính dự án. Ảnh hưởng từ biến động giá cả, các thay đổi về chính sách, các phát sinh ngoài kế hoạch hay nguồn vốn của chủ đầu tư đều có tác động không nhỏ đến sự thành công của dự án.
Nhà thầu này đã đưa ra một loạt biện pháp ứng phó với rủi ro biến động về giá cả: đẩy mạnh dự báo tình hình nguồn cung, biến động giá cả trong khu vực để chủ động điều phối nguồn vật liệu, thiết bị. Việc đàm phán và chốt các điều khoản giữ giá, khống chế tỷ lệ trượt giá với chủ đầu tư được tăng cường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tích cực tìm kiếm các nguồn hàng mới, hạn chế tình trạng độc quyền nguồn cung, triển khai mô hình quản lý mua sắm và giao thầu tập trung cho các vật liệu chính tại công trường, tận dụng lợi thế tài chính để giảm giá nguồn cung vật liệu...
Ông Lê Viết Hải thì cho hay, ở nhiều nước, các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai những gói dịch vụ bảo hiểm giá, Việt Nam chưa thấy xuất hiện. Nếu có dịch vụ này, doanh nghiệp ông sẽ tham gia để hạn chế bớt rủi ro khi thị trường quá biến động.
Lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng này cũng kiến nghị, các Sở Xây dựng cần thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường. Nếu không kịp thời điều chỉnh các dự án Nhà nước không có cơ sở xin bù giá.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng kiến nghị Nhà nước nên sớm vào cuộc, kiểm tra lại giá thành, xem doanh nghiệp thép có "bắt tay" nhau đẩy giá, làm giá, gây thêm khó khăn cho nền kinh tế hay không.