Hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và lưu trú tại tỉnh Quảng Nam đã tạm dừng hoạt động và mới đây họ làm đơn xin tạm dừng kinh doanh 6 tháng cuối năm để khỏi phải đóng thuế và mong nhận được hỗ trợ từ chính quyền.
Mr. Thọ Garden Villas hay nhiều cơ sở lưu trú tại tỉnh Quảng Nam tiếp tục đóng cửa sau đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất này. Và họ đã quyết định xin tạm dừng hoạt động từ đây đến cuối năm để giảm chi phí. Ảnh: Nhân Tâm
Tạm dừng kinh doanh để được miễn, giảm thuế
Hôm qua, 2-6, là hạn chót Chi cục Thuế Hội An (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) nhận đơn xin tạm dừng kinh doanh cho 6 tháng cuối năm 2021. Cũng trong ngày hôm qua, các doanh nghiệp thành viên trong chi hội Homestay & Villas (thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) đã tranh thủ mang theo giấy phéo kinh doanh (bản photo) để làm đơn xin tạm dừng kinh doanh.
Bà Phạm Thị Linh Chi, Chủ tịch của chi hội này cũng đã làm đơn tạm dừng kinh doanh cơ sở Mr. Thọ Garden Villas của mình. “Bản thân chúng tôi cũng như doanh nghiệp khác trong 2 năm qua hoạt động cầm chừng, phụ thuộc vào việc kiểm soát Covid-19”, bà Chi nói. “Khi dịch bùng phát tại Quảng Nam cũng như các địa phương trong cả nước thì chúng tôi không thể đón khách được nữa. Với tình hình này, thì chữ doanh thu không còn phù hợp nữa mà là kiếm cơm từng bữa và tằn tiện từng đồng để dành chi tiêu cho mùa mưa bão và lụt vì du lịch chiếm 74% tổng ngành nghề tại Hội An chưa kể khó khăn và thêm trả lãi suất ngân hàng để vay mượn xây dựng và đầu tư”.
Với những khó khăn như vậy, buộc các doanh nghiệp phải nộp đơn xin tạm dừng kinh doanh để được miễn giảm thuế và cũng là cách để thành phố Hội An và Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cấp bách phù hợp.
Sự khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú tại tỉnh Quảng Nam là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh toàn cảnh khó khăn của ngành du lịch Quảng Nam.
Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA), từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngành du lịch. Các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh (hơn 80%), trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản. Khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm và thiệt hại hơn 12.000 tỉ đồng.
“Tôi nghĩ tình trạng này có thể kéo dài và tồi tệ hơn trong 6 tháng tiếp theo của năm 2021”, ông Nguyễn Sơn Thủy, Tổng Thư ký QTA, nói và chia sẻ thêm bản thân công ty lữ hành cơ sở lưu trú của ông – Indochina Unique Tourist và Earth Villa - tạm ngừng hoạt động kể từ đợt dịch mới nhất này.
Ông Thủy cho biết thêm mặc dù ngành du lịch đang rất cố gắng để duy trì và phục hồi du lịch bằng việc chuyển đổi khai thác thị trường khách nội địa trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, với tình hình dịch diễn biến phức tạp, chủng loại virus mới càng tàn khốc hơn, tình hình kinh doanh du lịch “càng đóng băng cứng”, ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Chúng tôi đã cố gắng kích cầu 4 lần, tuy nhiên 4 lần dịch đã đạp ngã mọi nỗ lực lực của cộng đồng kinh doanh du lịch. Các doanh nghiệp không đủ sức chống chịu với tình trạng ngừng trệ kéo dài, do nợ ngân hàng, lãi vay, không duy trì được lao động, chi phí hoạt động, bảo trì bảo dưỡng không đảm bảo, …. và hàng loạt các vấn đề phát sinh khác”, ông Thủy nói và cho rằng đó là lý do nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án tạm ngừng hoạt động để đảm bảo giảm bớt tổn thất, cắt lỗ.
Cùng nhau vượt khó và chờ hỗ trợ
Với vai trò kết nối các doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Nam, QTA trong thời gian qua vẫn theo dõi tình hình doanh nghiệp du lịch, kiến tạo các giải pháp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tìm kiếm các nguồn lực để duy trì và kích hoạt nền kinh tế du lịch khi có điều kiện thuận lợi.
“Hưởng ứng chương trình của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chúng tôi cũng đã triển khai đến các doanh nghiệp tham gia đăng ký và mua vaccine để tiêm cho nhân viên của mình trong thời gian đến”, ông Thủy cho biết. Hiện tại có hơn 60 doanh nghiệp thành viên của hiệp hội tham gia chương trình này.
"Khi nào khách quay lại?" là câu hỏi của các doanh nhân làm du lịch hiện nay. Hình ảnh chụp tại chợ phiên Tân Thành, thành phố Hội An lúc dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: Nhân Tâm
Bên cạnh đó, QTA cũng đang dự kiến tổ chức một hôi thảo tìm kiếm giải pháp tài chính cho doanh nghiệp du lịch, mời ba bên là ngân hàng, quỹ đầu tư/đối tác đầu tư và doanh nghiệp du lịch, hy vọng tìm kiếm những giải pháp chuyên sâu tài chính, căn cơ hơn cho doanh nghiệp du lịch trong tình hình khủng hoảng và tương lai phục hồi.
“Chúng tôi kỳ vọng con đường cuối cùng là vaccine triển khai rộng rãi trong cộng đồng thì lúc đó mới đảm bảo du lịch phục hồi an toàn và ổn định”, ông Thủy nói.
Bà Phạm Thị Linh Chi cũng cho biết chi hội Homestay & Villas cùng với QTA và chính quyền cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau như cùng nhau quảng bá, tiếp thị các doanh nghiệp lẫn nhau trên các kênh bán hàng phù hợp với khách nội địa, đưa ra chính sách phù hợp để giãn nộp chậm lãi suất ngân hàng.
“Chúng tôi cũng đã chủ động liên hệ những người nước ngoài đang sống tại Việt Nam quảng bá cho các cơ sở lưu trú và cùng họ kêu gọi đóng góp tiền bạc giúp đỡ các nhân viên gặp khó khăn do phải nghĩ làm trong thời gian dài”, bà Chi chia sẻ và giải thích năm ngoái còn có thể kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ tiền bạc giúp cộng đồng, nhưng năm nay đa số không còn sức gồng gánh cho chính doanh nghiệp của mình chưa kể viễn cảnh 6 tháng cuối năm mưa gió, bão lụt khó khăn chồng chất.
Có thể nói nhiều doanh nhân đang chán nản, mất động lực kinh doanh, rao bán tài sản, cổ phần và lâm vào tình trạng xấu khác nhau. Ngoài nỗ lực bản thân, đồng hành của các tổ chức, các doanh nghiệp đang cần bàn tay từ Chính phủ để “giữ lửa nghề” để có thể quay trở lại trong những năm tới.