Được đánh giá là nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu, tuy nhiên, rủi ro trong chuỗi cung ngành gỗ dán và tình trạng “chảy máu” nguồn nguyên liệu ván bóc sang thị trường Trung Quốc đang là rào cản lớn tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành hàng này.
Xuất khẩu tăng 3 lần trong vòng 5 năm qua
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ một nước chỉ chiếm khoảng 1% thị phần xuất khẩu gỗ dán trên thế giới vào năm 2015, đến nay Việt Nam đã chiếm 5% tổng thị phần xuất khẩu toàn cầu, đứng vị trí thứ 5 thế giới về xuất khẩu sản phẩm này.
Năm 2015, xuất khẩu gỗ dán chỉ đạt 724 nghìn m3 với giá trị khoảng 200 triệu USD, thì đến năm 2020 xuất khẩu mặt hàng này lên tới 2,09 triệu m3, đem về kim ngạch 659,74 triệu USD cho ngành gỗ Việt.
Hiện có khoảng 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ gỗ dán Việt Nam, nhưng xuất khẩu gỗ dán chủ yếu tập trung ở 5 nước gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, và Thái Lan với trên 84% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trung bình mỗi năm thế giới chi ra khoảng 16-17 tỉ USD để nhập khẩu mặt hàng này, với lượng nhập khoảng 32-34 triệu m3 và nhu cầu tiêu dùng gỗ dán được dự báo ngày càng tăng.
Nhiều “rào cản” kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ dán
Hiện, xu hướng tiêu dùng của thế giới tiếp tục chuyển dịch sang sử dụng các vật liệu thân với môi trường, đồ nội thất nhẹ, tối giản, thời trang với xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các vật liệu ván công nghiệp, trong tương lai ngành sản xuất gỗ dán của Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển.
Nắm bắt nhu cầu tăng trưởng của thị trường, hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng này. Số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tính đến nay, hiện có khoảng trên 340 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ dán. Riêng trong năm 2020, có khoảng 20 nhà máy với quy mô lớn - nhỏ đã đi vào sản xuất gỗ dán hoặc đang xây dựng nhà máy mới tại các tỉnh như Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình,.. Đặc biệt, Việt Nam tiếp nhận 2 dự án mới đi vào sản xuất mặt hàng gỗ dán với mức vốn đầu tư trên 14 triệu USD, công suất dự kiến 100.000 m3/năm. Ngoài ra các tỉnh còn chứng kiến sự chuyển dịch trong đầu tư nước ngoài ở các dự án FDI sản xuất mặt hàng này khi số lượng tăng vốn và góp vốn mua cổ phần gia tăng.
Đối diện với 2 thách thức lớn
Còn nhiều rủi ro trong chuỗi cung ngành gỗ dán trong đó phải kể đến rủi ro từ khâu nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào tới khâu sản xuất ván bóc; rủi ro trong khâu từ sản xuất ván bóc tới gỗ dán. TS Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trend - nhận định, hầu hết các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất ván bóc mua gỗ nguyên liệu (gỗ tròn) từ các hộ gia đình. Việc các hộ gia đình cung gỗ tròn cho các cơ sở sản xuất ván bóc trong bối cảnh thiếu các bằng chứng đảm bảo sự tuân thủ với các quy định về thuế hiện hành làm phát sinh rủi ro trong khâu này. Rủi ro trong khâu này đồng nghĩa với rủi ro trong tất cả các khâu còn lại của chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào.
Năm 2020, Việt Nam chi khoảng 2,55 tỉ USD để nhập gỗ nguyên liệu, trong đó chi 227,27 triệu USD để nhập khẩu ván bóc và gỗ dán. Rủi ro liên quan đến việc luồng nguyên liệu gỗ dán nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, được “hòa” với nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước trước khi đi vào khâu xuất khẩu, dưới nhãn mác là sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam.
Cũng theo TS Tô Xuân Phúc, gỗ dán hiện đang được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các mặt hàng khác như ván sàn, đồ gỗ, tủ bếp… phục vụ xuất khẩu. Rủi ro trong các khâu đầu của chuỗi cung gỗ dán, bao gồm trong cả khâu sản xuất và pha trộn nguồn cung nhập khẩu và nội địa làm sản sinh ra rủi ro trong khâu xuất khẩu các mặt hàng sử dụng nguyên liệu gỗ dán.
Rủi ro đối với mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành hiện thực. Các rủi ro này có thể lan rộng trong tương lai trên cả 2 phương diện về thị trường xuất khẩu và mở rộng điều tra đối với một số mặt hàng mới có sử dụng nguồn gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào được xuất sang một thị trường cụ thể.
Tuy nhiên vấn đề khó khăn lớn nhất của ngành sản xuất gỗ dán nói riêng, sản xuất đồ gỗ nước ta nói chung chính là thiếu nguyên liệu đầu vào, do sản lượng rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây là tình trạng “chảy máu” nguồn nguyên liệu ván bóc sang thị trường Trung Quốc.
Ông Vũ Quang Huy – Chi hội trưởng Chi Hội gỗ dán – cho biết, từ tháng 10/2020 đến nay, khối lượng ván bóc làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn rừng trồng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng rất lớn. Việc các thương lái tăng cường mua gỗ ván bóc để xuất đi Trung Quốc đã khiến nguyên liệu này ở trong nước thiếu hụt trầm trọng, giá tăng cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ dán xuất khẩu trong nước.
“Trong sản xuất gỗ dán, 85% nguyên liệu đầu vào là gỗ ván bóc, phần còn lại chủ yếu là keo dán và một số phụ liệu khác. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá keo dán tăng 17-20%, giá mua ván bóc tăng 10-15%. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký kết với đối tác ấn định giá bán sản phẩm từ trước, nay không thể điều chỉnh được, khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ dán ở nước ta khó càng thêm khó”, ông Vũ Quang Huy nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quang Huy, hiện Trung Quốc vẫn là quốc gia cung cấp gỗ dán hàng đầu thế giới, chiếm trên 30% thị phần toàn cầu cả về lượng và giá trị - đây là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trên thị trường xuất khẩu gỗ dán toàn cầu. Việc xuất khẩu gỗ ván bóc sang Trung Quốc đang gây ra nhiều hệ lụy, làm giảm sức cạnh tranh của ngành gỗ dán nước ta.
Để không chảy máu nguồn nguyên liệu, cùng với đề xuất áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng và ván bóc sản xuất từ cao su; tăng thuế xuất khẩu mặt hàng ván bóc HS 4408 lên 25%, ông Vũ Quang Huy đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu để bảo vệ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, tạo đà phát triển ngành gỗ dán.
Về tổng thể, để ngành gỗ dán tận dụng được cơ hội xuất khẩu, việc đánh giá chi tiết thực trạng trong khâu gỗ nguyên liệu, ván bóc và các chính sách có liên quan để từ đó có sự điều chỉnh các cơ chế chính sách hiện này sát với thực tế hơn được các chuyên gia khuyến nghị. Bên cạnh đó, cần đánh giá chi tiết thực trạng của việc nhập khẩu gỗ dán, thực trạng sản xuất gỗ dán trong nước.
Các cơ quan quản lý có liên quan tăng cường kiểm tra giám sát đối với các đơn vị nhập khẩu và các đơn vị sản xuất nội địa. Việc kiểm tra giám sát không chỉ dừng lại đối với các doanh nghiệp sản xuất nội địa, mà cần bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty có nguồn vốn sở hữu từ Trung Quốc.