Năm 2017, lần đầu tiên Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của du lịch TPHCM. Ngành du lịch bắt đầu tính toán để thị trường lớn này đem về nguồn thu tương xứng.
Ngành du lịch bắt đầu tính toán để đón một lượng lớn du khách từ thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Ảnh: Minh Duy |
“Đổ bộ” vào TPHCM
Đứng trước cửa Trung tâm thương mại Takashimaya ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi từ trưa đến tối sẽ phần nào thấy được sự nhộn nhịp của thị trường khách du lịch Trung Quốc. Những nhóm khách mới đến thường vui vẻ dừng lại trước những cửa hàng được trang trí đẹp mắt của trung tâm thương mại để chụp ảnh kỷ niệm. Những người từ phía trong đi ra nói cười rôm rả, trên tay là các giỏ hàng vừa sắm. Phía bên kia đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhiều phụ nữ đeo những chiếc túi hàng hiệu như LV đang chuẩn bị ghé vào Takashimaya sau khi dạo qua mấy cửa hàng bán đồ bình dân ở Saigon Square cũng nằm trên con đường đó.
Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, đã có khoảng 600.000 lượt khách Trung Quốc đến TPHCM trong năm 2017. “Làn sóng” du khách Trung Quốc đã làm thay cơ cấu thị trường khách du lịch quốc tế của thành phố. Trung Quốc đã vượt qua những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan để đứng đầu bảng trong tốp 10 thị trường có lượng du khách đến TPHCM nhiều nhất.
Trong hội nghị tổng kết công tác quản lý về du lịch năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của 2018, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ, đề nghị các cơ quan chức năng nên sắp xếp lại thị trường ưu tiên trong các hoạt động tiếp thị trong giai đoạn 2018-2020. Trong đó, Trung Quốc nên là thị trường được ưu tiên hàng đầu, kế đến mới là Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Doanh nhân này dự báo sẽ có một cuộc “đổ bộ” của khách Trung Quốc đến TPHCM trong thời gian tới. Trước đây, doanh nghiệp băn khoăn về việc sân bay Tân Sơn Nhất đang thiếu chỗ cho máy bay đưa khách đến nhưng nay có thể giải quyết bằng cách cho máy bay đến vào sáng sớm và ban đêm. “Vì thế, du khách sẽ đến rất đông và TPHCM phải chuẩn bị để đón tiếp”, ông nói.
Không chỉ là đường hàng không, mảng du lịch đường bộ và đường biển cũng khá nhộn nhịp. Khách đường biển đến bằng những tàu du lịch cỡ lớn, cập cảng tại Bà Rịa – Vũng Tàu rồi đi theo tour của các công ty du lịch lên TPHCM cùng các địa phương lân cận. Những người đi đường bộ đến bằng cửa khẩu Mộc Bài ở Tây Ninh, kết hợp với chuyến du lịch đến Phnôm Pênh và Siêm Riệp của Campuchia.
“Tour đường bộ kết nối từ Campuchia đến thành phố mới có trong thời gian gần đây để giải quyết tình tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tour này đang được nhiều người ưa thích vì kết hợp được nhiều điểm tham quan trong một chuyến”, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang Travelink nói.
Theo ông, năm 2017, lượng khách Trung Quốc tại công ty này tăng 30% so với năm trước. Số lượng khách đặt chỗ cho quí 1-2018 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Đối tác đang yêu cầu tăng thêm dịch vụ mua sắm, ăn uống, dạo phố... Hiện nay, nhiều người thích ra phố đi bộ Bùi Viện để giải trí, thích kết hợp các tour khoảng 3-4 ngày, kết nối TPHCM với Vũng Tàu, Mỹ Tho hoặc Phan Thiết.
Tại một số công ty khác, xu hướng đi tour bắt đầu thay đổi, có nhiều người đi tour dài ngày hơn, thay vì 3-4 ngày thì nay lên 6 hoặc 7 ngày.
Lo thiếu dịch vụ và tour 0 đồng
Trong một cuộc tọa đàm về thị trường Trung Quốc vào đầu tháng này, nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn nhất hiện nay là tình trạng thiếu phòng khách sạn, thiếu hướng dẫn viên tiếng Trung phục vụ vào mùa cao điểm, ngày lễ, tết. Trong đó, do du khách có thói quen đặt phòng gần ngày và tập trung vào các ngày cao điểm trong năm nên thường xảy ra tình trạng thiếu vé máy bay, thiếu khách sạn, đặc biệt là loại 4-5 sao.
“Năm ngoái, đối tác thường yêu cầu khách sạn 3 sao nhưng nay nhiều người tăng chuẩn lên 4 sao. Vì thế, trong năm 2018, lượng phòng ở khách sạn 5 sao không đủ cung ứng. Giá tăng khoảng 8%”, ông Thành của Liên Bang Travelink nói.
Để phần nào giải quyết tình trạng này, một số doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nên hợp tác cùng hiệp hội du lịch, các hãng hàng không giảm giá vé và tăng cường chuyến bay vào các ngày lễ, tết cũng như kiểm tra gắt gao tình trạng găm phòng chờ tăng giá vào dịp cao điểm. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần đẩy mạnh các dịch vụ tại chỗ để du khách mua sắm, chi tiêu. Du khách Trung Quốc rất thích mua sắm nhưng chưa có nhiều thứ để mua và cũng thiếu các dịch vụ hậu cần như gửi hàng hóa về nước... để kích thích khách hàng tiêu tiền, đem lại nguồn thu lớn cho thành phố.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khai thác thị trường này cũng cho rằng điều đáng lo ngại trong việc phát triên thị trường này là loại tour 0 đồng, loại tour có giá rẻ nhưng thực chất là đắt đỏ vì khách hàng bị công ty du lịch đưa vào mua sắm ở những cửa hàng bán giá cao đang manh mún xuất hiện tại TPHCM. Cũng tương tự như một số địa phương khác, hiện đã có tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc thuê máy bay thuê bao đưa khách đến rồi tự đặt dịch vụ khách sạn, nhà hàng, tổ chức tour tham quan, dẫn đi mua sắm. Do đó, nếu không kiểm soát gắt gao thì du khách sẽ bị thiệt mà thành phố lại thất thu thuế.
Có doanh nghiệp còn cho Sài Gòn Tiếp Thị biết, loại tour này đã làm doanh nghiệp trong nước mất thị trường du lịch phổ thông vì giá tour đi bằng máy bay thuê bao, kép kín dịch vụ của đối tác Trung Quốc chỉ bằng giá vé máy bay thông thường mà doanh nghiệp trong nước mua để tổ chức tour.
“Để thị trường này phát triển tốt, đề nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh tour 0 đồng và ngưng hoạt động những doanh nghiệp bán hàng gian cho khách”, bà Âu Uyển Phương, Phó giám đốc phụ trách khối du lịch quốc tế của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist nói.
Những người trong ngành cho rằng, một trong những chuỗi hoạt động mà TPHCM phải làm ngay là công tác tiếp thị, trong đó có việc đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại các thành phố cấp 1 và cấp 2 của Trung Quốc như Thiên Môn, Phúc Kiến, tạo trang web và phát hành cẩm nang du lịch bằng tiếng Trung… Thêm vào đó, thành phố cũng nên kiến nghị để khách du lịch Trung Quốc được cấp thị thực quá cảnh (transit visa) trong vòng 120 giờ khi đến TPHCM và Hà Nội như trước, phát triển các tour kết hợp một số điểm đến ở các nước lân cận với TPHCM.
Minh Duy
(SGTT)