Vì Covid-19, người Việt mong muốn du lịch bền vững, với các điểm đến không đông đúc, các hoạt động thân thiện môi trường như đi bộ, xe đạp...
Du lịch bền vững có thể hiểu là du lịch mang đến nguồn lợi cho môi trường tự nhiên và cộng đồng dân cư, để duy trì hoạt động lâu dài mà không gây ảnh hưởng xấu. Hay nói cách khác, du lịch bền vững thân thiện với môi trường tự nhiên, gắn liền với văn hóa xã hội (bảo tồn di sản, bản sắc văn hóa địa phương...) và đem lại kinh tế cho cộng đồng (tạo việc làm, mang đến thu nhập cho người địa phương...)
Theo báo cáo thường niên về Du lịch Bền vững của Booking.com vừa công bố, 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho rằng loại hình du lịch này rất quan trọng, và 79% lựa chọn hành động ngay để bảo vệ thế hệ tương lai. Vì thế, du khách cho rằng đại dịch thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững hơn, trong đó giảm rác thải tổng hợp (88%), giảm mức tiêu thụ năng lượng như tắt điều hòa không khí và đèn khi ra khỏi phòng (86%), sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường như đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng thay vì taxi hay thuê xe (81%).
Du lịch bền vững được tạo từ 3 hợp phần hay còn gọi là 3 chân: Thân thiện môi trường, gần gũi về xã hội và văn hóa, có đóng góp kinh tế cho cộng đồng địa phương. Trên ảnh là Azerai Cần Thơ với những gốc cây cổ thụ được bảo vệ trong suốt quá trình xây dựng. Ảnh: ACT.
Tôn trọng cộng đồng địa phương cũng là mối quan tâm của du khách Việt Nam trong cuộc thăm dò mới này. Họ muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa của nơi mà họ đi du lịch. 93% người tham gia khảo sát tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng. Thêm vào đó, du khách Việt Nam sẽ chấp nhận tránh các điểm đến và nơi tham quan phổ biến (64%), để đảm bảo không gây thêm áp lực lên những chỗ đã quá đông đúc, đồng thời góp phần phân tán những lợi ích tốt đẹp của du lịch đến các địa điểm và cộng đồng có ít khách hơn.
Cũng theo khảo sát, trong 12 tháng vừa qua, có 52% du khách có những hành động như tắt máy lạnh trong phòng nghỉ khi đi ra ngoài, 52% mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì mua nước đóng chai khi du lịch, và 44% tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương. Hơn một nửa người tham gia khảo sát chia sẻ họ cảm thấy khó chịu nếu chỗ nghỉ không có các tiện nghi hỗ trợ tái chế. 100% người du khách cho biết trong năm tới họ mong muốn lưu trú tại những nơi cam kết với du lịch bền vững.
Trước đó nhân ngày "Môi trường thế giới" 5/6, nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda cũng công bố khảo sát Xu hướng Du lịch bền vững. Trong đó hầu hết người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết lo ngại về tình trạng quá tải du lịch, phá rừng làm du lịch.
Ngoài ra, ngày càng nhiều người Việt hy vọng các khách sạn và điểm lưu trú bắt đầu chuyển sang sử dụng nước và các nguồn năng lượng tái tạo cũng như giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Với vai trò là du khách, xu hướng hiện tại của họ là ưu tiên hơn cho những điểm tham quan nguyên sơ, ít người biết đến.
Thác Tà Puồng ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một trong những điểm đến còn nguyên sơ. Ảnh: Oxalis.
Về các hành động góp phần giúp du lịch bền vững, du khách Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm làm sạch có thành phần tự nhiên (40%), bảo tồn động vật (38%), sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo (36%). Ngoài ra, họ cũng quan tâm đến các giải pháp như cung cấp nhiều lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần tại các điểm lưu trú hoặc trên máy bay, trao thưởng bằng hiện kim cho những nhà cung cấp điểm lưu trú thực hiện tốt việc tiết kiệm năng lượng.
Cũng theo khảo sát, du lịch bền vững cũng gia tăng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan, sau dịch Covid-19. Các giải pháp được họ lựa chọn nhiều nhất là giảm thiểu rác thải trong suốt thời gian du lịch, tắt đèn và máy lạnh khi rời khỏi phòng và luôn tìm và ưu tiên những nơi lưu trú "xanh".