Vốn dĩ được thiên nhiên ưu đãi cảnh sắc đẹp mê hồn, cộng thêm việc xuất hiện trên những cảnh quay trong các bộ phim ăn khách, nhiều địa danh Việt trở nên hấp dẫn và nổi tiếng hơn.
Bàu Trắng – Phim “Bao giờ có yêu nhau”
Bộ phim mới ra rạp vào dịp giữa tháng 5 vừa qua của Minh Hằng và Quý Bình đang gây sốt trong giới trẻ. Và địa danh Bàu Trắng – Phan Thiết lại trở thành từ khóa được nhiều người tìm kiếm. Hai nhân vật chính trong phim tới Bàu Trắng du lịch. Nhưng cũng chính nơi này là điểm khởi nguồn cho chuỗi những bi kịch đau đớn phía sau.
“Bao giờ có yêu nhau” lấy bối cảnh chính ở Bàu Trắng, Phan Thiết, nơi ghi dấu tình yêu của hai nhân vật chính Minh Hằng và Quý Bình
Bàu Trắng là hồ nước ngọt cách thành phố Phan Thiết chừng 62 km về phía Đông Bắc. Đây cũng là hồ nước ngọt duy nhất thuộc huyện Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận. Theo truyền thuyết, nơi đây là hồ lớn. Sau rồi người dân đắp đập cát chạy ngang qua hồ khiến nơi này bị chia làm hai “đại hồ” và “tiểu hồ”. Trong tiếng địa phương, “bàu” nghĩa là “hồ”.
Bộ phim thành công về mặt hình ảnh với hàng loạt cảnh quay khiến người xem “mãn nhãn”
Cảnh đẹp hoang sơ mà nên thơ ở Bàu Trắng
Xung quanh Bàu Trắng, người dân trồng nhiều hoa sen. Mùa hè, khi hoa vào dịp nở rộ, dưới ánh nắng chói chang khiến cảnh vật càng thêm thơ mộng. Không chỉ là hồ cung cấp nước ngọt, cảnh vật xung quanh Bàu Trắng còn hoang sơ với những đụn cát trải dài, biến nơi này thành điểm thu hút các nhiếp ảnh gia.
Phú Yên – Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Phú Yên – xứ hoa vàng cỏ xanh
Có thể nói, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một trong những ví dụ điển hình về việc kết hợp thành công giữa điện ảnh và du lịch, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh địa phương. Phú Yên không chỉ nổi tiếng với ghềnh Đá Dĩa, còn là miền đất cạnh biển trù phú với núi rừng, vách đá cheo leo, cánh đồng bất tận, những con đường làng đường đến trường đẹp như bức tranh.
Những cảnh quay bình dị mà chân thực
Du lịch Phú Yên càng khởi sắc hơn sau hiệu ứng của bộ phim
Bối cảnh bộ phim dựng lại những năm 80 của thế kỷ trước. Bởi vậy, khi tìm lại hình ảnh miền thôn quê hơn 30 năm trước chẳng hề dễ dàng. Nhưng góc máy quay vẫn rất tinh tế khi không để lọt bất cứ chi tiết “thời hiện đại” nào, mà vẫn đảm bảo khung cảnh của miền quê yên bình, chân chất. Kể từ sau khi công chiếu, Phú Yên còn được biết tới với tên gọi khác “miền đất hoa vàng cỏ xanh”. Nhờ hiệu ứng lớn từ bộ phim, các tour tới Phú Yên ngày càng được du khách quan tâm đặc biệt hơn.
Hội An – Phim “Hoài phố”, “Scandal”, “Dòng máu anh hùng”, “Cho một tình yêu”
Có thể thấy, đô thị cổ Hội An là địa điểm quay quen thuộc của hàng loạt các tác phẩm điện ảnh Việt. Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Hội An từng là thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của các thương gia Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây suốt thế kỷ 17-18.
Hội An được chọn làm bối cảnh của nhiều tác phẩm điện ảnh
Phần lớn những ngôi nhà ở phố cổ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Hội An là vùng đất có sự giao thoa hài hòa giữa nhiều nền văn hóa. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nền văn hóa phi vật thể phong phú và là bảo tàng sống về kiến trúc, lối sống đô thị. Không ít các ngôi sao nổi tiếng thế giới từng đặt chân tới Hội An để tham quan, nghỉ dưỡng.
Đồng bằng sông Cửu Long – Phim “Cánh đồng bất tận”
Truyện “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được chuyển thể thành phim, phản ánh sâu sắc cuộc sống vùng sông nước của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, người xem bắt gặp hình ảnh của những người dân lam lũ, số phận cực khổ, nhưng vẫn toát lên niềm hi vọng ở tương lai sáng.
Hình ảnh những cánh đồng lúa bát ngát, chợ nổi nhộn nhịp trên sông, hay hồ sen mênh mông, là những cảnh quay ấn tượng, góp phần tạo nên sự thành công về hình ảnh của “Cánh đồng bất tận”. Bối cảnh chính của phim được quay ở Mộc Hóa (Long An) và vùng Đồng Tháp Mười.
Việt Hà / dantri.com.vn