Vị thanh ngọt, hương vị đặc trưng cùng những loại rau chỉ có ở miền sông nước giúp các món lẩu như lẩu cá kèo, lẩu mắm... được lòng thực khách mọi độ tuổi.
Lẩu cá linh bông điên điển chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi của vùng đất này (tháng 9-11). Cá linh nhỏ, xương mềm, ngọt hòa quyện cùng vị nhân nhẫn của hoa điên điển chinh phục bất kỳ ai được mời thưởng thức món ăn này. Ảnh: Nam Chấy.
Lẩu cá kèo lá giang ngon nhất nhờ có s cá kèo tươi sống. Thịt cá dai ngọt, lá giang chua nhẹ ăn cùng hoa chuối, rau đắng, giá đỗ, rau muống chẻ... khá hấp dẫn. Nước chấm của món lẩu này là nước mắm me. Ảnh: Tin89.
Lẩu lươn miền Tây có vị chua nhờ cơm mẻ, me xanh hay trái giác. Lươn ăn lẩu là lươn sống, khi nước sôi thì thả vào cho ngọt nước. Rau ăn kèm không thể thiếu của món ăn nay là bắp chuối bào, ngoài ra còn có rau muống, rau nhút, kèo nèo, giá, bạc hà... Ảnh: Hivietnam.
Lẩu vịt nấu chao ở đồng bằng sông Cửu Long có công thức chế biến khá khác biệt. 4 loại gia vị gồm rượu trắng, gừng già, chao trắng, chao đỏ sẽ được ướp với thịt vị trong vòng 4 tiếng để tạo nên hương vị cũng như màu sắc đặc biệt. Lẩu vịt nấu chao ăn kèm với khoai môn, cải bẹ xanh, rau muống và bún tươi. Ảnh: Phạm Võ.
Lẩu mắm có nước dùng được nấu từ hai loại mắm chỉ có ở vùng đất này. Lẩu mắm kích thích vị giác của người ăn bởi hương thơm đậm đà, thịt thà phong phú cùng nhiều loại rau đặc trưng vùng sông nước như điên điển, cọng bông súng, rau đắng, hoa so đũa, thèo nèo... Ảnh: An Huỳnh.
Lẩu cháo cua đồng ngon phải được nấu bằng những con cua tươi. Không dừng ở đó, để cháo không có vị tanh, món ăn này đòi hỏi rất cao kỹ thuật của người nấu. Lẩu cháo cua đồng ăn kèm rau má, rau đắng, rau ngót, rau cải, rau mồng tơi và mướp hương. Ảnh: Hivietnam.
Lẩu cháo cá lóc: Thực khách tùy nghi cho vào cháo đang sôi cá lóc, trứng vịt lộn, rau... Ảnh: Linh San.