Chợ phiên ở Hà Giang không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mua bán mà đây còn là nơi du khách có thể trải nghiệm những sắc màu văn hóa của nhiều dân tộc.
Du khách có thể tham gia các phiên chợ vùng cao khi đến các huyện ở Hà Giang như Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc...
1. Chợ tình Khâu Vai, huyện Mèo Vạc
Được tổ chức mỗi năm một lần vào cuối tháng 3 âm lịch, chợ tình Khâu Vai luôn hấp dẫn khách du lịch. Đây là phiên chợ độc đáo ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, họp trong một thung lũng khá rộng và bằng phẳng thuộc xã Khâu Vai, cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc hơn 20 km.
Các chàng trai, cô gái Tày, Nùng, Giáy… trong các trang phục sặc sỡ và trang sức đặc trưng của dân tộc mình. Ảnh: P.Thảo.
Chợ tình Khâu Vai ban đầu chỉ là nơi hò hẹn của những người đã lỡ dở tình duyên với nhau và là đêm chợ truyền thống của người dân tộc Mông, sau đó được nhiều sự hưởng ứng của nhiều dân tộc khác. Ngày nay, Khâu Vai đã trở thành một phiên chợ hẹn hò, nơi tìm kiếm tình yêu đôi lứa của các thanh niên hay cả những người đã có gia đình. Ở đây, du khách sẽ chiêm ngưỡng đủ mọi màu sắc trang phục của các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày... khiến phiên chợ như một rừng hoa di động.
2. Chợ Du Già, huyện Yên Minh
Nằm cách trung tâm thị trấn Yên Minh hơn 60 km, phiên chợ diễn ra vào thứ 6 hàng tuần và chỉ kéo dài đến hết trưa. Họp ngay ở trung tâm xã, ở trên một địa hình bằng phẳng, đây là một trong những phiên chợ khá hoang sơ và đậm nét văn hóa dân tộc của người vùng cao.
Ở vùng cao, chợ phiên được coi như một ngày hội. Người dân xúng xính váy áo xuống chợ. Ảnh: L.Thảo.
Trong các buổi chợ, thường hay diễn ra các hoạt động văn văn hóa văn nghệ, du khách có thể nghe những điệu sáo, đàn môi réo rắt lòng người hay thưởng thức những món ăn đậm bản sắc của người vùng cao như thắng cố, rượu ngô và mua những sản phẩm được dệt bằng thổ cẩm, đồ đan lát xinh xắn.
3. Chợ Phố Cáo, huyện Đồng Văn
Nằm cách thị trấn Đồng Văn 25 km, phiên chợ Phố Cáo nổi tiếng vì nằm ở cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có nhiều khách du lịch. Đây là phiên chợ lùi cứ 6 ngày họp một lần, thường chỉ kéo dài từ mờ sáng đến hết trưa.
Chợ Phố Cáo không chỉ là nơi mua bán hàng hóa, sản vật địa phương mà còn là nơi sinh hoạt giao lưu văn hóa giữa 17 dân tộc sinh sống trong trên địa bàn xã biên giới. Mỗi phiên chợ đều rất đông vui, nhộn nhịp, ai cũng xúng xính những chiếc váy đẹp nhất, thồ sau lưng đủ thứ, mang đến chợ từ con gà đến đàn lợn líu ríu dưới chân, từ những chiếc váy, khăn quàng đến con dao mài sắc, mớ rau mới hái trong vườn. Họ trao đổi, mua bán tấp nập, vui vẻ như ngày hội.
4. Chợ Lũng Phìn, huyện Đồng Văn
Cũng là phiên chợ lùi, cách thị trấn Đồng Văn khoảng 35 km và chỉ họp vào các ngày Dần và ngày Thân. Không chỉ là phiên chợ lớn, độc đáo và đậm đà bản sắc vùng cao, đây còn là nơi tụ họp, gặp gỡ và giao lưu của hơn 16 dân tộc anh em sinh sống trong vùng.
Du khách đến đây ngoài chiêm ngưỡng những sắc màu văn hóa của nhiều dân tộc còn có thể mua được những mặt hàng đặc sản vùng cao như mật ong bạc hà, chè tuyết Lũng Phìn, rượu ngô, thịt bò khô hay những sản phẩm thổ cẩm tinh tế.
5. Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc
Phiên chợ vùng cao tấp nập người mua kẻ bán. Ảnh: DNSG.
Chợ nằm ngay ở trung tâm thị trấn, gần sân vận động và diễn ra vào ngày chủ nhật hàng tuần. Người dân đi chợ thường có mặt từ đêm hôm trước và chợ kéo dài cả ngày hôm sau. Đây là phiên chợ có quy mô lớn nhất trong hệ thống các phiên chợ vùng cao với đủ các loại hàng hóa nông sản cho đến những vật sử dụng trong gia đình... Đặc biệt phiên chợ Mèo Vạc còn nổi tiếng là chợ bò bởi đây là đầu mối cung cấp bò thịt và bò nuôi cho khắp nơi thông qua các thương lái.
Theo Anh Phương