Chung cư càng cao và to chưa hẳn đồng nghĩa với sự an toàn càng cao - Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Nhà ở chung cư - đặc biệt là chung cư cao tầng đang là xu hướng xây dựng phát triển mạnh mẽ, trong những đô thị lớn phù hợp nhiều yếu tố xã hội. Việc lựa chọn ở trong căn hộ chung cư cũng là ý thích của nhiều người, nhất là các gia đình trẻ. Tuy nhiên, nhà ở chung cư rất khác với nhà ở đơn lẻ trên mặt đất mà sự an toàn là một trong những vấn đề cốt yếu, có rất nhiều điều đáng phải bàn trong thực tế.
Ở chung cư có an toàn không? Đó là một sự thực hiện hữu, là nỗi lo của nhiều người khiến cho chung cư “mất giá”. Nhiều vụ tai nạn xảy ra tại các chung cư là minh chứng rõ ràng cho điều này. Trong đó, nguyên nhân cháy nổ, hỏa hoạn đứng hàng đầu.
Đã có những vụ cháy ở chung cư gây tử vong về người và thiệt hại vật chất đáng kể như sự việc đau thương tại chung cư Carina cuối tuần qua. Tiếp đó là những vụ mưa lớn gây ngập lụt tầng hầm khiến xe cộ bị hư hỏng. Sự cố đối với thang máy cũng là một mối hiểm hoạ của chung cư.
Ngoài ra, còn có những vụ rơi ngã từng tầng cao xuống đất khiến cho chung cư cao tầng vừa là niềm mơ ước lại vừa là mối nghi ngại của rất nhiều người. Những chuyện nhỏ như mưa ngấm qua cửa tràn vào nhà, vệ sinh tầng trên thấm nước xuống tầng dưới, tắc ống thoát nước, hay mất điện phải leo thang bộ… là chuyện rất thường xuyên.
Mức độ tiện nghi của chung cư phải gắn liền với sự an toàn và thiết kế khoa học, có tính nhân văn cho người sử dụng chứ không phải là những vật liệu xa xỉ hay hình thức hoa lá.
Hầu hết các chung cư cao tầng hiện nay bỏ rơi người khuyết tật. Dễ thấy nhất là thiếu các lối dốc lên cho xe lăn, hay hệ thống thang máy có bảng điều khiển quá tầm với hoặc không phù hợp với thị giác của người khuyết tật.
Điều này gây rất nhiều phiền phức cho gia đình và bản thân người khuyết tật. Và đương nhiên điều đó cũng ẩn chứa sự thiếu an toàn trong vận hành khi mà đối tượng sử dụng chung cư là một cộng đồng lớn và rất đa dạng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra những tình trạng đo, chủ yếu là những nguyên nhân sau:
Mất an toàn từ thiết kế kiến trúc
Tính tiện nghi và an toàn trong thiết kế luôn là vấn đề có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đảm bảo tốt các tiện nghi thường sẽ tăng độ an toàn và ngược lại, tai nạn cho cư dân nhà chung cư sẽ tăng lên nếu các tiện nghi không được đảm bảo tốt. Thiết kế kiến trúc tòa nhà và căn hộ chung cư thường có độ phức tạp cao, đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về an toàn và tiện nghi cho nhiều người.
Trên thực tế, nhiều dự án chung cư chỉ quan tâm tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao, giảm giá thành để hiệu quả trong việc “bán hàng”, lãi nhiều mà cố tình quên rằn đây là một “món hàng” đặc biệt – là nơi cư trú của con người.
Nhiều thiết kế lại chạy theo hình thức, hào nhoáng bề ngoài mà xem thường hoặc bỏ qua nhưng quy phạm thiết kế an toàn và tiện nghi cho người sử dụng, chưa có những nghiên cứu thấu đáo về mặt xã hội học để phục vụ cho nhiều đối tượng rất khác nhau.
Các vụ cháy nổ đã xảy ra cho thấy nhiều bất cập trong thiết kế về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy và hệ thống giao thông, vị trí thoát hiểm. Các thang thoát hiểm không đạt tiêu chuẩn chịu lửa và thông gió; giao thông không mạch lạc; khoảng cách an toàn tới vị trí thoát hiểm không đảm bảo…
Các vụ ngập lụt tầng hầm cho thấy thiết kế chưa tính toán được hết các tình huống xảy ra, phương tiện và hệ thống kỹ thuật thiếu và yếu, không đáp ứng được khi có sự cố.
Có những vấn đề đang xung đột nhau về mặt pháp lý và thực tiễn. Ví dụ như quy định ban công, logia phải để thoáng không được lắp đặt hoa sắt, để đảm bảo thoát hiểm, nhưng thực tế người dân lại muốn làm hoa sắt để an toàn không bị ngã, và quần áo phơi khỏi bị bay xuống đất.
Cũng tương tự như cửa sắt bên ngoài cửa chính ở hành lang, có khả năng tăng cường chống đột nhập nhưng cũng lại cản trở công tác thoát nạn, cứu hộ. Mỗi dự án có một quy định khác nhau, và thực tế thì cũng không quản lý được hết các trường hợp, nhất là sau khi ban quản lý dự án đã xong nhiệm vụ, rút khỏi công trường xây dựng.
Việc ra đời các mô hình kiến trúc mới như mô hình nhà ở chung cư hỗn hợp hiện cũng đang làm khó cho kiến trúc sư bởi việc sử dụng chung cùng lúc các chức năng ở - thương mại - văn phòng trong cùng tòa nhà dễ gây nên các xung đột về tiện ích sử dụng cũng như làm gia tăng các nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.
Mất an toàn do chất lượng thi công xây dựng
Đây là một nguyên nhân phổ biến. Bởi khi chủ đầu tư làm dự án, thì thường chuẩn chỉ, mọi thứ đều theo đúng quy định, thiết kế đẹp đẽ; để qua các bước thẩm định của cơ quan chức năng, và để dễ dàng mời gọi khách hàng. Nhưng khi thực tế thi công diễn ra, thì nhiều thứ thay đổi, từ tổng thể đến chi tiết để làm sao giảm giá thành, nhà đầu tư có nhiều lãi.
Theo đó, nhiều chủng loại vật tư, vật liệu bị thay đổi quy cách hoặc thương hiệu, quy trình thi công không đúng - không đủ, chất lượng thi công thực tế của người thợ không đạt yêu cầu, nhiều hạng mục bị bớt xén…
Ví dụ như thay cửa thang thoát hiểm là cửa chống cháy bằng cửa không có khả năng chống cháy, thay kính an toàn bằng kính thường, chất lượng bê tông, vữa trát mác không đảm bảo yêu cầu của thiết kế…
Chính vì vậy, nhiều toà chung cư sau khi được sử dụng chưa lâu đã phát đủ thứ “bệnh”: Tường ngoài nhà bong tróc, nền móng sụt lún, tường nứt, sàn vệ sinh ngấm nước từ tầng trên xuống tầng dưới, cửa gỗ cong vênh, điện chập cháy… Tất cả những điều này đều gây mất an toàn cho đời sống và gây ức chế không nhỏ về tâm lý cho cư dân chung cư; mà việc sửa chữa thường rất phức tạp và mất thời gian do có những phần chung, hoặc liên quan đến nhau, khó bề giải quyết.
Trên thực tế, đã có những sự việc như vữa trát trần nhà rơi cả mảng xuống phòng có người đang sinh hoạt, ống cấp vỡ tràn nước từ tầng trên xuống tầng dưới, thang máy bị sự cố rơi tự do, cửa kính vỡ gây sát thương, hệ thống báo cháy chữa cháy không hoạt đông khi có hoả hoạn… Tất cả có thể là hiểm hoạ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân sống trong đó.
Mất an toàn do quản lý và ý thức con người
Quản lý một công trình lớn như một toà chung cư cao tầng không phải là việc đơn giản, và có những nguyên tắc nhất định. Thế nhưng bên ngoài hai nguyên nhân thiết kế và thi công gây mất an toàn như đã đề cập ở trên, thì việc quản lý chung cư yếu kém cũng là nguyên nhân gây mất an toàn; bên cạnh đó là ý thức của người dân.
Rất nhiều chung cư cao tầng đã bị thay đổi sau khi được đưa vào sử dụng: ban công, logia bị cải tạo thành phòng, lắp khung kính, hoa sắt; thang thoát hiểm bị chiếm dụng làm chỗ để đồ, hành lang thành nơi bán hàng, bể nước cứu hoả chuyển đổi công năng thành bể nước sinh hoạt…
Rất nhiều dự án đã có những chuyển đổi công năng, ví dụ như có diện tích nhà ở, diện tích lưu không chuyển thành diện tích thương mại, căn hộ cải tạo thành văn phòng; trong khi hạ tầng kỹ thuật không thay đổi, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn như quá tải công suất điện, không đảm bảo thoát hiểm khi có sự cố.
Ý thức (yếu kém) của người dân sống trong chung cư và cả nhân viên quản lý cũng là một phần nguyên nhân gây mất an toàn. Ở chung cư cao tầng trong đô thị khác hẳn ở nhà phố, hay ở làng; đòi hỏi người dân phải có kiến thức và ý thức rất cao.
Cách đây vài năm, một chung cư ở Hà Nội đã có vụ cháy gây chết người, mà nguyên nhân hoả hoạn được xác định là có người bỏ rác có tàn lửa vào họng đổ rác chung, gây cháy. Hay gần đây nhất - ở vụ cháy chung cư Carina, TP.HCM: Trước khi sự cố xảy ra, cư dân đã có phản ánh về việc bảo vệ hút thuốc trong tầng hầm để xe - điều đó cực kỳ nguy hiểm. Đó chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều chuyện về ý thức ở trong chung cư cao tầng.
Sống ở chung cư cao tầng trong đô thị là môi trường sống hiện đại, có những đặc thù xã hội rất riêng mà dường như ở Việt Nam người dân vẫn còn đang tiếp cận với nhiều sự lạ lẫm, mới mẻ. Và để môi trường sống ở chung cư thực sự an toàn vẫn là câu chuyện dài chưa kết thúc; khi mà tốc độ xây dựng loại hình công trình này vẫn đang phát triển ầm ầm ở các đô thị lớn.