UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu, định hướng cụ thể cho từng giai đoạn, hoạt động của các CCN sẽ đi vào khuôn khổ, tránh tình trạng kém hiệu quả tại một số CCN như hiện nay.
CCN tỉnh Ninh Bình sẽ được phát triển theo định hướng đầu tư có trọng điểm vào lĩnh vực tiềm năng |
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, các CCN trên địa bàn đang phát triển khá nhanh. Một số CCN đạt tỷ lệ lấp đầy cao, như: CCN Ninh Phong, CCN Ninh Vân... Các CCN đã tạo sức hút mạnh mẽ các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giúp địa phương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất tập trung (làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân); phát triển nghề truyền thống (nghề cói ở CCN Đồng Hướng, nghề gỗ mỹ nghệ ở cụm làng nghề Ninh Phong)...
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số CCN trong tình trạng ảm đạm, khó thu hút cơ sở sản xuất - kinh doanh. Đáng chú ý là một số CCN hình thành từ trước năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đường nội bộ; cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; nhà quản lý điều hành, công trình bảo vệ...
Cùng đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng, các CCN cũng gặp nhiều trở ngại. Hiện chưa có doanh nghiệp nào đầu tư, kinh doanh hạ tầng CCN. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi đủ mạnh. Đây là lĩnh vực kinh doanh mới, nguồn vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm... nên hầu hết các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm.
Để khắc phục hiện trạng trên, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, trong giai đoạn 2016- 2020 sẽ mở rộng hai CCN có điều kiện phát triển thuận lợi là CCN Mai Sơn (huyện Yên Mô) và CCN Đồng Hướng (huyện Kim Sơn) với tổng diện tích tăng thêm 40ha; điều chỉnh 2 CCN và thành lập mới 10 CCN. Đến năm 2020, Ninh Bình sẽ có 24 CCN với tổng diện tích 565,5ha.
Giai đoạn 2021- 2025, Ninh Bình phấn đấu đưa tổng diện tích đất các CCN lên khoảng 946,3ha với 25 CCN, trong đó thành lập mới 1 CCN, mở rộng 15 CCN. Ninh Bình cũng phấn đấu đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân từ 70- 75%.
Theo quy hoạch, các CCN sẽ phát triển theo định hướng dành quỹ đất, đầu tư có trọng điểm vào những ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng; ưu tiên mở rộng các CCN nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; tận dụng hạ tầng cơ sở và tiện ích công cộng, giảm chi phí ban đầu, đưa nhanh các công trình đầu tư vào hoạt động… nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho phát triển CCN.
Để các quy hoạch phát triển được triển khai theo đúng lộ trình, Ninh Bình cũng đưa ra nhiều giải pháp cũng như ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá hiệu quả đầu tư, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho các CCN. Lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn, mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động tại chỗ; ưu tiên đào tạo cho lao động bị mất đất cho xây dựng CCN; xây dựng mạng lưới đào tạo nghề sát với thực tiễn, đa dạng hóa phương thức đào tạo.
Về vốn đầu tư, nguồn vốn từ nguồn ngân sách tỉnh chủ yếu hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông đấu nối vào CCN; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường huy động nguồn vốn trong nước thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, liên kết với các doanh nghiệp lớn trên cả nước. Tỉnh cũng tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi.
Theo quy hoạch, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2025 khoảng 3.314 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016- 2020 khoảng 1.791 tỷ đồng, giai đoạn 2021- 2015 khoảng 1.523 tỷ đồng. |