Để triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016, tỉnh Ninh Bình có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính thực thi nhiều hướng đi, giải pháp nâng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum có buổi trao đổi với ông Nguyễn Cao Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình. Ngô Khuyến thực hiện. Ông đánh giá thế nào về tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình trong 5 năm gần đây (2011-2015), những mặt “được” và vấn đề còn tồn tại? Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển trên toàn địa bàn đạt 103,6 nghìn tỷ đồng, tăng gấp… lần giai đoạn 2006-2010. Cơ cấu đầu tư cũng giảm dần vốn Nhà nước, thay vào đó là từ các khu vực tư nhân: Nếu như năm 2011, nguồn ngân sách còn chiếm 12,43% thì đến năm 2015 chỉ còn 10,27% và thay vào đó là vốn doanh nghiệp, dân cư tăng từ 35,46% lên 65,6%; vốn FDI từ 10,78% lên 16,7%. Ninh Bình hiện có 07 dự án ODA với tổng số vống 2.120 tỷ đồng, đã giải ngân trên 80% và đều đang thực hiện đúng tiến độ, được xếp loại dự án ở mức độ khá tốt. Trên địa bàn tỉnh hiện cũng có 4.823 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 100.632 tỷ đồng. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh thu hút được 542 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký 105.180 tỷ đồng, trong đó có 41 dự án FDI với tổng mức đầu tư trên 01 tỷ USD (19 dự án FDI ngoài KCN, 22 dự án FDI trong KCN) với sự có mặt của nhà đầu tư đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm Nhật, Đài Loan, Ý, Hàn Quốc, Singapore, Brunei, Canada, Trung Quốc, Anh, Hồng Kông và Pháp. Trong 5 năm qua cũng có nhiều dự án lớn đi vào sản xuất như: Nhà máy cán thép Kyoei; các nhà máy xi măng Tam Điệp, The Vissai, Hướng Dương, Duyên Hà; nhà máy kính nổi Tràng An, nhà máy ô tô Thành Công… Năm 2015, doanh thu các doanh nghiệp trong KCN đạt 13 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu đạt 27 triệu USD, tạo trên 2.000 việc làm mới. Sản phẩm công nghiệp của Ninh Bình ngày càng đa dạng và có chỗ đứng trên thị trường với sản lượng hàng năm: 9 triệu tấn ximăng, 100 nghìn tấn thép, trên 500 triệu viên gạch, gần 3.000 chiếc ô tô, 7 triệu m2 kính nổi, 560 nghìn tấn urê, 2 triệu sản phẩm thêu... Cùng với công nghiệp, các dự án đầu tư phát triển du lịch cũng đi vào hoạt động; nhất là các khu vui chơi, giải trí, khách sạn nhà hàng như: Khu du lịch Tràng An, khu tâm linh núi chùa Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động, cố đô Hoa Lư,... cũng đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Tuy vậy, hoạt động thu hút đầu tư vẫn còn một số tồn tại như vẫn còn một số dự án chưa mang lại hiệu quả trong việc đóng góp ngân sách thấp, tạo việc làm cho người, sử dụng đất không hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường… Bên cạnh đó là tỷ trọng đầu tư vào ngành kinh tế chưa cân đối; một số dự án triển khai chậm hoặc không thực hiện đúng mục tiêu đề ra, giải quyết việc làm và thu nhập của người lao động không phù hợp. Trong những năm qua, chỉ số PCI của Ninh Bình đã có những bước tiến đáng kể, riêng năm 2014 xếp 11/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm điều hành Tốt. Để duy trì và cải thiện chỉ số này bền vững, tỉnh đã và đang thực hiện hướng đi, giải pháp nào, thưa ông? Những năm gần đây, chỉ số PCI của Ninh Bình có nhiều cải thiện. Riêng năm 2014, Ninh Bình xếp 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 17 bậc so năm 2013 với nhiều chỉ số thành phần: Tính minh bạch và trách nhiệm, Cải cách thủ tục hành chính, Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, Gia nhập thị trường, Đào tạo lao động… đều tăng điểm và có điểm số cao. Kết quả đó cũng phản ánh đúng với những nỗ lực và cam kết của cấp chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư về một môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch và thuận lợi hơn. Để tiếp tục duy trì và nâng cao điểm số PCI một cách bền vững, trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Quán triệt và thực hiện tốt các kế hoạch của UBND tỉnh nhằm triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh như: Kế hoạch 58/KH-UBND ngày 28/7/2015 nhằm triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ và Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015, 2016 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch 13/KH-UBND ngày 14/02/2015 của UBND tỉnh nhằm triển khai Nghị quyết số 08/NQ-BCSĐ ngày 21/01/2015 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch 17/KH-UBND ngày 09/3/2015 nhằm triển khai Nghị quyết số 09/NQ-BCSĐ ngày 21/01/2015 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc tăng cường lãnh đạo chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2015. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo giải quyết các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quyết định 525/QĐ-UBND ngày 08/7/2014, thường xuyên tỏ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án: đất đai, nguồn vốn, lao động ... Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, giảm tối đa thời gian đăng ký kinh doanh (3 ngày), cấp giấy chứng nhận đầu tư và thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,.. Ninh Bình cũng công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất và khung giá đất; các kế hoạch của tỉnh, các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách, giải quyết các thủ tục hành chính bằng cơ chế "một cửa", và “một cửa liên thông”.... Ngoài ta, tỉnh cũng sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; Xây dựng được quan hệ hợp tác, phối hợp cùng xúc tiến, kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với các Đại sứ quán, Tham tán đầu tư Việt Nam tại nhiều nước: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Phòng xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)… giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận và mở rộng thị trường tại các nước: Brazin, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.. cũng như tạo thêm các nguồn đầu tư FDI tại tỉnh Ninh Bình. Ông đánh giá thế nào về quá trình triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2014 và năm 2105 về những giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua? Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, ngày 13/6/2014, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và phân công các cơ quan, đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung tháo gỡ những “nút thắt“ trong quá trình phát triển hiện nay như: Tập trung rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các công trình trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý điều hành; thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo,... Qua hơn một năm triển khai cho thấy việc cải cách hành chính đã có chuyển biến tích cực. Các thủ tục hành chính được Sở Tư pháp cập nhật đầy đủ, công khai trên cơ sở dữ liệu Quốc gia theo quy định. UBND tỉnh công bố kịp thời và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên trang website của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đến nay, 100% đơn vị hành chính thực hiện cơ chế một cửa (17/17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 8/8 huyện, 145/145 cấp xã); trong đó giải quyết theo cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính cấp tỉnh là 199 lĩnh vực; cấp huyện từ 4-9 lĩnh vực và tại cấp xã 3-5 lĩnh vực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị được đẩy mạnh, đã cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng. Toàn tỉnh có 24/26 sở, ngành và UBND cấp huyện xây dựng trang thông tin điện tử, qua đó cung cấp các thông tin, biểu mẫu, quy trình giải quyết công việc. Hiện có 8/8 UBND các huyện, thành phố triển khai phần mềm một cửa điện tử liên thông tại Trung tâm một cửa, một số đơn vị hoạt động có hiệu quả như thành phố Ninh Bình, huyện Gia Viễn, Nho Quan... Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đã triển khai các chương trình, kế hoạch đồng thời công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông và thông báo tới các trường Đại học, Cao đẳng, dạy nghề, các doanh nghiệp trên về Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2020. Ngành giáo dục và đào tạo và các đơn vị giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn cũng đang tiến hành nghiên cứu để có cơ sở đề xuất các cơ chế mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung đào tạo và khảo thí cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng dịch vụ Giáo dục và Đào tạo theo cơ chế thị trường gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra. Thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đến năm 2020; trong đó tập trung vào 3 nội dung chính là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Đến nay, sau một thời gian triển khai việc tái cơ cấu đầu tư công từ nguồn vốn NSNN theo hướng tập trung; khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư đi đôi với việc tiếp tục tăng cường phát huy tính chủ động, linh hoạt; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch... Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch trung hạn 2016-2020. Ông có chia sẻ gì về những điểm nhấn trong định hướng thu hút đầu tư cũng như hướng đi, giải pháp thực hiện của tỉnh Ninh Bình trong 5 năm tới? Để thực hiện hiệu quả khâu đột phá và chương trình trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, Sở Kế hoạch Đầu tư đã và đang tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 gồm: Một là, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, trước hết là rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các quy hoạch cho phù hợp với tình hình mới, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch phát triển các ngành, quy hoạch phát triển đô thị. Cùng với đó là việc công khai quy hoạch giúp các nhà đầu tư và nhân dân nắm rõ định hướng của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Hai là, thực hiện các giải pháp thu hút các nguồn vốn đầu tư, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng sớm xây dựng danh mục dự án thu hút và sử dụng để làm căn cứ vận động ODA; tập trung vận động nguồn vốn ODA để đầu tư góp phần nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ninh Bình cũng tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI. Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, trước hết là các lĩnh vực thu hút và giải quyết các thủ tục đầu tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “một cửa” và “một cửa liên thông”. Tỉnh cũng sẽ xử lý dứt điểm với thời gian nhanh nhất các vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư. Cải tiến và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp.Làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Ninh Bình sẽ mở kênh trực tuyến thông tin đối với nhân dân, tổ chức các cuộc họp báo, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp. Theo vccinews.vn |