Đó là yêu cầu của Thanh tra Chính phủ (TTCP) khi xem xét thực trạng đối với các dự án năng lượng tái tạo được phê duyệt đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. TTCP cho rằng, căn cứ vào thực trạng hạ tầng truyền tải và tiến độ, cần có phương án thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ.
Nhiều dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận được cấp phép "đè" lên quy hoạch tưới ở các dự án thủy lợi Ảnh:TL
Theo bản thông báo kết luận Thanh tra việc thực hiện quản lý pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, thăm dò khai thác cát sỏi, quản lý đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (14-8), trình tự, thủ tục một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất tại Ninh Thuận còn một số khuyết điểm như sau:
Một số dự án điện mặt trời sử dụng đất thuộc vùng quy hoạch tưới của dự án thủy lợi, lại chưa xác định kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất.
Riêng tại các dự án năng lượng tái tạo, cũng theo bản thông báo nói trên, căn cứ vào thực trạng hạ tầng lưới truyền tải điện và tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng lưới điện truyền tải, UBND tỉnh Ninh Thuận tiến hành rà soát, xem xét, có phương án thống nhất với các nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án điện mặt trời đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng để hạn chế tối đa việc các nhà máy năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh bị giảm công suất phát điện khi vận hành thương mại.
Trước mắt, UBND tỉnh này phải bảo đảm 15 dự án đã vận hành thương mại và 5 dự án đã hoàn thành trong năm 2019 giải tỏa 100% công suất. Phải rà soát, xử lý theo quy định đối với 7 dự án điện gió đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng được Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đấu nối, rà soát các dự án điện mặt trời đang trình thẩm định bổ sung quy hoạch.
Thanh tra yêu cầu tỉnh đề nghị Bộ Công Thương xem xét thẩm định đối với các dự án có khả năng giải tỏa 100% công suất, các dự án bổ sung quy hoạch còn lại, căn cứ khả năng giải tỏa công suất của hệ thống hạ tầng truyền tải điện đã đầu tư để tiếp tục đề nghị Bộ Công thương thẩm định.
Ninh Thuận là “điểm nóng” về đầu tư năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện gió trong những năm gần đây do ưu đãi về thiên nhiên (gió, mặt trời). Ba năm gần đây, cơn sốt đầu tư vào NLTT tại Ninh Thuận nhờ giá mua điện cao của Chính phủ khiến Ninh Thuận nhận được đề nghị cấp phép dự án ồ ạt của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, do mức giá ưu đãi mua điện chỉ được thực hiện đối với các dự án được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23-11-2019 và nối lưới trước ngày 31-12-2020 nên các chủ đầu tư càng chạy đua bằng mọi giá khiến nhiều dự án được phê duyệt đầu tư khi chưa được cấp phép nối lưới hoặc chưa có hợp đồng mua bán điện, khiến Hệ thống điện quốc gia chịu ảnh hưởng.