Nhiều sân bay phía Nam giảm 20 - 50% lượng khách, trong khi ga quốc nội của Nội Bài lại đông đúc người làm thủ tục.
Những ngày giữa tháng 2, sân bay Nội Bài, Hà Nội, ghi nhận số lượt cất, hạ cánh hàng ngày ổn định, thậm chí tăng so với mức trung bình. Phó giám đốc cảng hàng không quốc tế Nội Bài Nguyễn Huy Dương cho biết, dù tình hình dịch bệnh, lượng hành khách qua cảng vẫn khá cao với gần 100.000 hành khách, hơn 600 chuyến bay cất hạ cánh mỗi ngày. Trong khi trung bình mỗi ngày sân bay này có 550 chuyến bay cất hạ cánh, vận chuyển khoảng 80.000 khách.
Tại nhà ga quốc tế T2, hành khách phần đông là các đoàn xuất khẩu lao động trở lại những quốc gia Đông Bắc Á làm việc sau kỳ nghỉ. Là một trong số ít khách Việt du lịch, chị Trần Thị Lưu Ly (Hà Nội) chờ check-in chuyến bay sang Thái Lan. "Tôi đặt vé rồi nên vẫn quyết định đi. Chỉ hơi lo một chút về dịch bệnh đang diễn ra nên tôi mang theo nước rửa tay khô, khẩu trang, hạn chế chạm vào đồ vật ở nơi công cộng. Tôi thấy đa số hành khách đều không quá lo lắng, nhiều người còn không đeo khẩu trang", chị Ly nói.
Quầy làm thủ tục tại nhà ga T1 sân bay Nội Bài chật kín khách ngày 10/2. Phần lớn hành khách đều mang theo khẩu trang để đề phòng dịch bệnh. Sau khi các hãng tạm dừng các đường bay với Trung Quốc - thị trường chiếm khoảng 1/3 lượng khách quốc tế tới Việt Nam, hiện đa số hành khách tại sân bay Nội Bài đến từ châu Âu, Mỹ. Ảnh: Kiều Dương.
Tại nhà ga quốc nội T1, nhiều khách nước ngoài làm thủ tục với tâm lý thoải mái, trong đó có Elly, người Anh, 25 tuổi. Cô đón chuyến bay đến Đà Nẵng, sau khi đã tham quan Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa, Ninh Bình.
"Theo tôi tìm hiểu, số người chết vì virus corona đa phần ở Trung Quốc, không có tử vong ở Việt Nam và Anh. Vì vậy tôi thấy nó chỉ như bệnh cúm thông thường. Tôi đã tiêm vaccine cúm ở Anh rồi", Elly nói.
Trong khi đó, Justin, du khách Mỹ 24 tuổi, không muốn mạo hiểm. Anh kéo lại chiếc khẩu trang vải khi cho biết mình đến Việt Nam từ 10/1, thăm thú nhiều thành phố khắp ba miền, dự định đi du thuyền Hạ Long trước khi về nước.
"Vài hôm trước nhiều du thuyền dừng hoạt động để kiểm tra và khử trùng. Tôi quyết định không đi du thuyền nữa vì khá lo lắng, dù nhiều người vẫn tiếp tục chờ. Chúng tôi chỉ ở lại Hà Nội và nằm trong khách sạn mấy ngày cuối", Justin nói.
Trái ngược với vẻ nhộn nhịp của sân bay Nội Bài, chiều 10/2 không gian tĩnh lặng bao trùm sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Bảng thông báo liên tục đưa tin "hủy chuyến" với các hành trình đến, đi từ Trung Quốc. Đường vào khu vực đón taxi trước nhà ga quốc tế và quốc nội của sân bay đông khách nhất cả nước thỉnh thoảng mới có xe, không còn cảnh xe cộ ùn ứ như thường ngày. Những tuyến đường di chuyển từ trung tâm thành phố cũng thông thoáng, hành khách chỉ tốn 15 phút là đến sân bay, thay vì 30 - 45 phút như trước.
Các quầy check-in thưa khách tại sảnh nội địa, sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tâm Linh.
Khu vực sảnh đón vắng vẻ. Nhân viên của các hãng taxi sân bay ngồi tán gẫu, không màng tới chuyện tìm khách. Anh Nam, tài xế của một đơn vị lữ hành chuyên đón khách Nga, Hàn Quốc đi tour Sài Gòn - Mũi Né than thở: "Đợt này ga quốc tế vắng quá. Khách công ty tôi cũng ít sang, giảm đến 60%".
Chị Phương, một doanh nhân từ Hà Nội vào TP HCM công tác ngày 10/2, cho hay bình thường mất tới 10 - 15 phút để đợi xe ở bãi tới đón nhưng nay, chưa đầy 5 phút chị đã thấy tài xế.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, hàng chục năm qua sau Tết luôn là cao điểm đi lại của người dân, có lúc sân bay đón đến 144.300 hành khách một ngày. Tuy nhiên, dịch viêm phổi đã khiến lượng khách giảm nhiều. Chỉ riêng tại Trung Quốc, 40 chuyến tới 18 điểm bay mỗi ngày tạm thời phải ngừng khai thác.
Theo cơ quan chức năng, hiện sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ trung bình hơn 100.000 lượt hành khách mỗi ngày. Năm 2019, sân bay phục vụ 38,4 triệu lượt khách (vượt công suất thiết kế 10,4 triệu lượt). Đến cuối 2019, mỗi ngày có hơn 700 lượt chuyến bay cất hạ cánh tại cảng hàng không này.
Bảng thông báo tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/2. Ảnh: Tâm Linh.
Tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), ông Dương Trí Thành cho biết hãng đang bị ảnh hưởng lớn. Đường bay Trung Quốc chiếm 10% thị phần bay của hãng, giai đoạn này toàn bộ hơn 30 chuyến bay thẳng đến Trung Quốc hàng ngày đã dừng.
"Virus corona làm ảnh hưởng trực tiếp đến 70.000 du khách di chuyển mỗi tháng giữa hai quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc. Nếu thị trường phục hồi vào tháng 7/2020, tổng thiệt hại tài chính do virus corona gây ra cho hãng có thể lên tới 196 triệu USD", ông Thành dự đoán.
Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đánh giá, sức ép của dịch viêm phổi cấp Covid-19 đang khiến doanh số nhiều đường bay giảm mạnh. Chặng Việt Nam - Trung Quốc thất thu. Trong nước, lượng khách qua nhiều cảng hàng không giảm sút rõ rệt. Các sân bay quốc tế lớn như Đà Nẵng, Cam Ranh... cùng chung cảnh ngộ với Tân Sơn Nhất.
Tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa, số chuyến bay đến và đi từ 7 - 9/2 thấp hơn một nửa so với cùng kỳ tháng trước và đang trong đà giảm. Trung bình mỗi ngày có hơn 200 chuyến bay đến, đi tại cảng Cam Ranh, nay còn khoảng 100 chuyến, chưa kể 2 - 3 chuyến bị hủy tùy từng ngày.
Từ 28/1, tỉnh Khánh Hòa đã dừng các hoạt động đưa khách Trung Quốc đến địa phương để phòng virus corona. Năm 2019, Khánh Hòa đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc chiếm đến 70% (2,5 triệu lượt). Dịch bệnh khiến 5.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và những người dân phụ thuộc vào hoạt động này thất nghiệp, các doanh nghiệp cũng cầm cự và chưa tìm ra giải pháp.
Đại diện sân bay Cần Thơ cho biết, so với cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng khách thông qua cảng trong tuần qua giảm 20%, dù các hãng hàng không vẫn duy trì tần suất khai thác các đường bay thường lệ. Trong đó, giảm rõ rệt là lượng khách trên các đường bay Cần Thơ đi Hà Nội, Đà Nẵng và ngược lại. Lượng hành khách trên các đường bay quốc tế đang duy trì ở mức khá, với hiệu suất ghế khai thác khoảng 60 - 80%.
Ngày 6/2, Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố ước tính thiệt hại vì virus corona trong 3 tháng sẽ ở mức 5,9 - 7,7 tỷ USD. Xét trên cơ cấu chi tiêu của khách du lịch theo kết quả điều tra năm 2019, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm đều thiệt hại trung bình 1 - 1,8 tỷ USD mỗi ngành. |
Theo Kiều Dương - Tâm Linh / VnExpress