Bảo tàng Đăk Lăk, tọa lạc trên đường Y Ngông trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, là nơi du khách có thể tìm hiểu về xứ sở của voi và cà phê vùng Tây Nguyên. Ảnh: Lương Viết Cường
Công trình được thiết kế dựa theo kiến trúc nhà dài đặc trưng của cộng đồng người Ê-đê, dân tộc đông dân nhất ở Đăk Lăk.
Bên trong bảo tàng lưu giữ và trưng bày khoảng 1.000 hiện vật giới thiệu về lịch sử, địa lý tự nhiên và văn hoá của các cộng đồng dân tộc bản địa như Ê-đê, Mnông, Gia-rai, Xơ-đăng, Giẻ Triêng, Mạ...
Những hiện vật phần lớn là nguyên mẫu hoặc mô hình thu nhỏ, phản ánh đời sống sinh hoạt và văn hóa của đồng bào bản địa như gùi, khố, nhạc cụ, dụng cụ săn bắt...
Bảo tàng dành không gian riêng để tái hiện nghề thuần hóa voi, hoạt động gắn liền với đời sống của cư dân vùng Đăk Lăk từ xa xưa. Tại đây trưng bày một số hiện vật mà du khách có thể không còn thấy ở ngoài đời, như bành voi và mái che đặt trên lưng, gậy móc điều khiển, dây đeo cổ, cùm chân...
Tại khu vực nông sản địa phương, khách được sờ và ngửi các loại hạt cà phê, tiêu, hồi... đồng thời xem nhiều loại đặc sản Đăk Lăk có thể mua về làm quà.
Du khách có thể lần lượt tham quan bảo tàng Đăk Lăk theo ghi chú, chỉ dẫn ở từng không gian theo chủ đề khác nhau. Đặc biệt, chú thích của các phần trưng bày đều được thể hiện bằng 4 ngôn ngữ gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ê-đê.
Thời gian than quan là 7h30 - 16h30, từ thứ 3 đến chủ nhật (kể cả lễ, Tết). Giá vé 30.000 đồng/ người lớn, 20.000 đồng/ trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Cách bảo tàng Đăk Lăk gần 3km, bảo tàng Thế giới Cà phê là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Buôn Ma Thuột bởi kiến trúc lạ mắt, được nhiều du khách ví như "trời Tây" giữa phố núi. Ảnh: Hoàng Tuấn Anh
Kiến trúc bảo tàng cũng được phỏng theo nhà dài cách điệu pha lẫn nét hiện đại, với nhiều không gian mở. Bên trong trưng bày các hiện vật liên quan đến cà phê như dụng cụ sản xuất và chế biến, được chia thành các khu khác nhau. Ảnh: Hoàng Tuấn Anh
Điểm đặc biệt ở đây là hơn 10.000 hiện vật về cà phê được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới qua nhiều thời kỳ, xuất xứ và đặc điểm văn hóa được chú thích chi tiết.
Tại quầy đồ uống, thị giác và vị giác của du khách sẽ được đánh thức bởi 3 phong cách cà phê từ nền văn minh Ottoman, Roman và cà phê Thiền. Trong ảnh là bộ dụng cụ pha chế và thưởng thức kiểu Ottoman, cái nôi của văn minh cà phê thế giới.
Bên cạnh bộ sưu tập cà phê thế giới, bảo tàng cũng trưng bày nhiều vật dụng sản xuất và chế biến cà phê của địa phương từ thời sơ khai đến nay.
Ngoài không gian trưng bày, du khách có thể dùng các thức uống từ cà phê tại khuôn viên bảo tàng.
Nơi đây mở cửa từ 8h đến 18h mỗi ngày. Giá vé tham quan 75.000 đồng/người lớn, 40.000 đồng/trẻ em, kết hợp xem một số triển lãm thu vé 100.000 đồng/lượt tham quan, khách có thể mua combo vé với giá 125.000 đồng. Vé được giảm 30% cho học sinh, sinh viên khu vực Tây Nguyên, 50% cho người dân tộc thiểu số, các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa. Ảnh: Hoàng Tuấn Anh