Có dịp về quê lúa Thái Bình những ngày hè oi ả. Thực khách sẽ bị níu chân bởi những món ăn độc đáo được chế biến từ sứa của vùng quê yên ả thanh bình. Nộm sứa là món ăn mát, giải nhiệt nếu ai đã từng một lần ăn nộm sứa Thái Thụy vào mùa hè chắc hẳn còn lưu giữ mãi hương vị thanh mát của món hải sản đặc trưng của vùng quê này.
Đặc sản người dân miền Biển
Sứa là một lớp nhuyễn thể, thân mềm, sống ở môi trường nước, là động vật thuộc loại xoang trường cùng họ với san hô. Thân sứa trong suốt như thủy tinh, mềm mại như chiếc lá, mang đủ mầu sắc, từ xanh dương, hồng cho đến tim tím… Hơn 90% cơ thể sứa là nước, chính vì thế, sứa rất mát nên dùng nhiều trong các phương thuốc đông y. Thịt sứa ngon, chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể như Protein, đường, các nguyên tố vi lượng tốt như Phosphorus, Mg. Trong Đông Y, sứa dùng ngăn chặn một số bệnh như đầy hơi, chướng bụng và sử dụng trong một số bài thuốc tri đờm, táo bón, viêm phổi, bệnh liên quan huyết áp, rối loạn kinh, thiếu sữa, bệnh dạ dày, .. đặc biệt bệnh ung thư tiền liệt tuyến.
Mùa hè là mùa sứa nổi, nhiều nhất là vào tháng 4, tháng 5, từng thảm sứa di động trên mặt biển trông như vườn hoa sặc sỡ. Sứa không có mắt, vây, tai, đuôi và cũng không có xương. Xưa kia, người dân đi biển gặp sứa thì bắt về làm sạch ngâm với sú vẹt để vài tháng không hỏng, ăn dần hoặc đem bán lẻ ở các chợ. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nộm sứa trở thành món ăn đặc sản xuất khẩu ra nước ngoài, ở Thái Thụy có cả đội tàu đi thu gom sứa, hàng chục cơ sở chế biến sứa hình thành ở 6 xã, thị trấn ven biển.
Tỉ mỉ trong cách chế biến
Ðể có được món nộm sứa ngon, quy trình chế biến rất cầu kỳ. Món nộm sứa Thái Bình không giống ở các cửa hàng vẫn bán trên phố, nó vừa mang nét dân dã quê nhà vừa đậm đà hương vị vùng quê miền biển. Sứa bắt về được làm sạch, ướp với muối phèn. Sau một thời gian, những miếng sứa ngậm muối mới bỏ ra ép thành tấm như chiếc bánh đa. Sứa ngâm muối phèn thường dai và giòn, sau đó được cắt thành những miếng móng, trần qua nước sôi rồi xếp riêng ra đĩa.
Nguyên liệu: Sứa tươi, lạc,vừng trắng, hành tây, cà rốt, ruốc thịt, mực khô, thịt bò khô, chanh, sả, dừa nạo, húng quế, đường, ớt, bột canh, dầu vừng (mè)
Cách làm: Bắc một nồi nhỏ nước lên bếp, cho vào nồi một ít muối, đun sôi. Nước sôi thì cho sứa tươi đã rửa sạch, cắt nhỏ vào chần qua. Vớt sứa ra để ráo nước.
Lạc và vừng đem rang chín. Lạc sảy sạch vỏ rồi đem giã dập. Mực, thịt bò khô xé sợi.
Hành tây bóc bỏ vỏ, rửa sạch, thái thật mỏng rồi đem ngâm vào bát nước đá cho giòn và bớt hăng, sau đó vớt ra để ráo nước. Cà rốt nạo bỏ vỏ, rửa sạch rồi nạo thành sợi nhỏ. Lá chanh rửa sạch, thái chỉ. Rau húng quế rửa sạch, thái nhỏ. Sả, ớt rửa sạch rồi thái vát.
Dùng dao cắt đôi quả quất, vắt lấy nước cốt vào một cái bát. Thêm vào bát một thìa ăn cơm đường, 1 thìa cà phê bột canh và một thìa ăn cơm dầu vừng (hoặc có thể pha theo khẩu vị nhà bạn). Dùng thìa khuấy đều cho tan đường và bột canh.
Cho sứa, cà rốt, hành tây, sả, lá chanh, húng quế, ớt vào chung một bát rồi đổ bát hỗn hợp chua ngọt vừa pha vào. Trộn đều tất cả rồi để qua một bên. Thi thoảng lại trộn đều cho sứa ngấm gia vị. Khi nào ăn thì cho mực khô, thịt bò khô, lạc và vừng vào bát sứa, trộn đều.
Đậm đà trong cách thưởng thức
Nộm sứa ngon là sau khi chế biến phải giòn, thơm và khô. Muốn như vậy sứa cùng hành tây sau khi rửa sạch, thái nhỏ, trần qua nước nóng phải để khô để khi trộn đều lên sứa không bị ướt, ăn vào sẽ cảm nhận được vị giòn không chỉ của riêng sứa mà còn vị giòn của cả hành tây.
Nộm sứa Thái Bình là sự kết hợp hài hòa của vừng, lạc, dừa nạo, hành tây, lá chanh, mực khô xé nhỏ và một chút rau húng thái nhỏ cho thơm. Nộm sứa ngon là sau khi chế biến phải dòn, thơm và khô, khi thưởng thức thực khách cảm nhận được vị giòn tan của sứa, quyện với vị đậm đà nước mắm cốt, ngầy ngậy của lạc, thơm dịu ngọt của dừa và một chút vị biển của mực khô.
Nộm sứa nơi đây phải luôn đi kèm với rau kinh giới và bát mắm tôm chanh ớt. Nếu thiếu những gia vị đó, nộm sứa sẽ mất đi hương vị đậm đà của người dân miền biển Thái Bình./.
Theo langvietonline.vn