Doanh nghiệp muốn mở rộng miễn thị thực để hút khách du lịch, trong khi cơ quan quản lý thấy khó bởi quan điểm đòi bình đẳng cho visa Việt.
Khách quốc tế đến Việt Nam đông chưa từng có
Chưa hết năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 11,6 triệu lượt, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 11, Việt Nam đón gần 1,2 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 14% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 8 kể từ đầu năm, lượng khách quốc tế đạt trên một triệu lượt một tháng.
Theo đánh giá của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính), tăng trưởng đáng kể trong ba quý đầu năm của ngành du lịch là nhờ chính sách miễn thị thực, áp dụng thị thực điện tử, các giải pháp e-marketing và chạy quảng cáo trên các kênh truyền hình quốc tế… Gần như chắc chắn tổng lượng khách đến Việt Nam năm nay sẽ đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Khách quốc tế tham quan địa đạo Vĩnh Mốc, Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Thành |
Tuy nhiên, Ban nghiên cứu cho rằng, những kết quả này chưa đủ để tạo nên sự phát triển bền vững vì phát triển vẫn chỉ chú trọng số lượng mà chưa phải chất lượng du khách.
Ông Ngô Minh Đức – Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn là rào cản cho tham vọng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn mà Bộ Chính trị đề ra.
“Chính sách miễn thị thực của Việt Nam không có sức cạnh tranh và hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực, hiện chỉ áp dụng cho công dân của 23 quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu áp dụng chính sách miễn thị thực với thời gian 15 ngày, ít hơn độ dài trung bình khách quốc tế đến Việt Nam và ít hơn nhiều so với chính sách của các quốc gia láng giềng”, ông Đức cho biết.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp inbound, thế khó của họ là không thể lên chiến lược quảng bá và thu hút khách dài hạn do Chính phủ thường công bố danh sách các nước được miễn thị thực theo từng năm và trước thời điểm áp dụng chỉ từ một đến 3 tháng. Quy định mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày làm hạn chế số lượng khách đi theo tour kết hợp với các nước lân cận.
Thông cảm cho khó khăn của ngành du lịch nhưng bà Đoàn Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho rằng phát triển du lịch không thể trông cậy vào "chìa khóa" miễn thị thực là chính. Bởi lẽ, có những quốc gia có độ mở về thị thực tương đương Việt Nam nhưng khả năng thu hút khách du lịch rất lớn.
“Trong 23 quốc gia Việt Nam miễn thị thực thì đã có 13 quốc gia là chúng ta đơn phương miễn. Chúng ta muốn tạo điều kiện đón khách du lịch nhưng thị thực cũng là yếu tố trong các đàm phán ngoại giao. Chúng ta mong muốn sự bình đẳng, có qua có lại. Có một số nước châu Âu chúng ta miễn thị thực cho công dân họ nhưng công dân Việt Nam xin visa lại rất khó khăn”, bà Lan nhận định. Ý kiến của bà cũng nhận được sự đồng tình của đại diện Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ công an) trong buổi đối thoại với doanh nghiệp diễn ra gần đây tại TP HCM.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý ngành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương khuyến nghị cân nhắc vượt qua quan điểm "có đi có lại" trong việc miễn thị thực.
“Về phía ngành du lịch, chúng tôi cũng rất muốn làm sao có đột phá trong vấn đề visa. Vì nếu chúng ta muốn phát triển nó thành ngành kinh tế mũi nhọn thì đó là một vướng mắc phải nói thật với nhau, chứ vòng vo thì cũng không ra kết quả cuối cùng. Rõ ràng, trên thế giới có một số nước muốn phát triển du lịch thì người ta cũng phải vượt qua rào cản về việc ‘có đi có lại’ này”, bà Hương nói.
Dẫn trường hợp Indonesia quyết định miễn thị thực cho 169 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm quyết tâm hút khách du lịch, ông Trần Trọng Kiên – Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, cho rằng trong khi chờ đợi các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, môi trường du lịch cải thiện để hút khách thì mở rộng miễn thị thực là con đường nhanh nhất để đạt được tham vọng phát triển.
Theo ông, nếu còn vướng những ràng buộc về chính sách và quan điểm ngoại giao thì Chính phủ cũng nên cân nhắc việc nâng thời gian miễn visa cho khách từ 15 lên 30 ngày. Đồng thời, cần thông báo danh sách các nước được miễn sớm để doanh nghiệp chủ động. Chương trình cấp thị thực điện tử cần được nâng cấp mạnh mẽ hơn về giao diện và tính thuận tiện cho người nước ngoài.
Bộ Công an cho biết, từ khi thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân 40 nước vào tháng 2/2017, đã có gần một triệu lượt truy cập với 96.000 lượt được cấp e-visa. Công dân 39/40 nước thuộc diện cấp e-visa, trừ Brunei, đã xin được thị thực qua mạng thành công. Sắp tới, sẽ có thêm 6 quốc gia được bổ sung vào danh sách.
“Đúng như Bộ Ngoại giao và Bộ công an nói là phải liên quan đến ứng xử đối đẳng, có đi có lại. Thế nhưng có những việc chúng ta cũng thấy rằng khu vực châu Âu, nơi nào có nhiều khách quan tâm hay ngay cả vấn đề khách Trung Quốc sang thì chúng ta cũng mở cửa rất mạnh mẽ. Nhưng mở cửa không có nghĩa là mở toang mà gắn với việc kiểm tra của cơ quan chức năng, của địa phương. Chúng ta đang làm theo hướng như thế”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bình luận.
Viễn Thông / VnExpress