"Rầm", một bàn tay đập xuống bàn lên giọng quát tháo: "đừng có lằng nhằng". Đó không phải cảnh đòi nợ trong phim mà là cách một chủ quán ở Nha Trang "xin tiền" khách: một quả dừa, giá 300.000 đồng.
Theo khảo sát của PV Dân trí, giá vé máy bay đã "hạ nhiệt" vào sát dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều tour du lịch cũng ồ ạt đăng bài giảm giá lỗ từ 30-50% so với cách đây một tháng.
Cụ thể, trong khung thời gian từ 29/4 đến 3/5, vé khứ hồi Đà Nẵng - TP.HCM có giá từ 1,6 - 2,5 triệu đồng, TP.HCM - Đà Lạt giảm còn 1,5 triệu đồng, Hà Nội - Phú Quốc giá 4 triệu đồng… Trước đó, các điểm đến này luôn có giá dao động từ 6-10 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng, giá vé giảm là do nhu cầu du lịch trong nước không còn "nóng" như thời điểm các năm trước. Tâm lý khách sau dịch Covid-19 có nhu cầu muốn đi du lịch nước ngoài sau thời gian dài bị kìm chân ở nhà, ngoài ra không ít người cũng lo ngại các điểm đến trong nước dịp lễ luôn chen chúc, quá tải và... dịch vụ tệ.
Làm du lịch kiểu "ăn cướp giữa ban ngày"
"300.000 đồng là cái giá điên rồ cho một quả dừa", Tuấn Anh - người khách hàng thốt lên sau khi đã thanh toán và rời khỏi quán.
Theo lời kể của người đàn ông này, trong chuyến du lịch Nha Trang cuối tháng 7/2022, anh cùng con trai đi bơi ngoài biển, đoạn đường Trần Phú (Nha Trang), anh mua một quả dừa với báo giá ban đầu của người bán là 50.000 đồng/quả.
Tuấn Anh đồng ý và rút ví định trả tiền nhưng người này nói chưa cần thanh toán ngay, hai bố con cứ đi bơi và có thể gửi đồ tại quán, họ sẽ trông giúp. "Họ nói là sẽ trông giúp với thái độ niềm nở, tôi đã tin và để lại hai bộ quần áo, không có món đồ nào giá trị", vị khách kể lại.
Bơi xong, anh lên thanh toán định bụng sẽ trả thêm một chút vì thấy họ khá nhiệt tình, nhưng chưa kịp mở lời, anh nghe báo giá quả dừa từ 50.000 đồng đã lên… 300.000 đồng.
Hai bố con anh Tuấn Anh trong chuyến du lịch Nha Trang cuối tháng 7/2022. (Ảnh: NVCC)
"Trong quả dừa" phụ thu tiền cuối tuần, tiền trông đồ, tiền chụp ảnh hộ, tiền chỗ ngồi dù cả hai bố con không ngồi phút nào.
Anh ngỡ ngàng với cái giá đó, và còn ngỡ ngàng hơn khi bắt gặp thái độ côn đồ của người bán.
Theo Tuấn Anh, vấn đề không ở các chi phí phát sinh mà cách họ kiếm tiền khiến anh cảm thấy như bị "ăn cướp giữa ban ngày". Họ lấy sự thân thiện, tử tế ra để mồi chài khách hàng sử dụng dịch vụ, sau đó báo lại một mức giá trên trời, khác xa với chất lượng thực mà khách nhận được.
Câu chuyện của Tuấn Anh không cá biệt, không phải với khách nước ngoài mà với cả những người Việt, đi du lịch trên chính đất nước của mình.
Chúng ta từng "dậy sóng", bức xúc với hóa đơn 29 triệu đồng cho bốn cốc cà phê ở Lâm Đồng; một miếng dán cường lực điện thoại giá 500.000 đồng ở hồ Gươm (Hà Nội), quán bánh ướt lòng gà chửi khách ở Đà Lạt hay mới đây là đĩa thịt quay 500.000 đồng ở Sa Pa…
Những vụ việc trên cho thấy, chặt chém đã trở thành vấn nạn của du lịch Việt Nam mỗi mùa cao điểm.
Cận cảnh đĩa thịt quay giá 495.000 đồng ở Sa Pa (Lào Cai). (Ảnh: NVCC)
Chị Hoàng Hồng Hạnh (35 tuổi, Hà Nội) than thở: "Tôi thấy sợ khi đi du lịch trong nước". Dù luôn chuẩn bị tâm lý sẽ phải trả nhỉnh hơn vài giá, nhưng hết lần này đến lần khác, chị luôn phải thảng thốt vì các chiêu trò chèo kéo khách của những người bán hàng địa phương.
Có lần bắt taxi từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) di chuyển đến đường Lê Văn Sỹ (khoảng 3km), chị Hạnh bị tài xế đòi 500.000 đồng dù giá cước trên đồng hồ chỉ hơn 70.000 đồng. "Trả tiền nhanh lên đi", người tài xế nói thế rồi đặt bịch cái vali của chị xuống lòng đường.
Cũng là nói thách, nhưng ở Indonesia, chị Hạnh có trải nghiệm hoàn toàn khác. Khi hỏi mua món đồ lưu niệm làm từ quặng lưu huỳnh, chị Hạnh được báo giá 60.000 rupiah/sản phẩm (khoảng 95.000 đồng). "Họ công khai giá từ đầu và tôi có thể mặc cả", chị Hạnh Kể.
Khi cuộc thương thảo kết thúc, nữ du khách mua món đồ với giá 45.000 rupiah, và được người bán khen là giỏi mặc cả. Không biết có bị "hớ" hay không, nhưng điều quan trọng trong cuộc mua bán này, kết thúc đó là sự hài lòng của người mua.
Ở Việt Nam, chặt chém biến hoạt động kinh doanh trở thành một kiểu "trấn lột": khi mua, khách phải mua hàng hay dịch vụ với sự ấm ức vì không thống nhất về giá cả, bị ép, bị đe dọa phải chấp nhận mức giá trên trời mà không có quyền từ chối.
Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, tháng 8/2022, bàn về du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng khai thác du lịch nội địa với tâm lý "nội địa", dẫn đến có sự dễ dãi trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Theo ông Hùng, đó là cách làm "ăn xổi", tại thời điểm đó có thể mang về lợi nhuận trước mắt nhưng lâu dài sẽ không đáp ứng được.
"Tôi phát sợ khi đi du lịch trong nước"
Chị Mai Hoa (30 tuổi, Hà Nội) một du khách cho biết, vài năm nay, chị đã không đi du lịch trong nước vào các ngày lễ. Khi lựa chọn các điểm đến, chị ưu tiên tiêu chí thân thiện của người dân bản địa, bởi "tôi không thể rước thêm bực vào người bởi những kiểu bán hàng quát vào mặt khách", chị Hoa nói.
Giống như chị Hoa, nhiều khách Việt có tâm lý sợ đi du lịch trong nước, bất đắc dĩ phải "sính ngoại".
Thị trường du lịch mùa lễ 30/4 - 1/5 năm nay, các đơn vị lữ hành cho biết, có đến 60% khách Việt chọn đi du lịch nước ngoài. Tour outbound "bùng nổ" cả về số lượng và chất lượng, trong đó, Thái Lan là điểm đến được yêu thích nhất.
Giữa tháng 4, nhiều doanh nghiệp ở Phú Quốc "kêu cứu" vì nỗi lo mất thị phần.
Ông Nguyễn Khắc Vũ Huy, CEO Vina Phú Quốc Travel cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp của ông giảm 30% lượt khách sử dụng dịch vụ. Riêng đợt lễ 30/4 - 1/5 năm nay dự kiến chỉ đón hơn 1.500 khách, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này lên tới 3.000 khách.
"Chúng ta phải thừa nhận rằng, hàng xóm của chúng ta, Thái Lan, là một đối thủ mạnh, họ không tính toán đến việc du khách mua tour lãi hay lỗ mà nghĩ về tiềm năng khách đến Thái sẽ tiêu bao nhiêu tiền.
Khách có thể chỉ mất khoảng 7 triệu đồng để đến được Thái Lan du lịch, nhưng số tiền họ sẽ tiêu ở đó sẽ gấp đôi, gấp ba, đó mới là lợi ích kinh tế mà du lịch Thái Lan hướng tới", ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội nhận định.
Chặt chém trở thành nỗi ám ảnh khi đi du lịch nội địa của khách Việt.
Ở Việt Nam, vấn nạn chặt chém trở thành nỗi ám ảnh khi đi du lịch của nhiều du khách nội địa. Họ mua bán, sử dụng dịch vụ trong nơm nớp lo sợ, và cảm thấy tức tưởi khi vừa mất tiền, vừa bị người bán mắng chửi, thậm chí mang cả "luật rừng" ra để dọa nạt.
Rồi đây, sẽ có nhiều chủ cửa hàng, đặc biệt là ở những dãy phố kinh doanh mặt hàng giống nhau như phố hải sản ở Đà Nẵng hay Vũng Tàu, Nha Trang không hiểu vì sao lượng khách của mình lại thấp hơn hẳn nhà khác. Khách càng thưa thớt họ càng chặt chém số "thượng đế" ít ỏi còn lại, và cứ thế việc kinh doanh theo đà lao dốc. Thị trường có cơ chế để gạt bỏ những kẻ lừa đảo ra ngoài lề, và công nghệ thông tin sẽ đẩy nhanh tốc độ của quá trình đó.
Năm 2022, khách du lịch nội địa đạt mức kỷ lục, vượt xa mức đỉnh của thời điểm trước dịch năm 2019, trở thành cứu cánh cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam, khi khách quốc tế vẫn chưa trở lại nhiều.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), khách Việt sau dịch có xu hướng chi tiêu "mạnh tay". Tốc độ gia tăng của tầng lớp trung lưu khá nhanh, đặc biệt phân khúc "rich kid" (tệp khách hàng trẻ có mức chi trả cao) đang dần trở thành tệp khách hàng quan trọng của ngành du lịch nội địa.
Du khách Việt giờ thích hướng đến những trải nghiệm các dịch vụ chất lượng, đẳng cấp trước nay vốn dành cho khách quốc tế.
Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch với mảng du lịch nội địa, có khoảng gần 80% du khách chọn hình thức du lịch độc lập, còn lại mua tour qua các công ty du lịch.
Một số lý giải cho rằng việc bị chặt chém vì không đi theo tour là chưa thuyết phục.
Cần phải nhìn thẳng vào sự thật, "chặt chém" là biểu hiện của cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, làm xấu đi hình ảnh du lịch của nhiều địa phương.