Bên cạnh việc can thiệp vào kết cấu hay lắp thêm các phụ kiện không phù hợp thì ô tô còn có thể bị từ chối nếu chưa hoàn tất một số thủ tục hành chính.
Để được phép tham gia lưu thông trên đường, mỗi chiếc ô tô đều cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc đăng kiểm là hoạt động của các cơ quan chuyên ngành kiểm định chất lượng xe về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xem xét phương tiện đó có đảm bảo theo quy định không.
Vừa qua, một số trung tâm đăng kiểm bị tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nhiều tài xế cho rằng việc kiểm định ô tô đang được làm "gắt" hơn, song thực tế các quy định về đăng kiểm đã được nêu rõ nhưng không ít tài xế chưa tìm hiểu hoặc biết nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Nếu tham gia giao thông khi giấy chứng nhận đăng kiểm đã hết hạn hoặc không có giấy chứng nhận đăng kiểm thì tài xế sẽ bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng (Ảnh: Phạm Nguyên).
Dưới đây là những lỗi thường gặp dẫn đến ô tô sẽ bị từ chối đăng kiểm:
- Xe thiếu giấy tờ khi đi đăng kiểm: Các giấy tờ cần thiết khi làm thủ tục gia hạn đăng kiểm gồm: Đăng ký xe (bản chính), hoặc bản sao đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ hoặc của tổ chức cho thuê tài chính, hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe còn hiệu lực (bản chính), và Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cải tạo (đối với xe mới cải tạo).
- Chưa đóng phí phạt nguội: Phạt nguội là hình thức xử phạt vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (hình ảnh, video).
Theo quy định, chủ xe ô tô có 20 ngày (ngày thông thường chứ không phải ngày làm việc) tính từ ngày CSGT gửi thông báo phạt nguội để giải quyết. Sau thời hạn, người vi phạm không đến trụ sở CSGT để giải quyết thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào phần mềm cảnh báo. Lúc này, chủ xe sẽ bị từ chối kiểm định, cho đến khi việc phạt nguội được giải quyết.
Do đó, chủ phương tiện nên thường xuyên tra cứu thông tin phạt nguội trên các trang web chính thống của trung tâm đăng kiểm, xem ô tô của mình có bị phạt nguội không để kịp thời giải quyết, tránh mất nhiều thời gian đi lại.
- Lắp thêm cản trước, cản sau, giá nóc: Đây sẽ là nguyên nhân khiến xe ô tô bị từ chối đăng kiểm nếu vượt quá kích thước cho phép theo tỷ lệ lần lượt dài x rộng x cao là 4x3x4 (cm). Ngoài việc bị từ chối đăng kiểm, những xe có lắp thêm khung/cản bảo vệ ô tô còn bị CSGT xử phạt vi phạm hành chính với lỗi tự thay đổi kết cấu xe.
- Thay đổi hệ thống đèn xe: Mọi hành vi thay đổi đèn xe so với thiết kế của nhà sản xuất, như lắp đặt thêm đèn LED, đèn sương mù, đèn phía sau..., đều bị xác định là vi phạm Khoản 2, Điều 55 của Luật Giao thông đường bộ. Ngoài việc bị từ chối đăng kiểm, các xe này còn bị phạt là 1 triệu đồng.
- Lắp thêm ghế: Lỗi này thường gặp ở các loại xe van và xe bán tải chỉ có hai ghế ngồi ở cabin, nên sau khi mua xe về, nhiều người đã lắp thêm hàng ghế sau để tăng số chỗ ngồi. Tuy nhiên, đây là việc làm sai quy định, sẽ khiến xe vừa không được đăng kiểm vừa có nguy cơ bị CSGT phạt 6-8 triệu đồng. Chủ xe phải tháo bỏ hàng ghế sau, đưa xe về nguyên trạng ban đầu như thiết kế thì mới có thể làm thủ tục đăng kiểm.
- Thay đổi màu sơn: Dù là sơn thật hay chỉ dán decal nhưng nếu làm thay đổi màu sắc nguyên bản thì ô tô sẽ không được đăng kiểm. Nếu muốn giữ lại màu decal dán toàn xe thì chủ xe có thể làm thủ tục thay đổi màu xe để được đăng kiểm.
- Thay đổi kết cấu xe: Cơi nới thùng hàng có chiều cao vượt quá thông số tiêu chuẩn (lỗi thường thấy ở xe tải chở hàng), thay đổi body kit, và sử dụng mâm lốp không đúng kích cỡ hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc).
- Không tuân thủ yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình: Đây là quy định dành cho xe kinh doanh vận tải (theo Nghị định 91/2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô).
Ngoài bị phạt tiền, người trực tiếp điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng sẽ bị tước bằng lái 1-3 tháng (Ảnh: Phạm Nguyên).
Từ những quy định trên, có thể thấy các trường hợp ô tô con bị từ chối đăng kiểm thường rơi vào những phương tiện "độ chế" đèn sai quy định. Nhu cầu cải thiện khả năng chiếu sáng cho ô tô là chính đáng, đặc biệt là với những xe đời cũ, xe phổ thông, song nếu việc này được thực hiện không đúng quy định sẽ không vượt qua được các bài kiểm tra của đơn vị chuyên ngành.
Thực tế, nhiều xe độ đèn "vô tội vạ" theo hướng chỉ biết sáng cho mình mà lại không quan tâm rằng người đi ngược chiều bị chói mắt. Một số xe lắp LED bar, lắp đèn công suất lớn, đèn trang trí nhấp nháy cũng ảnh hưởng tới các phương tiện khác khi lưu thông. Đó còn là chưa kể đến các nguy cơ chập cháy, ảnh hưởng tới nguồn điện trên xe.
Thứ hai, không ít chủ xe thích lắp thêm giá nóc, cản trước và cản sau để "tăng độ hầm hố" hoặc vì một số mục đích khác. Các món đồ này có thể giúp chủ phương tiện đạt được mục đích thẩm mỹ cá nhân, sở thích riêng nhưng nếu lắp không đúng yêu cầu sẽ bị "đánh trượt" khi kiểm định. Thứ ba, việc thay đổi màu xe, bất kể là sơn hay dán decal cũng sẽ khiến ô tô bị từ chối đăng kiểm.