"Anh cảm thấy em đang vướng vào sai lầm của startup là làm ra sản phẩm xã hội chưa chắc cần, hoặc có cũng được, không có cũng được", Shark Nguyễn Hòa Bình nói với CEO của Dat Bike hồi năm 2019.
Shark Dũng đi thử xe của Dat Bike trong chương trình Shark Tank mùa 3 hồi năm 2019.
Trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 phát sóng 4 năm trước, CEO & Co-founder của Dat Bike Nguyễn Bá Cảnh Sơn đến kêu gọi 50.000 USD cho 0,5% cổ phần dự án xe máy điện, với mong muốn người Việt Nam khi ra đường sẽ không còn cần phải đeo khẩu trang.
Dù từng làm việc tại Silicon Valley và được các Shark gọi là “nhân tài”, startup của anh Sơn vẫn bị “vùi dập” không thương tiếc, đặc biệt là Shark Nguyễn Hòa Bình. Vị “cá mập” này đánh giá Dat Bike “không có cơ hội nào”, khi sản phẩm của các doanh nghiệp lớn vừa có sẵn mạng lưới phân phối trên toàn quốc, giá thành lại rẻ hơn nhiều.
“ Anh không cổ vũ xe máy chạy xăng, nhưng với số tiền 39 triệu, người dân có thể mua một xe máy chạy xăng rất đẹp và tiện ích hơn của em nhiều ”, Chủ tịch Tập đoàn NextTech nói thẳng. “ Anh cảm thấy em đang vướng vào sai lầm của startup là làm ra sản phẩm xã hội chưa chắc đã cần, hoặc có cũng được, không có cũng được ”.
Tuy nhiên, Shark Nguyễn Mạnh Dũng ngay lập tức lên tiếng phản bác.
“ Anh không đồng ý với quan điểm của anh Bình, bởi vì xu thế sẽ là xe điện, tốt cho môi trường. Nhu cầu vốn đã có sẵn ”, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures nói với CEO của Dat Bike.
Shark Bình sau đó thừa nhận xe điện là xu hướng, nhưng vẫn khẳng định khách hàng sẽ không mua xe của Dat Bike. Đáp lại, Shark Dũng cho rằng khách có mua hay không để thị trường trả lời, vấn đề nằm ở việc đâu là lý do để họ mua sản phẩm của Dat Bike, giống như câu chuyện người dân Mỹ mua Tesla thay vì những xe xăng khác.
"Lời tiên tri" thành hiện thực
4 năm kể từ ngày lên sóng Shark Tank, thị trường dường như đã có câu trả lời với những chiếc xe máy điện mang phong cách bụi bặm của Dat Bike. Cuối năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu trong vòng 12 tháng tăng gấp 10 lần, tổng số vốn đã huy động được lên đến 16,5 triệu USD. Định giá Dat Bike theo đó chạm mốc 32 triệu USD, theo ước tính của Venture Cap Insights.
Tới tháng 3 năm nay, Dat Bike trở thành 1 trong 9 dự án được Chính phủ Anh lựa chọn tham gia chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu trị giá 11,8 triệu bảng (14,5 triệu USD). Startup này tự tin đặt mục tiêu doanh số tăng gấp 10 lần/năm và có kế hoạch mở rộng sang Indonesia.
Bên cạnh thành công của Dat Bike, thị trường xe điện tại Việt Nam thời gian qua cũng vô cùng sôi động, đúng như “lời tiên tri” 4 năm trước của Shark Dũng – rằng xe điện sẽ là xu thế và nhu cầu vốn đã có sẵn.
Điểm nổi bật là những cú bắt tay giữa các nhà sản xuất xe điện với bên cung cấp dịch vụ, gồm các hãng giao vận và nền tảng xe công nghệ, qua đó mở rộng sự hiện diện của xe điện trên đường phố.
Hôm 18/5, Gojek và Dat Bike công bố hợp tác thí điểm sử dụng xe máy điện trong các dịch vụ chở khách, giao hàng và giao đồ ăn. Chỉ 5 ngày sau, đối thủ của Gojek là Grab cũng triển khai thử nghiệm giao hàng tại TP. HCM bằng hệ sinh thái xe máy điện của Selex Motors – startup được thành lập từ năm 2018.
Trước Grab, Selex Motors đã bắt tay với Baemin để thí điểm hoạt động giao đồ ăn. Bên cạnh đó, startup non trẻ này còn là đối tác thí điểm chuyển đổi sang xe máy điện của nhiều đơn vị giao vận lớn như Lazada, Viettel Post, DHL… Thay vì sản xuất các dòng xe máy điện phục vụ nhu cầu đi lại, Selex Motors xác định trước hết sẽ tập trung vào thị trường giao vận - ngành có nhu cầu di chuyển nhiều nhất và muốn tối ưu chi phí nhất.
Hôm 17/5, Selex Motors và Viettel Post công bố kết quả thử nghiệm kéo dài 1 tháng cho thấy việc sử dụng xe máy điện nâng cao hiệu suất giao hàng 50%, giúp tài xế tăng thu nhập 34%.
Mấu chốt của thành công được cho là phải đảm bảo sự tiện lợi trong nạp năng lượng. Trước đây, anh Sơn tự hào với các Shark rằng xe của Dat Bike chỉ mất 3 tiếng sạc để đi được 100 km, thì giờ đây xe của Selex Motors chỉ tốn 2 phút để nạp đầy năng lượng cho 150 km nhờ giải pháp đổi pin.
Các tài xế GrabExpress đổi pin tại trạm của Selex Motors.
Không chỉ xe máy điện, sự hiện diện của ô tô điện tại Việt Nam cũng gia tăng đáng kể sau khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng hồi tháng 3 thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi sử dụng xe VinFast.
Dịch vụ taxi của GSM đã được triển khai tại Hà Nội, TP. HCM và Huế. Công ty cũng đang tiến hành tuyển tài xế tại Đà Nẵng và Nha Trang, nhằm phục vụ mục tiêu mở rộng dịch vụ taxi điện đến 15 tỉnh, thành trên cả nước ngay trong năm nay.
Bên cạnh kế hoạch mở rộng dịch vụ taxi, GSM còn hợp tác với các hãng taxi địa phương là Lado Taxi và Taxi Én Vàng để cho thuê ô tô điện. Lado Taxi – hãng taxi hiện hoạt động tại 6 tỉnh phía nam - thậm chí có kế hoạch dừng mua xe xăng kể từ năm nay và đến năm 2025 ô tô điện sẽ chiếm 95% trong dàn xe.
“ Taxi điện là xu thế chung của thế giới và cũng nằm trong chủ trương của Chính phủ. Lado Taxi sử dụng xe điện đến nay đã được một năm và ghi nhận hiệu quả vượt trội trong kinh doanh, cũng như trải nghiệm khách hàng ”, ông Nguyễn Ngọc Đồng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồng Thuý - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi, cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Co-founder & CEO của Selex Motors chỉ ra hàng loạt vấn đề nan giải đang tồn tại như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, giá xăng dầu tăng cao. Đặc biệt, Việt Nam có tới hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, thải ra lượng khí CO2 khổng lồ.
" Tất cả những điều này là biểu hiện của một cuộc chuyển dịch mang tính lịch sử 100 năm mới có một lần trong lĩnh vực giao thông ", ông Nguyên nhìn nhận.